Sức hút của hàng Việt dịp Tết

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang tới gần, trên đường từng dòng người tấp nập ngược xuôi như chạy đua với thời gian để kết thúc một năm cũ, đón chào năm mới. Đây cũng là thời điểm nhà sản xuất, nhà phân phối đưa ra thị trường hàng loạt các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, hàng hóa đã ngập tràn, rực rỡ màu sắc, trong đó đáng mừng là hàng Việt vẫn giữ vững vị thế với người tiêu dùng.

Người dân lựa chọn các sản phẩm bánh, kẹo thương hiệu Việt để phục vụ nhu cầu dịp Tết.

Bắt đầu từ tháng Chạp, sắc Xuân hiện rõ trên những quầy hàng ở khắp mọi nơi. Các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, rượu, bia...cũng được bày bán nhiều hơn cả về số lượng và chủng loại. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như tiểu thương tích cực quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm hàng Việt trên các phương tiện, kênh bán hàng từ truyền thống đến hiện đại.

Là doanh nghiệp chủ lực phân phối hàng Việt đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, Siêu thị Co.opmart Việt Trì đã tăng lượng hàng gấp 2-3 lần so với những tháng kinh doanh bình thường. Tất cả hàng hóa được lựa chọn đưa vào kinh doanh đều đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.

Ông Ngô Duy Hiến- Phó Giám đốc Siêu thị cho biết: "Hiện nay tại Siêu thị có trên 90% cơ cấu hàng hóa là hàng nội địa sản xuất trong nước, đặc biệt thời điểm này các thương hiệu bánh kẹo, nước giải khát được bày bán nhiều với các thương hiệu nổi tiếng như: Bibica, Hữu Nghị, Tràng An, Kinh Đô, Vissan, Hải Hà... Các sản phẩm mang thương hiệu Việt được ưu tiên, sắp xếp tại các vị trí trưng bày dễ nhìn, dễ lựa chọn, tạo điều kiện cho thương hiệu Việt ngày có cơ hội phát triển, đến gần hơn với người tiêu dùng. Riêng tại tỉnh Phú Thọ, Siêu thị cũng đã phối hợp với Sở Công thương kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền như: Thịt chua Thanh Sơn, mì gạo Hùng Lô, rau an toàn Tứ Xã, bưởi Đoan Hùng..."

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tích cực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Được biết, trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng cũng như giá cả ổn định, tránh việc thiếu hụt dẫn đến giá tăng đột biến, đứt gãy nguồn cung. Đồng thời, Siêu thị đưa ra các chương trình khuyến mãi với nhiều ưu đãi, giúp khách hàng tiết kiệm chi tiêu và kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm do nền kinh tế còn gặp khó khăn.

Hàng hóa phong phú cùng với môi trường kinh doanh lành mạnh là điều kiện thuận lợi để các thương hiệu Việt dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, phường Minh Phương, TP Việt Trì cho biết: "So với trước đây, hàng Việt có sự cải tiến cả về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Đơn cử như cùng một thương hiệu bánh, ngoài đóng túi truyền thống giờ đây có cả hộp giấy, hộp sắt, kích thước, hương vị, màu sắc khác nhau để phù hợp với từng mục đích sử dụng, giúp khách hàng lựa chọn, tiết kiệm chi phí khi cần thiết."

Không chỉ siêu thị, những năm gần đây, hàng hóa tại các chợ truyền thống có bước khởi sắc đáng kể, đặc biệt là hàng Việt từng bước tạo dựng chỗ đứng ở kênh phân phối này. Hàng hóa đa dạng, phong phú hơn, giá cả cạnh tranh, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Lý giải nguyên nhân hàng Việt chiếm ưu thế và sức hút tại các chợ truyền thống trong cuộc sống hàng ngày nói chung và dịp Tết nói riêng, các tiểu thương đều có chung nhận xét là bởi hiện nay các sản phẩm hàng Việt được sản xuất trong nước ngày càng cải tiến về chất lượng, mẫu mã đẹp, bắt mắt, tiếp cận được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm theo quy định.

Không chỉ các thương hiệu Việt lên ngôi, thị trường hàng hóa Tết năm nay còn phong phú nhờ sự có mặt của các dòng sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền khi xu hướng chuộng “sản phẩm quê” ngày càng gia tăng. Đặc biệt, kể từ khi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai, các sản phẩm tham gia Chương trình được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, tạo được dấu ấn, hương vị riêng trên thị trường.

Công ty CP sản xuất và thương mại Trường Foods, huyện Thanh Sơn đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng dịp Tết.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 235 sản phẩm OCOP đạt hạng từ ba sao trở lên với 158 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh của 125/225 xã, phường, thị trấn. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, các chủ thể còn mạnh dạn quảng bá, tiếp thị sản phẩm dưới hình thức giỏ quà OCOP để tiếp cận thị trường, cạnh tranh với giỏ quà Tết của các nhãn hàng truyền thống, có thương hiệu.

Có thể nhận thấy, những thay đổi tâm lý, thói quen sử dụng các loại sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thay thế cho sản phẩm ngoại của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng, góp phần đưa hàng Việt lên vị thế mới, thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn, thành thị. Trong không khí vui tươi của những ngày Tết cổ truyền dân tộc đang cận kề, người tiêu dùng ngày càng hướng về hàng Việt, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp Việt nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm và cho ra mắt nhiều sản phẩm mới ưu việt hơn, góp phần làm cho không khí ngày Xuân thêm yêu thương, ấm áp.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/suc-hut-cua-hang-viet-dip-tet/205482.htm