Sống ở vùng tái định cư mới người dân vẫn nơm nướp với lo sạt lở

Người dân thôn 5 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lại tiếp tục thấp thỏm với nỗi lo sạt lở khi sinh sống trong ngôi nhà mới tại khu tái định cư.

Năm 2020, sau đợt mưa lũ lịch sử, tình trạng sạt lở đe dọa tính mạng người dân, nhiều công trình nhà ở của người dân thôn Đạm Thủy, xã Thạch Hóa (cũ) bị phá hủy. Sau đó, khu tái định cư cho 20 hộ dân nhanh chóng được đầu tư xây dựng. Cuối năm 2021, khu tái định cư hoàn thành, người dân chuyển về nhà mới, ổn định cuộc sống.

Sạt lở sau mưa lũ năm 2020 hủy hoại nhiều công trình, nhà ở của người dân thôn Đạm Thủy, xã Thạch Hóa.

Sạt lở sau mưa lũ năm 2020 hủy hoại nhiều công trình, nhà ở của người dân thôn Đạm Thủy, xã Thạch Hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mặt bằng xây dựng khu tái định cư, do yếu tố địa hình đồi núi phức tạp, dự án này cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mái taluy khi mùa mưa lũ đến. Hiện có 5 hộ dân tại khu tái định cư này bị ảnh hưởng trực tiếp, sống trong thấp thỏm lo âu bởi nguy cơ sạt lở dất, đá.

Bà Phạm Thị Lành (SN 1977, trú thôn 2 Đạm Thủy, nay là thôn 5 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa) cho biết, năm 2021, gia đình bà cùng 19 hộ khác được hỗ trợ di dời khỏi vùng sạt lở. Sau khi bốc thăm chọn vị trí, gia đình bà với 5 nhân khẩu chuyển về nhà mới. Nhưng sau một thời gian sinh sống, đến mùa mưa lũ, phía sau nhà bà Lành cùng 4 hộ khác xuất hiện tình trạng đất sạt trượt từ mái taluy.

Gia đình bà Lành cùng 4 hộ dân khác nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở ở vùng tái định cư.

Gia đình bà Lành cùng 4 hộ dân khác nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở ở vùng tái định cư.

"Chúng tôi về sống khu tái định cư cứ tưởng thoát khỏi nguy cơ sạt lở, nay lại tiếp tục lo lắng. Mái taluy sau nhà cao, bình thường có sạt lở một ít, đến mùa mưa sạt nhiều hơn. Đất sạt xuống gần móng nhà, một số mương thoát nước bị vùi lấp. Chúng tôi luôn bất an khi ở trong nhà, đặc biệt là ban đêm và khi có mưa lớn", bà Lành cho biết.

Bất an với khối đất khổng lồ phía sau nhà có thể sạt lở bất cứ lúc nào, gia đình bà Lành và nhiều hộ dân phải tìm biện pháp đảm bảo an toàn. Khi có dự báo mưa lớn dài ngày, gia đình bà chuyển đồ đạc có giá trị gửi người trong thôn rồi xuống bè nuôi cá ở tạm.

"Mưa nhỏ thì chúng tôi vẫn ở trong nhà, nhưng ai cũng cứ thấp thỏm lo sợ. Nhưng nếu có mưa to, thấy đất sạt xuống nhiều là không dám ở trong nhà mà phải xuống bè ở tạm. Dưới đó thiếu thốn, chật hẹp nên có khi phải ở tạm nhà hàng xóm", bà Lành chia sẻ.

Đất đá từ triền núi sạt xuống gần nhà dân.

Đất đá từ triền núi sạt xuống gần nhà dân.

Cùng nỗi lo như gia đình bà Lành, gia đình bà Mai Thị Nhật (SN 1958, thôn 5 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa) thêm lo sợ những ngày mưa lũ về. Bà Nhật mong sớm có phương án xử lý tình trạng sạt lở.

"Tôi đã trình báo sự việc với chính quyền địa phương, họ cử người đến khảo sát và khuyến cáo không nên ở trong nhà khi có mưa lớn dài ngày. Mong làm sao các cơ quan chức năng sớm có biện pháp để bà con an tâm sống trong ngôi nhà của mình", bà Nhật chia sẻ.

Ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, trên địa bàn xã có nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Được sự quan tâm của các cấp, nhiều hộ dân đã được tái định cư khỏi vùng sạt lở.

"Trước nguy cơ sạt lở tại khu tái định cư của thôn 5 Thiết Sơn và nhiều điểm khác, chính quyền đã đi thực địa, nắm tình hình. Đồng thời thành lập các tổ thường trực để khuyến cáo và hỗ trợ người dân khi mùa mưa lũ tới. Cùng với đó đề xuất các đơn vị liên quan sớm có phương án xử lý, hỗ trợ người dân", ông Bằng cho biết.

Người dân lại tiếp tục bất an với nguy cơ sạt lở.

Người dân lại tiếp tục bất an với nguy cơ sạt lở.

Theo báo cáo của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, hiện trạng thực tế tại hiện trường và hồ sơ thiết kế được duyệt, phần mái taluy có chiều cao 14m (hệ số mái dốc 1:1 chia ra 2 phần, mái trên cơ cao 6m, mái dưới cơ cao 8m). Độ cao mái dốc và lớn dễ gây xói lở mái khi mưa lớn, không đảm bảo an toàn cho khu dân cư.

Để khắc phục được tình trạng trên, cần phải giảm độ dốc mái bằng cách đào bạt mái ta luy dương thêm 20m kể từ đỉnh mái hiện tại, chia thành 4 cơ và gia cố rãnh thoát nước đỉnh mái và tại các chân cơ giảm thiểu lượng nước tập trung gây xói lở.

Tuy nhiên do ngân sách huyện Tuyên Hóa còn khó khăn, chưa thể cân đối thực hiện dự án. UBND huyện Tuyên Hóa có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan bố trí nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và đào hạ mái taluy.

Người dân mong chờ chính quyền có giải pháp giải quyết tình trạng sạt lở.

Người dân mong chờ chính quyền có giải pháp giải quyết tình trạng sạt lở.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, địa phương chủ động lên phương án để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng sạt lở. Cùng với đó đề xuất tỉnh Quảng Bình cùng các đơn vị liên quan sớm có các biện pháp, dự án giúp người dân thoát nguy cơ từ sạt lở.

Hàng trăm chiến sĩ, người dân khắc phục sạt lở bờ biển.

Hùng Trần

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/song-o-vung-tai-dinh-cu-moi-nguoi-dan-van-bat-an-voi-nguy-co-sat-lo-17223102517412846.htm