Sudan: Giao tranh dữ dội tái diễn ở thủ đô Khartoum

Thủ đô Khartoum của Sudan lại rung chuyển bởi các vụ nổ trong ngày 3/7, trong bối cảnh người đứng đầu quân đội Sudan kêu gọi người dân nước này cầm vũ khí nhằm chống lại các cuộc tấn công mới của nhóm bán quân sự Các lực lượng phản ứng nhanh (RSF).

Khói đen cuồn cuộn phía sau các tòa nhà trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ở Khartoum, ngày 9/6/2023. (Ảnh: AFP)

Khói đen cuồn cuộn phía sau các tòa nhà trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ở Khartoum, ngày 9/6/2023. (Ảnh: AFP)

Hãng thông tấn AFP dẫn lời các nhân chứng cho biết, ngay từ rạng sáng 3/7, tiếng đại bác đã làm rung chuyển khu vực phía Tây Bắc Khartoum và sau đó lan dầu về phía trung tâm và phía Đông thành phố. Cuối ngày 3/7, các nhân chứng cũng cho biết lực lượng không quân Sudan đã nhắm mục tiêu vào một đoàn xe bọc thép RSF khi chiếc xe này đang di chuyển từ miền Nam Sudan tới Khartoum.

Kể từ khi các cuộc đụng độ dữ dội giữa lực lượng trung thành với Tư lệnh quân đội Sudan - Tướng Abdel Fattah al-Burhan và RSF diễn ra vào cuối tuần trước, người ta đã nghe thấy những tiếng súng và những tiếng nổ không ngừng nghỉ ở thủ đô Khartoum. Ngày 3/7, quân đội Sudan tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận và đào tạo các chiến binh tình nguyện, sau khi Tướng Abdel Fattah al-Burhan vào tuần trước đã kêu gọi "thanh niên và tất cả những người có khả năng phòng vệ" gia nhập các đơn vị quân đội để bảo vệ đất nước.

Tuy nhiên, nhiều người dân Sudan vốn quá mệt mỏi với chiến tranh đã từ chối lời kêu gọi nói trên, đồng thời mong muốn cuộc tranh giành quyền lực không ngừng nghỉ giữa Tướng al-Burhan và cấp phó cũ của ông ta là chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Daglo sớm kết thúc.

Bạo lực không chỉ tái diễn ở thủ đô Khartoum mà còn xảy ra ở khu vực rộng lớn phía Tây Darfur, nơi lực lượng RSF vào cuối ngày 2/7 vừa qua đã "tấn công căn cứ quân sự" ở Nyala, thủ phủ của Nam Darfur.

Giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF nổ ra từ ngày 15/4, đến nay đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chuyên gia y tế cảnh báo số người chết có thể cao hơn nhiều, do khoảng 2/3 cơ sở y tế tại các khu vực chiến sự vẫn "ngừng hoạt động".

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), bất ổn kéo dài trong những tháng qua đã khiến hơn 2,2 triệu người dân Sudan phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước và hơn 645.000 người khác phải chạy sang các nước láng giềng. Dưới sự hối thúc và vai trò trung gian quốc tế, lực lượng quân đội Sudan và RSF đã đạt được một số lệnh ngừng bắn tạm thời trên toàn quốc, song xung đột vẫn tiếp diễn.

Liên hợp quốc cho biết, hơn một nửa dân số Sudan hiện đang cần viện trợ và bảo vệ. Tình hình đặc biệt khủng khiếp ở Darfur - nơi toàn bộ các khu dân cư đã bị san bằng, các thành phố bị bao vây và các thi thể bị bỏ lại trên đường phố.

Tuy nhiên, hầu như không có bất kỳ hoạt động hỗ trợ nhân đạo nào tiếp cận được với những thường dân đang tuyệt vọng nơi đây, khi các nhóm cứu trợ báo cáo rằng lực lượng của họ đang túc trực ở nước láng giềng Chad và phải chờ tới khi các hành lang nhân đạo được mở.

Trước bối cảnh đó, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Sudan, Mandeep O'Brien đã lưu ý về hàng nghìn gia đình có trẻ em đang chạy trốn khỏi bạo lực ở Tây Darfur. Cơ quan này của Liên hợp quốc ước tính rằng hơn 13 triệu trẻ em tại Sudan đang "rất cần" được hỗ trợ nhân đạo./.

T.Lan (Theo aljazeera, zawya)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/sudan-giao-tranh-du-doi-tai-dien-o-thu-do-khartoum-641108.html