Sớm bảo vệ hệ sinh thái của hệ thống giếng cổ Gio An

Trong quá trình hội nhập về lĩnh vực văn hóa, xã hội, tỉnh Quảng Trị đã tập trung thực hiện tốt ở nhiều nội dung. Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển đã tác động đến văn hóa, xã hội, làm tổn hại các yếu tố văn hóa vật chất, tinh thần. Hệ thống di tích giếng cổ Gio An bị xâm hại trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua là minh chứng rõ ràng về sự tác động đó.

 Việc khai thác đá bừa bãi thời gian qua ở xã Gio An làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của hệ thống giếng cổ -Ảnh: TÚ LINH

Việc khai thác đá bừa bãi thời gian qua ở xã Gio An làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của hệ thống giếng cổ -Ảnh: TÚ LINH

Di tích giếng cổ Gio An hay còn gọi là hệ thống giếng cổ Gio An ở huyện Gio Linh đang được cơ quan chức năng tỉnh trình Chính phủ đưa vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, di tích này được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 2001 theo Quyết định số 08-2001/QĐ-BVHTT với 14 giếng tiêu biểu trong toàn bộ hệ thống. Từ năm 2019, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã giao cho ngành chức năng tiến hành các thủ tục lập hồ sơ đề nghị Chính phủ xếp hạng “Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị”, trong đó có Giếng cổ Gio An vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt.

Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, thạc sĩ Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị lý giải, hệ thống giếng cổ Gio An đang đứng trước sức ép của sự phát triển kinh tế, xã hội. Hệ thống giếng cổ được hình thành vì mục đích tìm kiếm nguồn nước phục nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân nên sự tồn tại khách quan của di sản văn hóa này phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng nguồn nước của người dân. Khi điều kiện xã hội ngày một thay đổi, đời sống kinh tế người dân ngày càng phát triển thì việc khai thác và sử dụng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt từ các công trình giếng cổ đã không còn như trước. Vì thế, đa phần các giếng cổ chỉ còn chức năng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp mà cụ thể là trồng rau liệt và lúa nước ở các chân ruộng bậc thang. Quy luật tất yếu là khi người dân ít sử dụng cho sinh hoạt thì nhiều giếng không được chăm sóc, vệ sinh bảo vệ nguồn nước nên dòng chảy bị ứ tắc hoặc không được định hướng. Từ đó, nhiều công trình bị hoang phế, xuống cấp, thay đổi dòng chảy hoặc cạn mạch nguồn. Quá trình phát triển loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo là cây rau liệt (xà lách xoong) đã làm cho khu vực xung quanh các giếng cổ bị thay đổi trầm trọng do người dân đào bới, san lấp đất đá để thiết lập các ruộng rau. Khi địa hình thay đổi thì mạch nước không còn được định hướng đã làm cho cấu trúc của giếng bị phá vỡ, không còn nguyên trạng. Cùng với đó, việc khoan hàng loạt giếng để khai thác nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, kể cả tưới cho cây công nghiệp trên các đồi cũng là nguyên nhân làm thay đổi dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm vốn là nguồn cung chủ yếu cho các giếng cổ. Thảm thực vật dày đặc bao phủ trên bề mặt với sự tồn tại của các khu rừng tự nhiên trước đây đã bị phá vỡ hoàn toàn để thay vào đó là các rừng cao su với thảm thực vật che phủ thưa là một nguyên nhân gián tiếp đe dọa sự tồn tại bền vững của các giếng cổ.

Theo ông Lê Đức Thọ, trước hết cần có chủ trương từ các cấp chính quyền dừng việc đào bới lấy đá, san ủi các thửa đất cận kề các giếng cổ để không làm thay đổi diện mạo, không làm rối loạn các mạch phun và dòng chảy. Hạn chế phát triển giếng khoan một cách bừa bãi; ưu tiên quy hoạch trồng cây tự nhiên trên các đồi đất liền kề các giếng, trên các đầu giếng để chống xói lở và giữ độ ẩm cần thiết. Thiết lập điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ đất đai di tích theo hướng mở rộng để không chỉ bảo vệ các công trình giếng mà cả cảnh quan, môi sinh trong khu vực có giếng. Trước tình hình này, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã đề nghị UBND huyện Gio Linh chỉ đạo các UBND xã thuộc miền Tây của huyện, nơi có hệ thống giếng cổ tăng cường công tác quản lý, trong việc khai thác đá, khoan giếng…

Từ năm 2015 - 2019, các giếng Đào, giếng Trạng, giếng Pheo, giếng Máng, giếng Gai, giếng Ông, giếng Bà đã đượcTrung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị khôi phục, phát huy được giá trị. Từ thành công trong việc bảo quản, khôi phục, hệ thống giếng cổ Gio An, trung tâm đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép lập quy hoạch, tu bổ, bảo quản phục hồi và phát huy giá trị hệ thống 14 giếng cổ Gio An để đưa ra các định hướng bảo tồn, khai thác bền vững, trong đó đặc biệt chú ý khu vực lõi bảo vệ di tích so với quy hoạch trước đây.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng và UBND huyện Gio Linh nghiên cứu các phương án về việc quy hoạch tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị hệ thống các công trình giếng cổ Gio An trong hệ sinh thái mới theo hướng bảo tồn, khai thác bền vững, trong đó đặc biệt chú ý mở rộng phạm vi khu vực 1 của di tích.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152490