'Sóng' tăng của VN-Index đã dứt?

Sau những phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường đang ghi nhận xu hướng đi xuống, làm dấy lên lo ngại chuỗi hồi phục của VN-Index đã chấm dứt. Dù vậy, nhiều thông tin tích cực đã xuất hiện, mang tới kỳ vọng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Phiên cuối tháng (30/6), VN-Index tiếp tục mất 5 điểm về mốc 1.120 điểm. Cùng với đó, thanh khoản bất ngờ sụt giảm mạnh với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 13.300 tỷ đồng.

Thành quả tăng điểm “tan biến”

Trước đó, trong phiên 29/6, VN-Index đã khép lại một phiên giao dịch khá ảm đạm khi hầu hết các ngành đều “rực lửa”. Thậm chí, áp lực bán quá mạnh còn khiến VN-Index đóng cửa ở mốc thấp nhất với mức giảm gần 13 điểm (-1,14%), xóa đi gần hết thành quả của 4 phiên tăng trước đó.

Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây (kể từ phiên 20/3) của VN-Index. Đồng thời chấm dứt đà tăng 7 phiên liên tiếp của VN-Index, vốn hóa HoSE cũng theo đó sụt giảm gần 52.000 tỷ đồng chỉ sau 1 phiên giao dịch.

VN-Index ghi nhận 2 phiên giảm liên tiếp cùng thanh khoản giảm mạnh.

VN-Index ghi nhận 2 phiên giảm liên tiếp cùng thanh khoản giảm mạnh.

Giới phân tích chỉ ra những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán (TTCK) bất ngờ giảm mạnh sau 7 phiên tăng liên tiếp.

Trước hết, TTCK vừa trải qua nhịp tăng kéo dài, không ít nhóm cổ phiếu đã bứt phá rất mạnh với mức tăng hàng chục %. Một số cái tên đang “chễm chệ” ở mức cao nhất trong nhiều tháng, thậm chí vượt đỉnh lịch sử. Cho nên áp lực chốt lời là không thể tránh khỏi, nhất là đối với những cổ phiếu nóng.

Hơn nữa, vụ việc khởi tố gần đây nhất liên quan đến việc thao túng giá cổ phiếu “họ Apec” của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng khiến dòng tiền đầu cơ quay đầu, đồng thời các “đội lái” cũng chùn tay xuống.

Ngoài ra, định giá thị trường cũng không còn quá hấp dẫn với P/E của VN-Index hiện đã trên 13,x lần, cao hơn đáng kể so với thời điểm xuống đáy giữa tháng 11 năm ngoái. Con số này có thể sẽ còn tiếp tục đắt hơn nữa nếu tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết không sớm được cải thiện, đặc biệt là mùa báo cáo quý II gần kề.

Thực tế, dù lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần liên tiếp, song lãi suất cho vay lại giảm khá chậm và vẫn đang duy trì ở mức cao. Điều này được cho là sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Với nền so sánh cao cùng kỳ năm ngoái, các nhóm ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ,… nhiều khả năng vẫn sẽ khó tăng trưởng dương trong quý II dù lợi nhuận có thể cải thiện so với quý đầu năm.

Thậm chí, những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế chưa thực sự rõ ràng, một số chỉ tiêu còn suy yếu. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, GDP quý II/2023 của Việt Nam ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 5 giảm xuống còn 45,3 cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp. Hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức với giá trị chỉ đạt 136,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khả năng bước vào chu kỳ tăng mới

Dù vậy, không thể phủ nhận nhiều yếu tố tích cực đã xuất hiện trên TTCK. Đó là việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang bắt đầu có những tác động tích cực rõ nét tới TTCK Việt Nam.

Dòng tiền lớn đã bắt đầu có tín hiệu dịch chuyển sôi động hơn sau những động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp của NHNN, thể hiện qua việc thanh khoản, giao dịch trên sàn HoSE trở nên sôi động hơn thời gian gần đây. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE từ đầu tháng 6 đã tăng vọt lên trên 15.400 tỷ đồng, tăng khoảng 43% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cũng ít nhiều hạ nhiệt mang tới kỳ vọng giảm áp lực lên chi phí vốn của các công ty chứng khoán (CTCK), giúp mở ra dư địa để giảm lãi suất cho vay ký quỹ (margin), từ đó có thể kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư tăng trở lại. Chưa kể số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân cũng đang có xu hướng tăng.

Thực tế, trong vòng chưa đầy 2 tuần trở lại đây, một loạt các CTCK đã công bố việc đề nghị mở hạn mức tín dụng tại các ngân hàng để bổ sung vốn lưu động.

Bên cạnh đó, các CTCK cũng đang tích cực triển khai những chương trình kích cầu. Cụ thể, lãi suất cho vay ký quỹ cao nhất của top 20 CTCK có dư nợ cao nhất tính đến quý I/2023 đã giảm từ mức 14 - 15,6%/năm xuống còn 8 - 9%/năm. Đồng thời, hàng loạt các CTCK đang triển khai chương trình ưu đãi phí với mức thấp là 0% cùng các chương trình nhận quà khi giới thiệu khách hàng mới.

Đáng chú ý, những vụ việc thanh lọc TTCK mà cơ quan chức năng đã liên tiếp xử lý trong thời gian qua thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và các ban ngành trong việc lành mạnh hóa thị trường. Việc xử lý tạo tính răn đe, nghiêm minh, điều này cũng cho thấy công tác quản lý, giám sát đã giúp thị trường ổn định, minh bạch, công bằng hơn, giúp TTCK lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư, thu hút dòng tiền dồi dào. Không chỉ vậy, thị trường trong sạch cũng là nền tảng để giúp Việt Nam ngày càng tiến gần hơn tới việc nâng hạng, qua đó tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại.

“Câu chuyện nâng hạng TTCK sẽ thu hút dòng vốn đầu tư chứng khoán quốc tế và trong nước, mở rộng quy mô TTCK nhờ thanh khoản tăng lên. Việc vận hành hệ thống giao dịch mới KRX, cho phép thanh toán chứng khoán T+0 đi kèm với việc triển khai các sản phẩm mới dự báo sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia thị trường”, VinaCapital đánh giá.

Đưa ra góc nhìn cụ thể hơn về TTCK, ông Huang Bo, Giám đốc điều hành GTJA (Việt Nam) cho rằng, nửa đầu năm 2023, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng trưởng 5,7%, cũng là thị trường tăng cao nhất so với các TTCK trong khu vực Đông Nam Á. Khối lượng giao dịch đã tăng trở lại cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần hồi phục. Mối tương quan giữa lãi suất tiền gửi và tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) đang dần cải thiện khi kết quả kinh doanh phục hồi.

"Khối lượng giao dịch đã tăng trở lại cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần hồi phục. TTCK sẽ dần hồi phục trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 và 2024", ông Huang Bo nói.

Tương tự, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng đưa ra góc nhìn lạc quan và dự báo mức tăng trưởng toàn thị trường từ 10% - 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến vùng 1.373 - 1.436 điểm.

“Kỳ vọng TTCK Việt Nam đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới”, TPS nhấn mạnh.

Dù vậy, trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán MB (MBS) vẫn đưa ra lưu ý tới những yếu tố như FED tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ “diều hâu” hơn so với dự báo của thị trường; áp lực thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu. Đồng thời, xu hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam đang khác biệt so với nhiều nước khác, có thể tạo nên áp lực về tỷ giá và dòng vốn.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/song-tang-cua-vn-index-da-dut-1093577.html