Suy ngẫm về sách và văn hóa đọc

Sau khi trao tủ sách Đặng Thùy Trâm cho ngôi trường THCS Đức Long-Nho Quan, Ninh Bình quê tôi vào đúng ngày 'Văn hóa đọc' 21/4/2024, khi trở về Hà Nội, tôi tự đưa ra câu hỏi: văn hóa đọc xưa và nay có khác nhau nhiều không? Liệu rằng gần 2000 cuốn sách ấy bao giờ đọc cho hết và ai sẽ là người hay đọc?

Vẫn biết văn hóa đọc là một khái niệm rộng, bao gồm thói quen đọc sách, thái độ ứng xử với sách, giá trị mà sách mang lại cho mỗi cá nhân và cộng đồng.

Vẫn biết văn hóa đọc có vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức, bồi dưỡng tâm hồn và nâng cao nhận thức của con người. Nhưng người cầm sách đọc chắc chắn có nhiều điểm tương đồng và cũng có nhiều điểm khác biệt.

Nhà thơ Trần Trọng Giá - Chủ tịch CLBTTNL Thủ đô.

Nhà thơ Trần Trọng Giá - Chủ tịch CLBTTNL Thủ đô.

Đọc sách thời xưa cũng rất được coi trọng, nhất là tầng lớp nho sĩ, có học, xếp đứng đầu, và đương nhiên kẻ sĩ thì phải biết đọc sách, sách ở đây chủ yếu là sách thánh hiền, phổ biến là tứ thư, ngũ kinh. Người xưa đề cao vai trò của sách, khi cho rằng: “Thư trung hữu ngọc” (trong sách có ngọc), hay “Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” (Mọi việc đều thấp kém, duy chỉ có đọc sách là cao quý). Nhà bác học Lê Quý Đôn có câu: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Không bằng kinh sử một vài pho”.

Tủ sách Đặng Tùy Trâm tại trường THCS Đức Long-Nho Quan, Ninh Bình. Ảnh do tác giả cung cấp.

Tủ sách Đặng Tùy Trâm tại trường THCS Đức Long-Nho Quan, Ninh Bình. Ảnh do tác giả cung cấp.

Đọc sách học được nhiều điều hay, trong đó có đạo lý làm người, mở mang đầu óc và đọc sách cũng là để đi thi, đỗ đạt làm quan, đó là ước mơ của bao nhiêu người mộng đèn sách. “Cưới vợ chỉ là tiểu đăng khoa, thi đỗ mới là đại đăng khoa”. Ca dao Việt xưa cũng có một câu vẽ nên khung cảnh đầy thi vị ở nông thôn Bắc Bộ: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/ Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”.

Nhưng thời nay đã khác, học hành, đọc sách, thi cử đâu chỉ để ra làm quan mà là để nâng cao tri thức, giúp ích cho bản thân cống hiến được nhiều cho xã hội.

Thế hệ chúng tôi thời những năm 70-80 của thế kỷ trước, các tác phẩm văn học kinh điển luôn là niềm mơ ước của biết bao thanh niên. Thời kỳ đó chủ yếu là sách văn học Nga, Trung Quốc, pháp. Ai sở hữu một cuốn sách hay là rất quí nên say mê tìm đọc, rồi truyền tay, mượn nhau để đọc. Giá trị cuốn sách được đề cao, còn có những quyển sách được gối đầu giường của thanh niên như: “Thép đã tôi thế đấy”. Đời sống văn học được yêu mến và trân trọng. Sách không chỉ đơn thuần để đọc giải trí mà người ta còn tìm thấy ở đó lý tưởng sống…

Ngày nay, nội dung sách đa dạng hơn, bao gồm nhiều lĩnh vực như: khoa học kỹ thuật, văn học, kinh tế, xã hội…

Với sự phát triển của công nghệ, con người có thể đọc sách trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: sách điện tử, sách audio, sách online. Có nhiều sách hay bên cạnh cũng có nhiều sách dở. Người đọc phải tự tìm và phù hợp với mình để đọc.

Nhưng bây giờ người còn đọc sách ít lắm. Theo số liệu của Bộ văn hóa-thể thao và du lịch, một người dân Việt Nam một năm chưa đọc nổi một cuốn sách. Thế nên thật khó để những tác phẩm kinh điển trở lại thời hoàng kim, được người ta say mê tìm đọc. Bởi tỷ lệ đọc sách, tìm đọc sách rất đáng báo động chứ đừng nói đến việc tìm đọc những tác phẩm văn học đồ sộ như vậy. Trong một buổi giao lưu về sách “Quyển sách thay đổi cuộc đời”, nhân vật có thâm niên trong ngành xuất bản của Việt Nam- phó chủ tịch HĐQT kiêm phó giám đốc công ty Văn hóa phương Nam Nguyễn Hữu Hoạt đã nhận định: sách nghiêm túc càng ngày càng ít người đọc. Còn đối với giới trẻ thì bao giờ họ đọc sách nghiêm túc, có lẽ rất khó trả lời. Còn ai đọc sách nghiêm túc khi mà ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, giới trẻ bị phân tán bởi quá nhiều thứ, nên việc cầm một quyển sách đồ sộ nói không quá thì là điều không tưởng.

Vậy nên văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy có những thay đổi theo thời gian, nhưng việc đọc sách vẫn luôn cần thiết đối với mỗi cá nhân và cộng đồng, nhất là với các thế hệ học sinh đang theo học trong các nhà trường.

Tôi chỉ mong rằng: tủ sách Đặng Thùy Trâm không chỉ là món quà tặng cho nhà trường mà hãy biến nó từ một kho tàng kiến thức trở nên hữu hiệu giúp các cháu hình thành thói quen đọc sách, góp phần bồi dưỡng tri thức và nhân cách làm người!

T.T.G

Trái tim người lính

Nhà thơ Trần Trọng Giá - Chủ tịch CLBTTNL Thủ đô

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/suy-ngam-ve-sach-va-van-hoa-doc-a24916.html