Singapore, Thái Lan và nhiều nước khác trao tiền mặt hỗ trợ người dân trước lạm phát
Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á tđưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân, trong khi các nhà phê bình cảnh báo về căng thẳng tài chính.
Các nước Đông Nam Á đang hỗ trợ trực tiếp nhiều tiền hơn cho các hộ gia đình để giúp họ đối phó với giá cả tăng cao, mặc dù những người hoài nghi đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả cũng như tác động của biện pháp này đối với nền tài chính công vốn đã bị siết chặt.
Ngân sách tài khóa 2024 của Singapore được công bố hôm 16/2 vừa qua bao gồm phiếu mua sắm trị giá 600 đô la Singapore (445 USD) cho mỗi hộ gia đình, sẽ được phân bổ thành 2 đợt vào tháng 6 năm nay và tháng 1 năm sau, như một phần của gói hỗ trợ lớn hơn. Vào tháng trước, chính quyền nước này cũng thực hiện đợt phát phiếu thưởng trị giá 500 đô la Singapore.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong nhấn mạnh mối quan ngại của chính phủ về chi phí sinh hoạt tăng cao trong bài phát biểu về ngân sách của ông. Ông nói: “Với bản ngân sách này, tôi sẽ làm nhiều hơn để hỗ trợ các hộ gia đình”.
Chương trình này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi hỗ trợ tài chính vào thời điểm người dân Singapore cảm thấy khó khăn hơn do giá cả tăng cao liên tục.
Theo Cục Thống kê Singapore, giá cả tại các trung tâm bán hàng hoặc khu ẩm thực nổi tiếng của đất nước này đã tăng 15% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023. Một cuộc khảo sát cho thấy giá một đĩa cơm gà tăng khoảng 20% trong vòng 2 năm.
“Chi phí sinh hoạt ở Singapore ngày càng cao”, một kỹ thuật viên ở độ tuổi 50 cho biết.
Bên cạnh Singapore, nhiều quốc gia khác cũng đang đưa ra những chương trình phát tiền mặt tương tự.
Chính quyền của tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin có kế hoạch chi 500 tỉ baht (14 tỉ USD) để chuyển 10.000 baht qua ví kỹ thuật số cho tất cả công dân từ 16 tuổi trở lên, đáp ứng các yêu cầu nhất định. Mặc dù trước đây quốc gia này đã tiến hành các đợt phân phát nhỏ hơn nhưng chương trình này có quy mô lớn nhất và tốn kém nhất cho đến nay.
Malaysia cũng đang tăng cường hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, khoảng 10 tỉ ringgit (2,1 tỉ USD) trong năm nay, tăng từ mức 8 tỉ ringgit vào năm 2023. Philippines sẽ cấp 5.000 peso (89 USD) cho các hộ gia đình có thu nhập dưới 23.000 peso/tháng.
Đối với các chính trị gia, những biện pháp như vậy có thể được sử dụng để lấy lòng cử tri hoặc giúp tránh tình trạng hỗn loạn chính trị. Kế hoạch ví kỹ thuật số của Thái Lan là nền tảng cốt lõi trong cương lĩnh của Đảng Pheu Thai của ông Srettha trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Tại Indonesia, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo trong tháng 1 đã công bố khoản hỗ trợ tiền mặt hàng tháng 200.000 rupiah (13 USD) cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Tin tức này được đưa ra ngay trước cuộc bầu cử tổng thống hôm thứ Tư.
Khi lạm phát ở các nước Đông Nam Á hạ nhiệt, hiệu quả của việc phân phối tiền mặt trực tiếp đang bị đặt ra nhiều câu hỏi.
Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput nói với Reuters vào tháng 1 rằng thúc đẩy tăng trưởng dài hạn “không chỉ được thực hiện bằng cách thực hiện các biện pháp kích thích ngắn hạn”.
Một số chính phủ đang tìm cách hạn chế số lượng người nhận để giúp cho chương trình đỡ tốn kém hơn, nhưng những chương trình này vẫn có thể gây ra gánh nặng cho tài chính công.
Makoto Saito thuộc Viện nghiên cứu NLI của Nhật Bản cho biết, gói hỗ trợ của Thái Lan "được kỳ vọng sẽ kích thích nền kinh tế, nhưng sẽ gây bất lợi cho sức khỏe tài chính của nước này".
Một số quốc gia trong khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức tài chính sau khi tăng cường chi tiêu để ứng phó với đại dịch COVID-19. Singapore và Malaysia đang kết hợp chương trình trợ cấp của họ với việc tăng thuế, trong đó Singapore tăng thuế hàng hóa và dịch vụ lên 9% từ mức 8% vào tháng 1 và Malaysia dự kiến tăng thuế dịch vụ lên 8% từ mức 6% trong năm nay.