Suy thận gia tăng nơi người trẻ

Từ các bệnh viện như Thống Nhất, Chợ Rẫy, các bác sĩ đưa ra cảnh báo về tình trạng người trẻ phải nhập viện ngay để cấp cứu ngay ở lần đầu đến khám thận ngày càng gia tăng. Việc bệnh được phát hiện ở giai đoạn cuối buộc phải chạy thận để lọc máu không chỉ khiến quá trình điều trị thêm phức tạp, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều rủi ro bị biến chứng, sức khỏe suy yếu mà gánh nặng chi phí cũng trĩu nặng. Điều đáng nói là, việc phòng bệnh này không quá khó.

PGS.TS.BS. Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội Thận – Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, thăm khám cho bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận. Ảnh: Minh Thảo

PGS.TS.BS. Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội Thận – Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, thăm khám cho bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận. Ảnh: Minh Thảo

Cứ mỗi tuần ba lần, anh S. (ngụ tại quận 12, TPHCM) đều đặn đến Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TPHCM) để chạy thận nhân tạo. Anh S. chỉ vừa tròn 30 tuổi nhưng đã phải “sống chung” với các trang thiết bị lọc máu, máy chạy thận này đến nay đã được ba năm.

Nam bệnh nhân cho biết, anh cũng như đa số bạn bè đồng trang lứa hay uống bia, thích và thường ăn các loại thức ăn mặn và thức khuya. Mọi thứ bắt đầu có vẻ bất thường khi anh S. bị nôn ói, mệt mỏi kéo dài, khó ngủ vào buổi tối và một bên mắt bị mờ nhưng không đi khám. Thời điểm ấy, anh S. nghĩ đơn giản rằng “nôn ói là dấu hiệu của bệnh dạ dày, đau đầu liên tục chỉ là bệnh cảm cúm thông thường”. Sau hơn một tháng chịu đựng các cơn đau và chân bị sưng phù, anh S. mới chịu đến Bệnh viện Thống Nhất để thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thận giai đoạn cuối.

Sức khỏe suy yếu nhanh, chi phí đè nặng

Hàng tháng, anh S. phải tốn hơn 12 triệu đồng cho việc chạy thận và điều trị. Ước tính trong ba năm vừa qua, số tiền chi cho chạy thận, thuốc men, đi lại và ăn ở của anh S. đã vượt qua con số 500 triệu đồng. Anh S. không mua bảo hiểm y tế nên không được bảo hiểm chi trả như người có mua bảo hiểm y tế, lại thêm không còn đủ sức lao động kiếm sống như khi còn khỏe mạnh, anh S. mất khả năng chi trả và dựa vào người thân cả về mặt tài chính lẫn chăm sóc sức khỏe. Gánh nặng chi phí chạy thận khiến gia đình của anh S. rơi vào cảnh khánh kiệt, phải vay mượn khắp nơi để có tiền điều trị với hy vọng kéo dài sự sống cho anh.

Cũng bị buộc phải chạy thận ba lần mỗi tuần như anh S. nhưng tình trạng của anh P. (36 tuổi, ngụ tại TPHCM) có khá hơn ở chỗ anh P. được bảo hiểm y tế chi trả đến 80% chi phí điều trị bệnh. Anh P. cho hay đã phát hiện thận có vấn đề sau lần khám sức khỏe định kỳ ở công ty cách đây một năm, sau đó anh đi viện để được khám chuyên sâu. Kết quả được chẩn đoán là bị suy thận ở giai đoạn cuối và buộc phải lọc máu một tuần ba lần. Nam bệnh nhân này cho hay từ ngày bị bệnh, sức khỏe đã suy yếu nhiều, song điều khiến anh lo lắng nhất là chi phí từ việc điều trị kéo dài đã “ngoạm” vào khoản tiền dành dụm khi còn đi làm, bởi ngoài phần chi phí điều trị được cơ quan bảo hiểm thanh toán thì phải sử dụng thêm các loại thuốc, sữa để bổ trợ cho sức khỏe. Các khoản này cũng tốn khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, nói với KTSG rằng: “Trong năm 2023, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi hơn một ngàn tỉ đồng cho các bệnh nhân đến thăm khám và chữa trị bệnh suy thận tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo có tham gia bảo hiểm y tế, mỗi tháng quỹ bảo hiểm chi trả từ 10-12 triệu đồng/người. Như vậy, tổng chi phí đơn vị này phải chi trả cho một bệnh nhân chạy thận nhân tạo là khoảng 150 triệu đồng/năm. Do đó, việc tham gia bảo hiểm y tế có thể giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho những bệnh nhân bị suy thận”.

Trao đổi với KTSG, PGS.TS.BS. Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội Thận – Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết trong thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị ngày càng nhiều người trẻ, độ tuổi khoảng 20-40, bị suy thận giai đoạn cuối.

“Dù nơi đây là một bệnh viện chuyên về lão khoa nhưng tỷ lệ người trẻ đến khám và phát hiện bị suy thận chiếm đến 20%. Còn tại nhiều bệnh viện khác, tỷ lệ này có thể lên đến từ 60-70%”, vị Trưởng khoa này nói và cho biết thêm, một số trường hợp lần đầu khám bệnh cũng là thời điểm bệnh nhân phải chạy thận cấp cứu bởi lúc này bệnh đã ở giai đoạn 3-4. Khi đó, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, bệnh lý tim mạch, tính mạng bị đe dọa… Chi phí điều trị vô cùng tốn kém và công việc, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Những người trẻ tuổi có thể phải nghỉ việc dài ngày, một tháng hoặc nhiều hơn để thực hiện quá trình điều trị bệnh.

