Sự trượt dốc của chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc)

Lần đầu tiên kể từ khi ra mắt cách đây hơn nửa thế kỷ, thước đo chứng khoán chuẩn của Hong Kong (Trung Quốc) - chỉ số Hang Seng (HSI) - đã giảm trong bốn năm liên tiếp.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong. Ảnh: AFP/TTXVN

Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo caixin.com, chỉ số này đã giảm 13,8% vào năm 2023 và đà trượt dốc tiếp tục kéo dài sang năm mới 2024. HSI giảm xuống mức thấp nhất của 15 tháng là 14.961 điểm vào ngày 22/1 trước khi tăng nhẹ vào tháng Hai.

Thị trường Trung Quốc Đại lục cũng đã trải qua chuỗi ba năm thua lỗ trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế, cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra và triển vọng thu nhập doanh nghiệp kém sáng. Chỉ số CSI 300 chuẩn theo dõi 300 công ty hàng đầu được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 11,4% trong năm ngoái và giảm 6,3% vào tháng 1 năm nay.

HSI được tạo thành từ 82 công ty lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, nhiều công ty trong số đó kiếm được phần lớn doanh thu và lợi nhuận từ Trung Quốc Đại lục, bao gồm Tencent Holdings Ltd., và các công ty nhà nước khổng lồ như PetroChina Co. Ltd. và China Mobile Ltd. Các công ty liên kết với đại lục chiếm hơn 3/4 vốn hóa thị trường của toàn bộ sàn giao dịch Hong Kong.

Theo dữ liệu do công ty kế toán KPMG tổng hợp, thị trường Phát hành công khai lần đầu (IPO) của Hong Kong cũng sụt giảm, với số lượng niêm yết mới trên sàn giao dịch địa phương và tổng số tiền huy động được giảm lần lượt khoảng 20% và 55% vào năm 2023. Bảng xếp hạng toàn cầu của thị trường chứng khoán, được đo bằng giá trị của các quỹ huy động, cũng đã tụt xuống vị trí thứ 6 từ vị trí thứ 3 của năm trước.

Trước thực trạng trên, các nhà kinh tế và nhà phân tích cho biết thị trường chứng khoán Hong Kong có thể phục hồi trong năm nay, nhưng mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc một phần vào việc liệu các biện pháp nhằm ngăn chặn sự trượt dốc của thị trường chứng khoán có thể khôi phục niềm tin của nhà đầu tư hay không. Các yếu tố khác bao gồm triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, rủi ro địa chính trị giảm và triển vọng kinh tế được cải thiện.

Trong nỗ lực vực dậy thị trường chứng khoán đang chững lại, chính quyền Hong Kong (HKSAR) đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm vào tháng 8/2023 để cải thiện tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh của thị trường. Theo khuyến nghị, Hong Kong đã giảm thuế trước bạ đối với các giao dịch chứng khoán từ 0,13% xuống 0,1% bắt đầu từ ngày 17/11/2023 để giảm chi phí giao dịch.

Trong bài phát biểu chính sách vào tháng 10/2023, Trưởng Đặc khu HKSAR John Lee cũng đề xuất các biện pháp như giảm phí dữ liệu thị trường để tạo thêm cơ hội cho các công ty vừa và nhỏ được niêm yết. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư xem các biện pháp này là những điều chỉnh nhỏ không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Một số người đã kêu gọi hành động táo bạo hơn như thành lập một quỹ can thiệp để mua cổ phiếu Hong Kong trong các trường hợp như khi chúng bị các nhà đầu tư nước ngoài bán khống.

