Sốt 5 ngày chưa khỏi khi quay lại TP.HCM trúng đợt nắng nóng sau Tết

Nhiều người từ vùng lạnh như Gia Lai, Đăk Lăk đến học và làm việc tại TP.HCM sau Tết Nguyên đán gặp tình trạng sốc nhiệt vì chênh lệch nóng - lạnh lên đến hơn 10 độ.

Mỹ Yên (22 tuổi) đã quay lại TP.HCM được 5 ngày kể từ khi về Gia Lai ăn Tết. 5 ngày cũng là thời gian mà cô phải đối mặt với tình trạng sốt cao, đau đầu, ho dai dẳng vì thay đổi thời tiết đột ngột. Mỹ Yên bị “sốc nhiệt” vì chênh lệch nóng - lạnh lên đến 10 độ C.

Không chỉ Mỹ Yên, nhiều người có quê ở vùng lạnh đến TP.HCM học tập và làm việc cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe vì cái nóng 36 độ của TP.HCM kéo dài nhiều ngày qua.

Chạy trời không khỏi “nóng”

Trung bình, chị Ngọc Huệ (42 tuổi, nhân viên văn phòng) phải di chuyển giữa Hà Nội và TP.HCM 3-5 lần/năm. Tưởng như đã quen với sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai trung tâm sầm uất nhất cả nước, gia đình chị Huệ vẫn gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

 Thời tiết nắng gắt, oi bức là điều kiện dễ xảy ra các trường hợp nguy hiểm như say nắng, say nóng, ngất, sốc nhiệt... Ảnh: An Huy.

Thời tiết nắng gắt, oi bức là điều kiện dễ xảy ra các trường hợp nguy hiểm như say nắng, say nóng, ngất, sốc nhiệt... Ảnh: An Huy.

“Dù di chuyển từ TP.HCM đi Hà Nội hay ngược lại thì gia đình tôi cũng gặp nhiều vấn đề do thay đổi thời tiết”, chị Huệ chia sẻ. “Nếu về Hà Nội ngay dịp nắng nóng cao điểm hay đợt rét đậm thì y như rằng hai con của tôi sẽ bị ho, sổ mũi vì thay đổi thời tiết đột ngột. Lúc quay lại TP.HCM thì cũng khó chịu vì trời nóng đến 36-37 độ”.

Những năm gần đây, thay vì bay thẳng từ Hà Nội về TP.HCM, gia đình chị Huệ thường ghé những tỉnh miền Trung để “thích nghi” với thời tiết. “Gia đình tôi chọn ‘transit’ (quá cảnh - PV) ở miền Trung vì muốn kỳ nghỉ Tết thêm phong phú. Đồng thời, việc này cũng giúp chúng tôi ‘thích nghi’ với sự thay đổi khi không còn khí lạnh cuối đông của Hà Nội. Đây cũng là một lựa chọn thú vị đối với những người nhạy cảm với thời tiết”, chị nói.

Mỹ Yên (22 tuổi, quê Gia Lai) đang làm việc tại TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Mỹ Yên (22 tuổi, quê Gia Lai) đang làm việc tại TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Mỹ Yên cũng đã dự phòng trường hợp bản thân bị sốc nhiệt do thay đổi thời tiết như tự bổ sung vitamin, uống nhiều nước và hạn chế ra đường khi Mặt Trời lên thiên đỉnh. Dù vậy, cô vẫn bị sốc nhiệt ngay khi đặt chân đến TP.HCM. Từng cơn ho khan, đau đầu, sốt liên tục kéo dài khiến cô luôn cảm thấy mệt mỏi và phải vào bệnh viện khám.

Trong khi đó, Thành Long (21 tuổi) đang chuẩn bị đi từ Quảng Trị vào TP.HCM để học tập trong ngày 25/2 sắp tới. “Mình đang khá lo cho sức khỏe của bản thân vì sự thay đổi nhiệt độ giữa Quảng Trị và TP.HCM khá lớn. Quảng Trị có ngày chỉ 26 độ mà TP.HCM thì đến 36 độ. Mình thường bị ốm khi di chuyển giữa hai nơi”, Long chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Quan sát kỹ dự báo thời tiết để tìm cách tránh “sốc nhiệt”, Thành Long quyết định di chuyển bằng xe khách thay vì máy bay để quen dần với nhiệt độ giữa hai miền. Đồng thời, Long còn chuẩn bị thêm nhiều dụng cụ tránh nắng như áo khoác, mũ, kem chống nắng để tránh cái nắng TP.HCM. Dù vậy, Long chia sẻ, tình hình vẫn không mấy lạc quan dưới cái nóng 36 độ oi bức.

Làm gì để không bị sốc nóng, sốc nhiệt?

Đầu năm Giáp Thìn 2024, TP.HCM và nhiều tỉnh Đông Nam Bộ đã đón đợt nắng nóng đầu tiên của năm khi mức nhiệt cao nhất trong ngày được ghi nhận là 35-36 độ, chỉ số tia UV thì ở mức gây hại cao đến rất cao.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, là do hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Theo đó, hiện tượng El Nino có xác suất 90% sẽ diễn ra cho đến tháng 4/2024 và suy yếu dần từ tháng 5-7/2024 với xác suất 60%.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong nửa cuối tháng 2, Đông Nam Bộ có thể xuất hiện nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất lên đến 37 độ. TP.HCM trong khoảng 10 ngày tới sẽ duy trì nhiệt độ ở mức 36 độ C.

 Các chuyên gia y tế cảnh báo thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ảnh: Hạnh Lê.

Các chuyên gia y tế cảnh báo thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ảnh: Hạnh Lê.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt. Đây cũng là yếu tố khiến những người mắc các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì… có thể bị đột quỵ.

Trước tình hình này, chuyên gia khuyến cáo người dân không nên ra ngoài khi nhiệt độ lên cao. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, để ngăn ngừa hiện tượng say nắng, say nóng, người dân có thể thực hiện các lưu ý sau:

Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu và đội một chiếc mũ rộng vành.
Uống nhiều nước để tránh mất nước, khuyến khích nhiều nước trái cây, nước rau, nước uống bổ sung điện giải khi hoạt động trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao.
Hoạt động, làm việc tránh thời điểm nắng gắt, nhất là buổi trưa.
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF > 30.
Tránh các chất lỏng có chứa cafein hoặc chất có cồn.
Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao. Tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy dưới thời tiết nắng nóng dù chỉ là thời gian ngắn. Bởi nhiệt độ trong xe có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.

Đông Tùng

Nguồn Znews: https://znews.vn/sot-5-ngay-chua-khoi-khi-quay-lai-tphcm-trung-dot-nang-nong-sau-tet-post1461460.html