Sự phân cực nghiêm trọng ở Slovakia đằng sau vụ ám sát Thủ tướng Fico
Vụ ám sát Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Slovakia, khiến phong cách lãnh đạo gây tranh cãi của ông ngày càng phân cực hơn.
Thủ tướng Fico đã bị một đối tượng bắn vào chiều thứ Tư (15/5) và ngay lập tức được chuyển đến bệnh viện địa phương, nơi ông đã được phẫu thuật và đang điều trị tích cực mặc dù vượt qua giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã ngay lập tức lên án vụ bạo lực và bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo đang gây tranh cãi, người đã bị chỉ trích vì lập trường thân Nga, tấn công truyền thông và các tổ chức phi chính phủ cũng như các đạo luật mà chính phủ của ông đang cố gắng thông qua bất chấp sự chỉ trích từ Ủy ban châu Âu. Các hoạt động này bao gồm các dự thảo luật giảm đáng kể thời hạn tù vì tham nhũng, tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với đài truyền hình công cộng RTVS...
Bầu không khí chính trị căng thẳng
Kể từ năm 2018, bầu không khí chính trị ở Slovakia đặc biệt căng thẳng khi vụ sát hại nhà báo điều tra Ján Kuciak và vợ sắp cưới Martina Kušnírová đã dẫn đến một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này và buộc ông Fico phải từ chức.
Khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4 vào tháng 10/2023, căng thẳng càng leo thang khi chính phủ của ông thường xuyên tấn công các phương tiện truyền thông và tổ chức phi chính phủ cũng như thể hiện thái độ công khai thân Nga. Trong chiến dịch bầu cử năm 2023, đảng này hứa sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine, loại bỏ ảnh hưởng của EU và Mỹ khỏi chính sách đối ngoại của Slovakia và ngăn chặn người di cư ra khỏi đất nước. Những động thái đó khiến ông được ví như nhà lãnh đạo nổi loạn của Hungary Viktor Orban.
Các quyết định và lời lẽ không phù hợp với nhiều nhóm đối tượng phản đối các biện pháp của của chính phủ Thủ tướng Fico đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn xảy ra liên tục của cả phe đối lập và xã hội kể từ tháng 12 năm ngoái. Sự thất vọng này càng trở nên trầm trọng hơn sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Fico đã từng chế nhạo các cử tri của ứng cử viên đối lập bị đánh bại.
Nhà xã hội học nổi tiếng người Slovakia, Michal Vašečka, trao đổi với truyền thông cho biết kết quả bầu cử sẽ làm trầm trọng thêm sự phân cực trong xã hội Slovakia. Nhận định đó đã đúng cho tới thời điểm này.
Ngay chính bản thân Thủ tướng Fico đã có thời điểm thừa nhận sự phân cực ngày càng tăng ở Slovakia, nơi ông bày tỏ lo ngại rằng một thành viên trong chính phủ của mình có thể bị giết, đồng thời cho rằng sự thất vọng của đối thủ có thể dẫn đến một kết quả tồi tệ.
Các chính trị gia lên tiếng
Tổng thống sắp mãn nhiệm Zuzana Čaputová - một chính trị gia tự do, mặc dù không đồng tình với quan điểm và các biện pháp của Thủ tướng Fico, tuy nhiên bà đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công bằng súng nhằm vào ông Fico, trong khi các đảng đối lập đã hủy bỏ cuộc biểu tình dự kiến trong ngày 16/5 để bày tỏ sự đoàn kết sau vụ việc làm rúng động xã hội Slovakia.
Theo đối tác liên minh của Thủ tướng Fico, ông Andrej Danko, lãnh đạo đảng SNS theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, rõ ràng đây là kết quả của một xung đột xã hội. Ông bày tỏ thật khó có thể tin nổi một cá nhân nào trong xã hội đã vượt qua ranh giới đó, giải quyết xung đột bằng bạo lực. Ông nhấn mạnh rằng đối với đảng SNS, “một cuộc chiến chính trị đang bắt đầu”. Tổng thống đắc cử Peter Pellegrini, lãnh đạo đảng dân chủ xã hội liên minh Hlas, mô tả vụ ám sát là mối đe dọa chưa từng có đối với nền dân chủ Slovakia.
Ông cho rằng: “Nếu chúng ta bày tỏ quan điểm chính trị của mình bằng súng đạn thay vì tại các điểm bỏ phiếu thì chúng ta đang gây nguy hiểm cho tất cả những gì đã cùng nhau xây dựng trong 31 năm chủ quyền của Slovakia”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự bàng hoàng trước vụ tấn công bằng súng nhắm vào Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ông cùng một số lãnh đạo phương Tây cũng lên án hành động bạo lực này và gửi lời chúc bình phục tới Thủ tướng Slovakia. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen gọi vụ bắn Thủ tướng Fico là một cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ.
Điều gì xảy ra nếu Thủ tướng Fico phải điều trị trong thời gian dài hơn?
Nếu Fico phải điều trị trong thời gian dài hơn, ông có thể được thay thế bởi một trong các phó Thủ tướng. Sự vắng mặt của Thủ tướng được giải quyết một phần bởi Đạo luật Thẩm quyền của Slovakia, trong đó quy định rằng trong trường hợp như vậy, ông được đại diện bởi một phó Thủ tướng do Thủ tướng bổ nhiệm. Sau đó, người đó triệu tập và chủ trì các cuộc họp nội các.
Hiện có 4 Phó Thủ tướng trong chính phủ Slovakia: Bộ trưởng Quốc phòng Robert Kaliňák (Smer), Bộ trưởng Kinh tế Denisa Sakova (Hlas), Phó Chủ tịch Kế hoạch Phục hồi Peter Kmec (Hlas) và Bộ trưởng Môi trường Tomas Taraba (SNS).
Ông Kaliňák, người thuộc nhóm của Thủ tướng Fico, hiện đang được xem là ứng cử viên sáng giá nhất để đảm nhận vị trí tạm thời.
Vụ tấn công xảy ra khi chiến dịch vận động chính trị đang nóng lên ba tuần trước cuộc bầu cử toàn châu Âu để chọn ra các nhà lập pháp cho Nghị viện châu Âu. Điều này có thể làm xáo trộn việc lựa chọn và ủng hộ đối với các ứng viên ứng cử vào nghị viện châu Âu.
Giới phân tích cho rằng những thay đổi chính sách của Thủ tướng ngày càng làm gia tăng sự chia rẽ ở Slovakia trong những tháng gần đây. Chuyên gia khoa học chính trị, Tiến sĩ Michal Ovádek cho rằng xã hội Slovakia đang "phân cực hơn bao giờ hết" và các chính sách gây chia rẽ của chính phủ là trung tâm của vấn đề này.
Sự phân cực về logic có thể dẫn tới một số hành động cực đoan và nguy cơ này có thể tiếp tục gia tăng nếu không có những điều chỉnh phù hợp.