Sự trỗi dậy của Nam bán cầu

Khái niệm 'Nam bán cầu' được Carl Oglesby, nhà văn và là nhà hoạt động chính trị người Mỹ, đưa ra vào năm 1969. Khi đó, cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đang ở cao trào, và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam nổ ra ở Mỹ với quy mô lớn. Ông viết: 'Sự thống trị của phương Bắc đối với Nam bán cầu đã ở mức độ cao, tạo ra một trật tự xã hội không thể chấp nhận được'.

“Cơn sốt” Nam bán cầu

Tất nhiên, trước khi khái niệm Nam bán cầu xuất hiện, sự nổi dậy của cuộc đấu tranh chống đế quốc/thực dân trên toàn thế giới vì độc lập, giải phóng dân tộc, Phong trào không liên kết và các hoạt động do Nhóm 77 nước (G77) khởi xướng đã khuấy động thế giới. Đặc điểm của nó là tìm kiếm sự độc lập, chống kiểm soát, chống can thiệp và tìm kiếm sự tự chủ.

Chiến tranh lạnh kết thúc và cấu trúc lưỡng cực sụp đổ. Sự phân chia ban đầu thành “3 thế giới” không còn nữa, và cách gọi “Thế giới thứ ba” cũng không còn phù hợp. Nhìn chung, những nước có trình độ phát triển tương đối tốt thường được gọi là các nước đang phát triển, các thị trường mới nổi hoặc các nền kinh tế mới nổi. Khái niệm “Nam bán cầu” tương đối trung tính. Khái niệm này không còn vạch ra những ranh giới ý thức hệ như khoảng cách, phe cánh, tôn giáo và chế độ nữa, mà bao gồm tất cả các quốc gia và khu vực đang phát triển. Trên thế giới có 197 quốc gia và vùng lãnh thổ được cộng đồng quốc tế công nhận, trong đó có 193 thành viên Liên hợp quốc. Gạt ra 31 thành viên phát triển, số còn lại đều thuộc Nam bán cầu.

Trung Quốc cũng là một thành viên của Nam bán cầu, sức mạnh và ảnh hưởng của nước này đóng một vai trò quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi tháng 8 đã thu hút thêm 6 thành viên mới, bao gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chủ tịch đương nhiệm Nam Phi tuyên bố mục tiêu của BRICS là thúc đẩy chương trình nghị sự của Nam bán cầu. Ấn Độ là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, cũng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói của Nam bán cầu” dưới hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 123 nước đang phát triển.

Trong 2 năm tiếp theo, nước chủ nhà G20 sẽ là Brazil và Nam Phi, thế giới có thể nói đã bước vào thời khắc “Nam bán cầu”.

Trong 2 năm tiếp theo, nước chủ nhà G20 sẽ là Brazil và Nam Phi, thế giới có thể nói đã bước vào thời khắc “Nam bán cầu”.

Nam bán cầu không đơn độc mà còn nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đã thu hút Liên minh châu Phi vào cơ chế này. Indonesia và Ấn Độ lần lượt đăng cai G20. Trong 2 năm tiếp theo, nước chủ nhà G20 sẽ là Brazil và Nam Phi, thế giới có thể nói đã bước vào thời khắc “Nam bán cầu”. Trước Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima, việc Thủ tướng Nhật bản Fumio Kishida nhấn mạnh lời mời của ông tới một số nước đang phát triển phản ánh tầm quan trọng của Nam bán cầu. Ngoài ra, các tổ chức tư vấn của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ cũng bắt đầu tiến hành nghiên cứu vấn đề này.

Tóm lại, “cơn sốt” Nam bán cầu là sự thức tỉnh chung của phần lớn các nước đang phát triển trước những thay đổi của chính trị thế giới trong một thế kỷ đầy biến động.

Thực tế và triển vọng

Thực lực và ảnh hưởng đã củng cố sự thức tỉnh của Nam bán cầu. Nhìn vào thực tế và triển vọng phát triển trong tương lai, xu hướng cơ bản của thế giới ngày nay là phía Đông tăng và phía Tây giảm, phía Nam trỗi dậy và phía Bắc suy giảm. Trong 40 năm qua, tỷ trọng GDP của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã tăng từ 24% lên hơn 40%. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển chiếm 42,7% GDP thế giới tính theo tỷ giá hối đoái thị trường và 58,9% tính theo sức mua tương đương, vượt qua các nước phát triển. Trong 20 năm qua, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã đóng góp tới 80% vào tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm gần 30% tăng trưởng kinh tế thế giới. Đối với BRICS, GDP của nhóm này đã vượt qua G7 xét về sức mua tương đương, xu thế dẫn đầu càng được củng cố sau khi có thêm 6 thành viên mới gia nhập, với thị phần toàn cầu là 37,7%, trong khi thị phần toàn cầu của G7 chưa đến 30%.

Sự trỗi dậy của Nam bán cầu không chỉ thể hiện ở sự thay đổi về mặt kinh tế, mà còn được phản ánh ở tầm ảnh hưởng chính trị. Giới quan sát phương Tây cung quan tâm đến việc các quốc gia ở Nam bán cầu đang ngày càng khẳng định thực lực của mình trên trường quốc tế, được minh chứng bằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia và nỗ lực của Brazil thúc đẩy một kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine.

Sự thay đổi trong cơ cấu quyền lực thế giới này đã mang lại cho Nam bán cầu khả năng thực hiện những thay đổi mang tính cơ cấu trên bản đồ thế giới. Trong bài phát biểu tại lễ bế mạc Diễn đàn doanh nghiệp BRICS 2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Trong thời đại ngày nay, sự trỗi dậy đồng loạt của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển mà đại diện là các nước BRICS đang làm thay đổi một cách căn bản bản đồ thế giới”. Đây chính là sự thay đổi tương quan lực lượng mà có thể dẫn đến sự thay đổi đại cục cả thế giới.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/su-troi-day-cua-nam-ban-cau-i711353/