Các nhà lập pháp Hong Kong đã kêu gọi Quỹ giao dịch do chính quyền Hong Kong điều hành tăng cường đầu tư vào thị trường chứng khoán địa phương để hỗ trợ giá. Quỹ này là chi nhánh đầu tư của Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) và đã mua hàng tỷ USD cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong vào năm 1998 để ổn định thị trường chứng khoán trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Nhưng người đứng đầu HKMA Eddie Yue đã loại trừ một động thái như vậy và cho biết trong một cuộc họp của ủy ban các vấn đề tài chính của Hội đồng Lập pháp hôm 5/2 rằng biện pháp này sẽ phản tác dụng và làm suy yếu các hoạt động thị trường toàn cầu.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng bất kể Hong Kong áp dụng các biện pháp nào, việc thu hút vốn toàn cầu vào thị trường chứng khoán Hong Kong vẫn là một thách thức, một phần do căng thẳng Trung-Mỹ. Nhiều nhà đầu tư tổ chức châu Âu và Mỹ đang duy trì cách tiếp cận chờ xem khi đầu tư vào chứng khoán Hong Kong. Chính sách tiền tệ của Mỹ và triển vọng kinh tế của Trung Quốc - đặc biệt là sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng - là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đối với thị trường Hong Kong, theo các chuyên gia và nhà phân tích.

Một số nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Hong Kong đang chạm đáy trong bối cảnh ngày càng có nhiều đặt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và thậm chí có thể bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm nay. Thị trường IPO của Hong Kong cũng có vẻ sẽ được cải thiện, với kế hoạch bán cổ phiếu của các công ty hàng đầu bao gồm Mixue Group, một trong những công ty bán trà sữa lớn nhất Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích dự báo về sự phục hồi dần dần, chứ không phải sự phục hồi mạnh mẽ, của thị trường Hong Kong vào năm 2024. Theo chiến lược gia đầu tư trưởng Frank Lee của Bank of East Asia, chỉ với sự cải thiện trong các nguyên tắc cơ bản kinh tế của Trung Quốc và sự nới lỏng hữu hình của cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, chỉ số HSI mới có thể tăng lên trên 20.000 điểm trong năm nay. Chỉ số giao dịch lần cuối trên ngưỡng 20.000 điểm vào ngày 1/8/2023.

Các nhà kinh tế Alicia García-Herrero và Gary Ng của Natixis SA đã viết trong một báo cáo rằng niềm tin của nhà đầu tư vào các công ty niêm yết tại Hong Kong bị hạn chế bởi tác động của việc thắt chặt quy định của Trung Quốc Đại lục, rủi ro địa chính trị, hạn chế thương mại và đầu tư và các cuộc đấu tranh có thể có của Hong Kong để "xác định lại các chủ đề đầu tư của mình ngoài các nền tảng bất động sản và Internet".

"Điểm mấu chốt là Trung Quốc sẵn sàng kích thích nền kinh tế, hỗ trợ thị trường và phát triển một cơ chế rõ ràng để phê duyệt niêm yết ở nước ngoài", các nhà kinh tế của Natixis cho biết, đồng thời nói thêm rằng nhiều dấu hiệu chắc chắn hơn vào năm 2024 có thể mang lại sự cải thiện trong hoạt động IPO của Hong Kong và tâm lý thị trường.

Các nhà phân tích của China International Capital Corp (CICC) cũng viết trong một báo cáo hôm 4/2 rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định liệu thị trường chứng khoán Hong Kong có thể hồi sinh hay không là sức mạnh của chính sách tài khóa Trung Quốc. Sự nhấn mạnh của các nhà phân tích CICC về sự cần thiết phải hỗ trợ chính sách nhiều hơn cũng được chia sẻ bởi Phó Chủ tịch Ngân hàng toàn cầu John C. Lee tại UBS AG.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Giêng với Caixin, ông John C. Lee cho biết, nhiều nhà đầu tư toàn cầu lạc quan về sự phát triển dài hạn của thị trường Trung Quốc, nhưng họ cần chắc chắn hơn về triển vọng phục hồi của Trung Quốc trước khi họ chuyển hướng đầu tư vào thị trường chứng khoán nước này. "Họ hy vọng sẽ thấy các biện pháp kích thích kinh tế cụ thể hơn", ông nói.

Thành Dương (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/su-truot-doc-cua-chung-khoan-hong-kong-trung-quoc/324117.html