Siêu cao thủ đầu tư từng đoạt giải Nobel kinh tế
Không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế học như một ngành khoa học, Paul Samuelson còn là nhà đầu tư chuyên nghiệp thành công.
Sinh năm 1915, Paul Samuelson lấy bằng kinh tế học tại Đại học Chicago vào năm 1935, tiếp đó là bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh tế của Harvard lần lượt vào các năm 1935 và 1941. Thậm chí trước khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông đã bắt đầu đảm nhiệm vị trí trợ lý giáo sư tại MIT năm 1940, rồi trở thành giáo sư toàn thời gian năm 1949.
Bước đột phá lớn của ông là khi ông viết cuốn Economics: An Introductory Analysis, vào năm 1948. Cuốn sách này đã chứng tỏ là một trong những cuốn bán chạy về kinh tế học cơ bản của mọi thời đại, và vẫn đang được sử dụng như sách giáo khoa đại cương cho nhiều chương trình đại học.
Trong sự nghiệp học thuật nổi bật chỉ kết thúc khi ông qua đời năm 2009, Samuelson đã đóng góp rất lớn cho mọi khía cạnh của kinh tế học, tài chính và lịch sử tài chính. Điều này bao gồm chính sách thương mại, kinh tế vĩ mô và kinh tế học tài chính công.
Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các nhà kinh tế học sử dụng các công thức toán học cao cấp để chứng minh cách mà lý thuyết của họ vận hành. Mặc dù xu hướng này nhận được các đánh giá đa chiều từ chính các nhà kinh tế học, những người tranh cãi rằng nó làm cho kinh tế quá xa rời hiện thực, nó cũng giúp ông được trao giải Nobel Kinh tế năm 1970 cho sự đóng góp về “nâng cao mức độ phân tích trong khoa học kinh tế”.
Samuelson không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế học như một ngành khoa học, ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách kinh tế ở thế giới thật. Trong suốt Thế chiến thứ hai, ông đóng vai trò quan trọng giúp chính phủ Mỹ quản lý thị trường lao động để đảm bảo cho cả nhu cầu của sản xuất thời chiến lẫn nền kinh tế dân sự được đáp ứng phù hợp.
Trong bảy năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, ông tư vấn cho chính phủ về các vấn đề ngân sách. Từ những năm 1960 trở đi, ông tư vấn cho một loạt các cơ quan của chính phủ Mỹ, bao gồm cả Kho bạc và Cục dự trữ Liên bang, mặc dù cách tiếp cận theo chủ trương ôn hòa của ông đối với chính sách tài khóa và tiền tệ đã đánh mất sự ủng hộ trong những năm 1980 do sự trỗi dậy của các nhà kinh tế học đi theo trường phái tiền tệ như Milton Friedman.
Bước đi ngẫu nhiên
Một trong những đóng góp lớn nhất của Samuelson cho thế giới đầu tư là ý tưởng về “bước đi ngẫu nhiên”.
Nhà toán học người Pháp Louis Bachelier nhận thấy giá cả trên thị trường chứng khoán chuyển động theo một cách rất giống với chuyển động Brown, là chuyển động ngẫu nhiên của các phân tử. Biết đến công trình của Bachelier từ một đồng nghiệp, Samuelson kết luận rằng điều thực sự thú vị không phải là các tương đồng cụ thể giữa chuyển động của giá cổ phiếu với các phân tử, mà là sự ngẫu nhiên.
Nếu người ta không thể nhận ra bất kỳ khuôn mẫu lặp đi lặp lại cụ thể nào dự đoán được sự biến động của giá cổ phiếu, điều này cho thấy hầu hết thị trường hoạt động hiệu quả một cách hợp lý, vậy nên mọi thông tin được phổ biến nhanh chóng và dựa vào đó để hành động.
Do đó, điều này nghĩa là việc một nhà đầu tư liên tục đánh bại thị trường trong dài hạn mà không phải gánh chịu thêm rủi ro là điều không thể, và cố gắng làm như vậy chỉ tổ lãng phí thời gian. Như đã lưu ý ở chương trước, Samuelson lập luận rằng do thị trường không thể bị đánh bại, việc các nhà đầu tư nên mua một quỹ đi theo thị trường là có lý. Điều này đã chứng tỏ là nguồn cảm hứng lớn cho quỹ chỉ số của John Bogle. Dù Samuelson không đóng bất cứ vai trò trực tiếp nào trong việc thành lập quỹ này, nhưng ông là một người ủng hộ nhiệt thành.
