Sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội công nghệ - Lựa chọn khôn ngoan cho tương lai

Là cuốn sách đầy tham vọng của nhóm tác giả Brett King - nhà tương lai học và doanh nhân Richard Petty, 'Sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội công nghệ' muốn thức tỉnh bạn đọc khi đối mặt với những thực tế khắc nghiệt trong tương lai. Sự lựa chọn tương lai khôn ngoan nhất theo khuyến nghị của nhóm tác giả: hãy chọn một dải phổ quang mà ở đó có sự kết hợp công nghệ đột phá và giải quyết nhu cầu cho số đông xã hội vì mục tiêu văn minh, thịnh vượng.

Khái niệm trung tâm của toàn cuốn sách “chủ nghĩa xã hội công nghệ” được nhóm tác giả định vị: không phải là một phong trào chính trị mà là kết quả xã hội. Nó sẽ đảm bảo được hai yếu tố: thiết lập sự tăng trưởng kinh tế dài hạn trong một khuôn khổ không gây hại cho nền kinh tế nói chung, đảm bảo người dân được tham gia tối đa vào nền kinh tế. Thứ hai, nó còn đem đến cho chính phủ năng lực to lớn cùng với sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ giúp cải thiện hiệu quả làm việc của chính phủ.

Sách không hướng đến cuộc tranh luận về chính trị, mà đúng hơn là mở ra những khả năng trong tương lai với những giải pháp từ công nghệ với những câu hỏi rất bức thiết. Theo phân tích của nhóm tác giả, trong vòng 30 năm tới, nhân loại phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: bất bình đẳng, đại dịch và hậu đại dịch, công nghệ số, biến đổi khí hậu. Theo đó có rất nhiều lựa chọn về cách mình giải quyết vấn đề này. Những lựa chọn khác nhau sẽ đem lại kết quả cho nhân loại với mức độ thành công khác nhau. Câu hỏi quyết định: chúng ta sẽ lựa chọn thế nào? Có lợi cho toàn nhân loại hay một vài nhóm nhỏ?.

Liên quan tới vấn đề bất bình đẳng, sau khi phân tích rất nhiều mô hình kinh tế ở một số nước lớn hiện nay, nhóm tác giả dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong vòng hơn 70 năm qua, cho thấy các quốc gia có mức bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo cao hơn thì kém ổn định hơn. Các nền kinh tế mạnh mẽ và ổn định nhất đều có một tầng lớp trung lưu khỏe mạnh đang tiêu dùng rộng rãi và bơm vốn vào nền kinh tế theo một vòng tăng trưởng tốt.

Rõ ràng, mọi người muốn làm việc hiệu quả, nhưng họ cũng cần cảm thấy có giá trị và cần tin rằng những hy vọng và nguyện vọng của họ là không hề viển vông. Nếu một số lượng lớn người không có việc làm, không có mục đích, không thể hoàn thành ước nguyện cá nhân, đang sống trong một xã hội phân tầng, nơi họ thấy ước mơ và khát vọng của chỉ một số ít người thành hiện thực, dĩ nhiên họ sẽ cảm thấy thất vọng và tức giận.

Ở góc độ tương lai học, các tác giả đã cho rằng: chúng ta đang có rất nhiều tương lai khả thi khác nhau. Hãy tưởng tượng các tương lai này nằm trên một dải quang phổ, với một đầu là khi ta cố gắng chống lại sự thay đổi và đầu bên kia là con đường tối ưu để áp dụng các công nghệ đột phá mới và thích ứng với một thế giới đang thay đổi. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội công nghệ chính là sự kết hợp của những áp lực dẫn đến một phong trào toàn cầu sẽ định hình lại xã hội chúng ta đang sống và cách chúng ta sống.

Trong bất kỳ một giai đoạn bình thường nào của lịch sử loài người, chúng ta chỉ đơn giản là tranh luận về những quan điểm khác nhau về nhân quyền, kinh tế, đạo đức cũng như vấn đề chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu. Những sự khác nhau này là phương diện học thuật hoặc chính trị. Nhưng tất cả những điều này cần thời gian và hiếm khi dẫn đến sự đồng thuận.

Nhà triết học Hy Lạp Aristotle lập luận rằng: mục đích của con người là tìm kiếm mục đích cá nhân, nếu được thực hiện một cách có đạo đức thì mục đích đó sẽ mang lại hạnh phúc cho cả người lẫn tập thể.

Một cách tham vọng và nghiên cứu công phu, nhóm tác giả cho rằng: việc cố gắng dự đoán cách chúng ta tổ chức và định hình xã hội trong những thập kỷ tới dường như xoay quanh hai vấn đề triết học chính: thứ nhất, là niềm tin rằng những hành động của chúng ta có sức tác động đến kết quả tương lai và thứ hai là liệu chúng ta có nên hy sinh quyền của cá nhân để thúc đẩy mục đích của tập thể hay không?.

Bài toán sẽ có lời giải nếu chúng ta cam kết tạo cơ hội tốt nhất để giải quyết những vấn đề này cho thế hệ mai sau. Nhưng chỉ với điều kiện chúng ta thấy hạnh phúc khi ta làm cho con cái và tương lai như làm với chính mình.

Cũng theo nhóm tác giả, đã đến lúc nhân loại phải hướng tới một trạng thái tối ưu, cùng chia sẻ môi sinh bền vững với hàng tỷ sinh vật khác. Đừng để thế giới tiếp tục rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thất nghiệp, chết đói, ô nhiễm sinh thái, khủng hoảng, tị nạn, đại dịch hoành hành và các vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng như tình trạng hỗn loạn về ý thức, trật tự xã hội...

Nền kinh tế của thế kỷ 21 sẽ là nền kinh tế cố gắng ưu tiên các nhu cầu cơ bản của công dân hơn là chỉ tạo ra của cải.

Không chỉ dừng lại sắc sảo nhận diện các vấn đề từ kinh tế - xã hội đang hiện diện đối với toàn nhân loại, sách còn đưa ra lộ trình để cải thiện. Hơn thế còn là gói giải pháp khá thiết thực cho một số tình huống đang bế tắc...

Ngay trong phụ lục cuối cùng, khi đọc đến những dòng thời gian có thể xảy ra ở 4 tình huống kịch bản khác nhau, các bạn sẽ hiểu rằng: tương lai nên là vấn đề lựa chọn khôn ngoan khi con người cần từ bỏ lối suy nghĩ và triết lý đưa chúng ta đến tình thế này.

Cuộc sống này vừa rộng lớn và cũng thật bé nhỏ. “Sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội công nghệ” thực sự dành cho những ai muốn quan tâm đến những vấn đề xã hội mang tính nhân loại. Cũng có thể sách luôn cần thiết cho những ai muốn bắt đầu câu hỏi của ngày mới: Chúng ta nên làm gì để nâng cao khả năng thích ứng với một thế giới biến đổi nhanh chóng như hiện nay? Điểm cuối trên hành trình con người đang đi đó là gì và cần phải làm gì?.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/su-troi-day-cua-chu-nghia-xa-hoi-cong-nghe-nbsp-lua-chon-khon-ngoan-cho-tuong-lai-30906.htm