Sóng Trường Sa trong tim

Nhà báo, họa sĩ Nguyễn Quang Trường (còn có bút danh Etcetera Nguyen) SN 1968, định cư ở Mỹ từ năm 1988. Từ năm 2012 đến nay, anh đã 6 lần ra Trường Sa và nỗ lực tuyên truyền cho độc giả của mình ở Việt Nam cũng như hải ngoại về tinh thần, ý chí quyết bảo vệ từng tấc biển đảo của quân dân Trường Sa.

Anh là người chủ biên tập "Ký sự Hoàng Sa - Trường Sa" - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật năm 2015. Đầu năm 2023, anh còn khai trương "Trường Sa Studio" ở Yên Bái để giáo dục thế hệ trẻ và thu hút bạn bè các nước đến tìm hiểu về Trường Sa và khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo này. Anh đã thực hiện 4.000 phóng sự video về văn hóa vùng miền ở Việt Nam, lập kênh "Vietnam Today" với gần 90 ngàn người theo dõi. Năm 2015, anh được trao giải thưởng báo chí toàn quốc về đối ngoại với bài "Hãy để thời gian trả lời sự thật" đăng trên Báo Nhân Dân; 2 giải A, giải thưởng nội bộ Báo Nhân Dân vào các năm 2019, 2020; Giải "Búa liềm vàng" cho tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài vào năm 2020.

Sáng 16/6/2023, nhà báo, họa sĩ Nguyễn Quang Trường đã trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM một số vấn đề mà anh tâm huyết...

Phóng viên: Tờ Việt Weekly do anh đồng sáng lập và làm tổng thư ký, hoạt động theo phương châm "sự thật và diễn đàn" nên bị các hội, nhóm người Việt cực đoan ở Mỹ khủng bố, triệt hạ suốt nhiều năm. Đây có phải là "khổ nạn" chung cho báo giới tiếng Việt ở Mỹ?

Nhà báo NGUYỄN QUANG TRƯỜNG: Những thế lực chống cộng cực đoan trong cộng đồng người Việt ở Mỹ không bao giờ muốn nghe những thông tin trung thực về Việt Nam. Họ chỉ thích xuyên tạc, bóp méo theo ý đồ chống phá đất nước, chia rẽ dân tộc, nuôi nấng hận thù... Vì thế khi tờ Việt Weekly đăng những bài như: Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Franciso tổ chức tiệc đón Tết cổ truyền cho cộng đồng người Việt (năm 2004); Việt Weekly được mời về Việt Nam đưa tin về sự kiện APEC (năm 2006); Bài phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 2007)... thế là những người cực đoan kéo đến biểu tình, gây áp lực ròng rã cả năm trước tòa soạn. Họ chửi chúng tôi là "tay sai cộng sản", vu cáo chúng tôi quan hệ với các tổ chức khủng bố Hồi giáo... Họ còn gọi điện hăm dọa các doanh nghiệp đăng quảng cáo trên báo Việt Weekly, đồng thời họ cấm các chợ của người Việt phát hành tờ báo này... Trước những thiệt hại rất lớn và khó khăn chồng chất, Việt Weekly phải chuyển hướng sang làm báo mạng để tiết kiệm chi phí in ấn cũng như giải quyết khó khăn khi bị các nhóm cực đoan "cấm" phát hành.

Nỗi khổ của Việt Weekly cũng là "khổ nạn" chung cho báo giới tiếng Việt ở Mỹ nếu muốn đăng thông tin đúng sự thật, nhưng trái ý những tổ chức cực đoan. Mấy thập niên trước còn có tòa soạn báo bị đốt, phóng viên bị giết (nhà báo Đạm Phong) khi lật tẩy những chiêu trò bịp bợm của "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam"; đây là tổ chức chống cộng do Hoàng Cơ Minh cầm đầu. Năm 2004, "mặt trận" này bị coi là tổ chức khủng bố, lừa đảo, chịu nhiều tiếng xấu nên phải giải thể để thành lập đảng Việt Tân tồn tại đến ngày nay.