Thật vậy, ông hết lần này đến lần khác từ chối cơ hội trở thành giám đốc của Vanguard, chẳng phải vì ông không tin vào nó, mà vì ông tin rằng sự ủng hộ của mình đối với đầu tư theo chỉ số dường như sẽ ít thuyết phục hơn nếu ông có sự quan tâm tài chính trực tiếp đến nó.
Samuelson cũng thúc đẩy đầu tư theo chỉ số trong thời kỳ của mình với tư cách là một ủy viên hội đồng quản trị của quỹ hưu trí TIAA-CREF. Do sự chống đối của các ủy viên khác, là những người muốn tiếp tục đầu tư chủ động theo kiểu truyền thống, ông đã thất bại trong việc thuyết phục họ đưa tất cả tài sản vào các quỹ chỉ số. Tuy nhiên, ông đã thuyết phục được họ chuyển một số tài sản thành các khoản đầu tư thụ động. Ông cũng đã khiến họ gia tăng số lượng cổ phiếu nước ngoài nắm giữ, thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả. […]
Samuelson có thể từng là một fan cuồng của thị trường hiệu quả và đầu tư thụ động, nhưng điều đó không khiến ông ngừng tham gia vào các khoản đầu tư chủ động hơn.
Đáng chú ý nhất trong đó là Commodities Corporation, một quỹ phòng hộ được thành lập vào năm 1970 bởi một trong các nghiên cứu sinh của Samuelson, Helmut Weymar. […]
Các khoản đầu tư cá nhân
Ngoài các vai trò chính thức của ông tại CC và TIAACREF, Samuelson đã thực hiện nhiều khoản đầu tư cá nhân từ tiền lương ở Princeton, tiền bản quyền sách và các nguồn khác. Thật vậy, khi vợ ông nhận được một khoản đầu tư vào cuối những năm 1930, ông đã lợi dụng thực tế là cổ phiếu bị trì trệ để mua cổ phiếu của các công ty bền vững đang giao dịch ở mức hệ số thu nhập rất thấp và chào các mức tỷ lệ cổ tức hào phóng. Nhận thấy các khách sạn đang bán một phần giá xây dựng, ngay cả khi bạn có tính chi phí cải tạo lại vào, ông cũng đã đầu tư thành công trực tiếp vào cả các tòa nhà và vào một số chuỗi khách sạn quốc gia lớn ban đầu.
Một khoản đầu tư khác cực kỳ thành công của Samuelson là vào nhà xuất bản học thuật Addison-Wesley. Tiếp xúc với họ khi họ có vai trò là nhà xuất bản sách chính của các học giả MIT, Samuelson đã rất ấn tượng và mua đủ cổ phần trong công ty rồi được mời tham gia hội đồng quản trị. Mặc dù cuối cùng ông cũng bán cổ phiếu của mình sau khi chán nản với các vấn đề nội bộ, bao gồm cả tranh chấp giữa nhà sáng lập với một trong các giám đốc điều hành chủ chốt, nhưng ông vẫn giữ cổ phiếu đủ lâu để nhận thấy công ty đi từ một cửa hàng nhỏ trở thành một thế lực lớn trong ngành xuất bản.
Samuelson cũng đầu tư lớn vào Berkshire Hathaway sau khi được Conrad Taff “dắt mối” vào cuối những năm 1960. Taff, người từng học tại Columbia dưới thời Graham, đã viết cho Samuelson lý luận rằng thành công của Buffett đã bác bỏ giả thuyết thị trường hiệu quả. Tò mò, Samuelson đã tự nghiên cứu, cảm thấy hứng thú với nó, và bắt đầu mua cổ phiếu Berkshire.
Trớ trêu thay, đây cũng là khoảng thời gian khi Samuelson đang làm chứng tại Quốc hội rằng ngành quỹ tương hỗ là một sự lãng phí tiền bạc cho hầu hết nhà đầu tư. Từ năm 1970 cho đến khi Samuelson qua đời vào năm 2009, cứ 1.000 đôla đầu tư vào cổ phiếu của Berkshire sẽ trở thành 2,12 triệu đôla, lợi nhuận hàng năm là hơn 20%.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sieu-cao-thu-dau-tu-tung-doat-giai-nobel-kinh-te-post1421394.html