Còn theo TS.BS. Trần Văn Vũ, Phó trưởng khoa Nội thận thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày, Khoa Nội thận của bệnh viện điều trị cho hơn 100 người bệnh nội trú và khám cho từ 300-400 bệnh nhân ngoại trú. Trong số đó, có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, thậm chí có những bệnh nhân chỉ mới 16 tuổi. Bệnh suy thận đang có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, chiếm tỷ lệ 20% trong tổng số bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Vì sao cứ phát hiện là bệnh đã trở nặng?

Lối sống dễ dãi, thiếu vận động. Nói về những nguyên nhân dẫn đến suy thận nơi người trẻ, bác sĩ Nguyễn Bách của Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết người trẻ cậy mình khỏe nên thường tự cho phép bản thân ăn uống một cách dễ dãi, vô độ, ít vận động và không chú ý khám sức khỏe định kỳ. Bệnh thận thường tiến triển âm thầm, khó có thể tự phát hiện ở giai đoạn ban đầu, trừ khi có duy trì việc khám sức khỏe định kỳ.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân trẻ có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường nhưng không điều trị một cách nghiêm túc theo phác đồ của bác sĩ. Việc lơ là trong kiểm soát bệnh nền cộng với suy thận sẽ khiến tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

Tự ý dùng thuốc. Ngoài các yếu tố về bệnh lý, hiện nhiều người trẻ có thói quen cứ thấy ho, cảm, sốt là tự ý mua thuốc về uống mà không cần khám bệnh. Nhiều người còn tự ý sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc. Việc tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến tình trạng quá liều hoặc thuốc bị pha trộn tân dược; từ đó có nguy cơ suy gan, suy thận nguy hiểm tính mạng.

Phớt lờ các triệu chứng, không khám sức khỏe định kỳ. Theo bác sĩ Bách, bệnh thận được chia thành năm giai đoạn. Ở những giai đoạn đầu là từ 1-3, người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng. Có thể gặp tình trạng đau lưng, biến đổi màu nước tiểu, tiểu bọt, tiểu đêm… nhưng đây là triệu chứng không điển hình rất dễ bị bỏ qua. Cơ thể người có hai quả thận nên đơn vị thận có thể làm việc bù trừ lẫn nhau, cho đến khi có triệu chứng, bệnh thận đã bước sang giai đoạn 4-5. Khi phát hiện, nhiều người nghĩ đây là bệnh cấp tính nhưng thực tế, bản thân người mắc đã có quá trình tiến triển bệnh từ lâu, chỉ là không phát hiện triệu chứng ở những giai đoạn đầu.

Phòng bệnh không khó!

Để phòng bệnh suy thận, bác sĩ Bách khuyến cáo mỗi người nên khởi đầu ngày làm việc bằng 300 mi li lít nước, đó là 1 trong 8 nguyên tắc vàng để dự phòng bệnh thận. Mọi người cũng cần quan sát nước tiểu. Trường hợp nước tiểu không trong mà có màu vàng nghĩa là uống chưa đủ nước, nếu có màu đỏ hoặc nổi bọt bất thường phải đến bệnh viện thăm khám ngay.

Cùng với đó, người dân nên duy trì lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên; không hút thuốc lá; không tự ý sử dụng thuốc, không dùng các thực phẩm không rõ nguồn gốc vì thận là cơ quan đào thải, hứng chịu hết mọi độc chất trong cơ thể. Về chế độ ăn uống, người dân không ăn quá mặn, hạn chế ăn đạm động vật quá nhiều, cân đối giữa đạm thực vật và đạm động vật như sử dụng món đậu hũ nhồi thịt.

Khi có một số triệu chứng thường gặp của bệnh thận là phù, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, da thay đổi màu sắc như nhợt nhạt, sạm, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít hơn bình thường, giấc ngủ không sâu, huyết áp tăng cao, người dân nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh ngay. Việc này giúp phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, không để diễn tiến thành suy thận giai đoạn cuối.

Các trường hợp có dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài như đau lưng, tiểu đêm… là suy thận đã ở giai đoạn 4-5. Vì vậy, để phát hiện suy thận ở giai đoạn sớm, bác sĩ Bách cũng khuyến cáo người trẻ nên nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách khám sức khỏe định kỳ. Việc tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý thận rất đơn giản gồm đo huyết áp vì bệnh thận có liên quan đến tăng huyết áp; xét nghiệm máu, đo độ lọc cầu thận và xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu với chi phí thấp, chỉ khoảng vài chục ngàn đồng. Đối với trường hợp có nguy cơ, bệnh nhân sẽ được thực hiện kiểm tra chuyên sâu hơn.

Tại TPHCM, người dân có thể đến khám và điều trị bệnh lý thận tại Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình), Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (quận 5), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5), Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức).

Minh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/suy-than-gia-tang-noi-nguoi-tre/