Nhà báo, họa sĩ Nguyễn Quang Trường chụp ảnh cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời

Nhà báo, họa sĩ Nguyễn Quang Trường chụp ảnh cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời

Anh đã có nhiều năm làm báo tại Mỹ cũng như tại Việt Nam, ở đâu anh cũng là nhà báo nổi tiếng; vậy anh có thể so sánh thuận lợi, khó khăn ở hai môi trường làm báo này?

Nếu ở Mỹ, những người làm báo như tôi gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi tác nghiệp, đưa tin trước những hội, nhóm chống cộng cực đoan thì khi về Việt Nam tác nghiệp chúng tôi vô cùng thoải mái. Tôi đã đi khắp các làng quê, lên tận biên giới, ra các đảo tha hồ quay phim, chụp ảnh mà không có cấm kỵ nào. Lại còn được các cơ quan chức năng ở Việt Nam hỗ trợ rất nhiều. Cũng chẳng có chuyện bị kiểm duyệt hay biểu tình chống đối như khi tôi làm tờ Việt Weekly ở Mỹ. Đó chính là lý do tôi chuyển về Việt Nam để tiếp tục với đam mê làm báo, làm hội họa của mình. Cha mẹ và 5 anh em của tôi ở Mỹ đều rất ủng hộ việc tôi về Việt Nam sống, hoạt động báo chí, nghệ thuật vì đất nước mình bây giờ đã phát triển, cuộc sống thanh bình, hạnh phúc chứ đâu còn khó khăn như mấy mươi năm trước. Cha mẹ tôi cũng muốn quay về Việt Nam an hưởng tuổi già và được yên nghỉ trên quê hương thân thương của mình. Đây cũng là nguyện vọng của hầu hết các cụ già Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Bạn bè tôi (cả người Việt Nam và người các nước khác) cũng rất thích về Việt Nam du lịch, làm ăn.

Mô hình cột mốc Trường Sa trong Homestay của gia đình anh Trường

Mô hình cột mốc Trường Sa trong Homestay của gia đình anh Trường

Tại sao anh phải vượt sóng gió ra Trường Sa 6 lần? Anh cảm nhận được gì qua những chuyến đi đó. Anh đánh giá thế nào về việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay?

Trước đây, tôi cũng như bà con Việt kiều ở Mỹ thường bị các tổ chức cực đoan tuyên truyền là Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã bán hết các đảo ở Trường Sa cho nước ngoài rồi, nên khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời về thăm Trường Sa, tôi cũng như những Việt kiều khác rất... nghi ngờ. Có người còn sợ sẽ bị đưa đến một nơi nào đó giả làm Trường Sa... Thế nhưng khi đến thực địa, được tận mắt chứng kiến cuộc sống và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc của những người lính, người dân trên các đảo, chúng tôi từ ngạc nhiên đến ngưỡng mộ, khâm phục, thương yêu những con người ngày đêm bất chấp khó khăn, hiểm nguy, canh giữ biển trời quê hương. Vì thế tôi cứ muốn quay lại với Trường Sa để được gặp, được trò chuyện, được viết, được vẽ về những con người can trường ấy; được nhìn thấy đời sống thực trên những phần máu thịt quê hương ngoài biển khơi.

Từ năm 2012 đến nay, tôi đã 6 lần xin ra Trường Sa với mục đích đó. Tôi cũng muốn tìm hiểu tâm tư, tình cảm của hàng ngàn kiều bào từ khắp nơi trên thế giới được Nhà nước tổ chức cho đi thăm Trường Sa, trong đó có những người chống cộng rất cực đoan ở Mỹ suốt mấy chục năm qua. Khi họ đi chung chuyến tàu với tôi năm 2014, tôi thấy họ bàng hoàng rồi khóc vì mừng rỡ khi thấy biển, đảo thân yêu của chúng ta còn nguyên vẹn đây, ngược lại với điều mà những kẻ cực đoan đã tuyên truyền.

