Sở An toàn thực phẩm TP.HCM vừa nhận thông tin 19 sinh viên nghi ngộ độc thực phẩm

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Gò Vấp, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đã thông tin về 19 ca là sinh viên ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM nghi ngộ độc thực phẩm.

Sáng 9-5, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 7 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Gò Vấp trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tổ có Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM và Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM tham gia buổi tiếp xúc.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quận Gò Vấp bày tỏ băn khoăn về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM khi cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, điển hình là các vụ ngộ độc tại Nha Trang, Đồng Nai.

Cử tri quận Gò Vấp đặt vấn đề về các vụ việc ngộ độc thực phẩm. Ảnh: HỒNG THẮM

"Tại TP.HCM, nơi có số lượng thực tiêu thụ thực phẩm hàng ngày đứng đầu cả nước thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay như thế nào, làm thể nào để hạn chế được tình trạng này xảy ra?" - cử tri đặt vấn đề.

Trả lời cử tri, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết trước và sau khi xảy ra các vụ việc ngộ độc thực phẩm ở Nha Trang và Đồng Nai, Sở ATTP TP luôn đề cao cảnh giác, phòng ngừa tối đa để hạn chế tình trạng này trên địa bàn TP.

Sở ATTP TP.HCM vừa nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức về 19 trường hợp là sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM trú tại ký túc xá nghi ngộ độc thực phẩm khi có các biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy sau bữa ăn chiều 8-5.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, các ca nghi ngộ độc nhập viện từ khuya 8-5 đến sáng nay. Các ca không có biểu hiện nặng và Sở ATTP TP.HCM đang xác minh nguyên nhân.

Bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HỒNG THẮM

Theo bà Lan, thời gian qua, để đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở ATTP TP đã tập hợp tối đa lực lượng làm công tác phòng ngừa từ việc thường xuyên lập đoàn kiểm tra các nguyên liệu đầu vào ở các chợ đầu mối, giám sát, kiểm tra đột xuất các bếp ăn trường học, công ty, nhà hàng lớn.

Toàn TP có hơn 15.400 điểm thức ăn đường phố, tập trung một phần trước các điểm trường học. Do hoạt động không cố định, tính chất nhỏ lẻ nên công tác quản lý các điểm này hiện nay rất khó.

"Trong mùa nắng nóng, vi khuẩn dễ phát triển, thức ăn dễ phân hủy và ôi thiu. Người dân nên chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo ăn chín uống sôi, rửa kỹ thực phẩm trước khi ăn để hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm" - Giám đốc Sở ATTP TP khuyến cáo.

Cử tri đặt vấn đề về tiến độ dự án làm mặt đường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Thị Bích Nga (phường 14) đặt vấn đề về tiến độ của dự án xây dựng mặt đường dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trên địa bàn quận. Theo bà Nga, trước đó tiến độ xây dựng bờ kè kênh được đơn vị thi công triển khai và làm rất nhanh chóng, bà con rất vui mừng. Tuy nhiên tiến độ xây mặt đường lại rất chậm, thời gian dự kiến hoàn thành đưa ra là 30-4-2025 liệu có khả thi hay không?...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đỗ An Khang, cho biết quận đã làm tốt công tác được TP giao như hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng từ năm 2017.

Liên quan tiến độ xây dựng mặt đường dọc bờ kè, nguyên nhân công trình đang chậm tiến độ thi công là do đang gặp khó khăn về vật tư đầu vào trong đó có thiếu cát để san lấp làm nền.

Về vấn đề này, hiện TP và các đơn vị liên quan đang phối hợp, tìm nguồn cát để đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án trước 30-4-2025. Quận Gò Vấp cũng thường xuyên tương tác, thúc đẩy chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, giảm bớt khó khăn đi lại cho người dân.

Một số hình ảnh dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên theo ghi nhận PV PLO trưa 9-5:

Một đoạn dự án làm mặt đường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: HỒNG THẮM

Vật liệu tập kết trên bờ kênh. Ảnh: HỒNG THẮM

Một đoạn dự án. Ảnh: HỒNG THẮM

Đoạn bờ kè đã hoàn thành, hiện đang làm mặt đường dọc bờ kè. Ảnh: HỒNG THẮM

HỒNG THẮM

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-an-toan-thuc-pham-tphcm-vua-nhan-thong-tin-19-sinh-vien-nghi-ngo-doc-thuc-pham-post789620.html