Sớm đồng bộ quy chuẩn về đường sắt đô thị

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, các nhà nghiên cứu cho thấy việc thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị là rào cản lớn khiến các dự án chậm 'về đích', tăng khả năng bị đội vốn cùng vô vàn những hệ lụy đi kèm. Bởi vậy, việc sớm có quy chuẩn chung cho vấn đề này là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển và hội nhập.

Nhiều hệ lụy nảy sinh

Ngày 19/1, Hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bước vào phiên hội thảo 4 với chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Cụ thể, theo quy hoạch Hà Nội sẽ có tuyến số 1: Yên Viên - Ngọc Hồi dài 38,7km; tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 35,2km; tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông dài 14km; tuyến số 3: Nhổn - Hoàng Mai dài 48km; tuyến số 4: Đông Anh - Mê Linh dài 54km; tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc dài 39km; tuyến số 6: Nội Bài - Tây Ngọc Hồi dài 43km, kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 7: Hà Đông - Mê Linh dài 35km; tuyến số 8: Hoài Đức - Gia Lâm dài 28km.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ hoàn thành được 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Với Thành phố Hồ Chí Minh thì sắp có thêm tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Đáng chú ý, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, điểm chung phát triển đường sắt đô thị hiện nay là các dự án đều chậm tiến độ, mà một trong những nguyên nhân dẫn tới vấn đề này là do thiếu hệ thống quy chuẩn. “Hội thảo là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản lý cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm; tạo nền tảng để triển khai các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới” - ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Yu Tao - Kỹ sư Trưởng, Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc cho biết, hệ thống giao thông vận tải đường sắt đòi hỏi một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất để đảm bảo hoạt động trơn tru. Dựa trên nghiên cứu các dự án giao thông vận tải đường sắt đã hoàn thành và đang xây dựng tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam có thể thiết lập một hệ thống quy phạm về giao thông vận tải đường sắt thống nhất để đảm bảo tình tương thích và khả năng tương tác của các tuyến đường sắt trong thành phố, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng, nâng cao hiệu quả giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững về mặt kinh tế.

Các đại biểu tham dự phiên hội thảo 4 với chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”.

Các đại biểu tham dự phiên hội thảo 4 với chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”.

Theo đại diện Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc, trong quá trình xây dựng tàu điện ngầm ở các thành phố của Trung Quốc, việc thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa nhiều đơn vị chủ thể là “chìa khóa” cốt lõi để thiết lập tiêu chuẩn. Điều này bao gồm sự phối hợp và liên lạc giữa nhiều đơn vị như đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát và đơn vị vận hành.

Nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho các công trình tàu điện ngầm, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công có sự hợp tác chặt chẽ để cùng lập ra phương án thiết kế và kế hoạch thi công chi tiết.

Cần sớm có quy chuẩn

Thực tế, cũng như những Thành phố/ đô thị lớn của các quốc gia trên thế giới như tại Trung Quốc hay Nhật Bản và một số quốc gia khác, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh qua quá trình phát triển đã sớm xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị có chất lượng và tầm nhìn xa đảm bảo cho sự phát triển dài hạn.

Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được xem như bộ “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của hai thành phố và việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng không những chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai, giảm thiểu phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.

Bởi vậy, nếu có những chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi thì sẽ là tiền đề tạo ra những kế hoạch, giải pháp vượt trội trong lĩnh vực tái thiết, phát triển đô thị nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng.

Việc sớm có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đường sắt đô thị của riêng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Việc sớm có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đường sắt đô thị của riêng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Trở lại vấn đề thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ quản lý dự án đường sắt đô thị, Tiến sĩ Lê Công Thành - Viện Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc sớm một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Bởi với đường sắt đô thị, do phải huy động nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia khác nhau nên cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tính đồng bộ, tính tương thích liên quan tới các thông số kỹ thuật chủ yếu của các tuyến đường sắt đô thị.

Chẳng hạn như, yêu cầu thống nhất về diện tích tiết diện hầm đường sắt đô thị; yêu cầu chuẩn hóa phương thức lấy điện của tàu; yêu cầu chuẩn hóa hệ thống điều khiển kết nối với trung tâm điều hành OCC…

Nói cách khác, việc sớm có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam sẽ góp phần giúp tăng khả năng tự chủ hướng tới công nghiệp hóa ngành đường sắt; giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài An - Khoa Vận tải và Kinh tế đường sắt (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, tiêu chuẩn hóa là điều kiện tiên quyết quan trọng cho sự đổi mới và sự an toàn của hệ thống đường sắt. Tiêu chuẩn là thước đo, tiềm năng kỹ thuật làm tăng khả năng đổi mới và khả năng cạnh tranh quốc tế; tăng chất lượng vận hành; tăng lợi thế về chi phí.

Đinh Luyện - Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/som-dong-bo-quy-chuan-ve-duong-sat-do-thi-165195.html