Họ còn xúc động đến trào nước mắt khi được gặp gỡ, cùng ăn, cùng chuyện trò với những sĩ quan, chiến sĩ trên tàu, trên đảo và được biết rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam tuyên bố bằng mọi giá sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên bộ, trên biển và trên cả vùng trời. Điều đó sẽ được thực hiện bởi sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc, bằng sự chung tay của trăm triệu dân trong nước và 5,5 triệu đồng bào sống xa Tổ quốc. Nhiều người chống cộng cực đoan sau khi được thăm Trường Sa, trở về Mỹ đã thay đổi hẳn nhận thức. Họ không còn đưa ra các lập luận chống đối phi lý, sai sự thật như trước đây. Họ hướng về quê hương với cả tấm lòng và khuyên răn những ai chưa hiểu thì nên về để chứng kiến những đổi thay tốt đẹp trên quê hương, cội nguồn của mình, đừng nghe những luận điệu cũ rích, sai trái nữa.

Trẻ em đến tham quan, tìm hiểu ở Trường Sa Studio

Trẻ em đến tham quan, tìm hiểu ở Trường Sa Studio

Được biết cuối tháng 5/2023, anh cùng bà xã Lê Lê vừa khai trương Homestay có tên "Trường Sa Studio" ở ngõ 56, đường Phùng Khắc Khoan, phường Nguyễn Phúc, TP.Yên Bái, rất đẹp và rất độc đáo vì hệt như một bảo tàng nghệ thuật về Trường Sa. Anh có thể giới thiệu về công trình này?

Đúng vậy, ở đó có rất nhiều hình ảnh, biểu tượng về Trường Sa. Tôi đã dành tất cả yêu thương, niềm xúc động và tự hào sau 6 lần ra Trường Sa để làm nên công trình này. Chúng tôi có các phòng nghỉ để đón khách nhằm lo sinh kế cho gia đình, nhưng mục đích quan trọng hơn là tôi được thể hiện tình yêu mãnh liệt với Trường Sa, được chia sẻ tình yêu đó với tất cả khách trong nước và bạn bè, gia đình tôi ở nước ngoài về Việt Nam du lịch. Tôi muốn cái tên Trường Sa mãi mãi sâu đậm trong tim các thế hệ người Việt sống trong và ngoài nước. Rất mừng là sau khai trương, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái đã chọn để đưa học sinh đến tham quan, học tập.

Chính quyền địa phương cũng ủng hộ dự án này và coi như địa chỉ giới thiệu, giáo dục về lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giáo dục về lịch sử mở cõi, khẳng định chủ quyền mà cha ông, tổ tiên người Việt đã tốn bao xương máu cho sự nghiệp lớn lao đó. Những Việt kiều xa quê hương nếu đến đây cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ nhưng cũng là một phần máu thịt của Tổ quốc qua từng hình ảnh, bức tranh, chiếc lá bàng vuông hay mảng san hô, con sò, con ốc, nắm cát lấy về từ Trường Sa... Cha mẹ, anh chị em và bạn bè tôi bên Mỹ xem hình và clip tôi gửi sang, ai cũng rất xúc động và đều mong sớm được về chung vui với tôi. Tôi thật sự hạnh phúc với những gì đã làm cho Trường Sa và những gì Trường Sa đã cho tôi, cho gia đình tôi...

Xin chúc mừng nhà báo Nguyễn Quang Trường, xin cảm ơn về cuộc trao đổi rất ý nghĩa này. Chúc anh và gia đình sẽ có thêm rất nhiều niềm vui, niềm tự hào về "Trường Sa Studio" và mong có dịp đến thăm địa chỉ tuyệt vời này.

TPHCM, 16/6/2023

TRỌNG ĐỨC (thực hiện)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/song-truong-sa-trong-tim_148709.html