Tác động từ kế hoạch năng lượng mới của EU đối với Đông Nam Á

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tác động tới mọi mặt nền kinh tế, châu Âu đang phải chuyển hướng sang các nhà sản xuất than đá và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Đông Nam Á.

Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tác động tới mọi mặt nền kinh tế, châu Âu đang phải chuyển hướng sang các nhà sản xuất than đá và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Đông Nam Á để bù đắp sự thiếu hụt sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu than đá từ Nga, có hiệu lực từ tháng 8/2022, cũng như quyết định của Nga nhằm cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu từ đầu tháng này, đã chứng kiến những khách hàng châu Âu tranh giành than đá từ Indonesia, nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới.

Đầu tháng Tư, hai tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tập đoàn khai thác than khổng lồ PT Adaro Energy Indonesia cho biết họ đã bán 300.000 tấn than cho Hà Lan và Tây Ban Nha. Ba Lan cũng được cho là đã đặt hàng 53.230 tấn than từ Indonesia trong thời gian này. Các chuyên gia trong ngành dự đoán nhập khẩu than của châu Âu sẽ tăng vọt vào cuối năm nay và cả năm 2023, khi giá năng lượng dự kiến sẽ tăng hơn nữa trên toàn “Lục địa Già”.

Phát biểu với tờ Nikkei Asia tại sự kiện công nghiệp than hàng đầu châu Á “Coaltrans” được tổ chức tại đảo Bali của Indonesia tuần trước, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác Than Indonesia cho biết: “Nhu cầu về than của Indonesia đang tăng lên đáng kể do vấn đề địa chính trị. Đức là một ví dụ điển hình khi đang yêu cầu rất nhiều than từ Indonesia. Về cơ bản, vào năm 2023, Đức có thể trở thành nhà nhập khẩu than lớn thứ hai hoặc thứ ba của Indonesia sau Trung Quốc và Ấn Độ”.

Châu Âu sẽ nhập khẩu than đá của Indonesia và LNG của Malaysia

Công ty khai thác than nhà nước PT Bukit Asam của Indonesia vừa tuyên bố cho biết tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, nước này đã xuất khẩu 147.000 tấn than sang Italy và hiện đang thảo luận với Đức và Ba Lan về kế hoạch xuất khẩu

Bumi Resources, nhà sản xuất than lớn nhất Indonesia tính theo khối lượng, mới đây tiết lộ với truyền thông rằng Bumi Resources đã thực hiện một số chuyến hàng nhỏ đến châu Âu trong năm nay và dự đoán sản lượng sẽ tăng từ cuối năm 2022.

Ủy viên phụ trách năng lượng của EU ông Kadri Simson cũng đã đến Indonesia vào đầu tháng Chín để tham dự hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), và cũng đã tham quan một mỏ than tại quốc gia Đông Nam Á này. Hiện giá than chuẩn của Indonesia trong tháng 9/2022 ở mức 319,22 USD/tấn, thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 321,59 USD/tấn được ghi nhận vào tháng trước. Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu than của Indonesia đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Malaysia, nhà xuất khẩu khí đốt LNG lớn thứ 5 thế giới, cũng được cho là đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong sản lượng xuất khẩu sang các nước châu Âu, sau khi Nga ngừng vô thời hạn dòng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” (Nord Stream 1).

Ông Felix Booth, người đứng đầu bộ phận LNG tại công ty phân tích năng lượng và vận tải biển Vortexa, cho biết: “Hoạt động vận chuyển LNG ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tiếp tục sôi động khi nhiều khách hàng tìm cách giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng ở châu Âu”. Phát biểu với tờ DW, ông Booth nói: “Người mua về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng, do người bán giao hàng từng phần. Vì các công ty lớn có thể phải gom từng lô rồi mới giao hàng”, đó là chưa kể khí đốt LNG giao ngay được bán với giá cao hơn nhiều so với giá châu Âu hoặc châu Á.

Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố một loạt đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trầm trọng của EU, trong đó có việc áp trần giá khí đốt của Nga và thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty nhiên liệu hóa thạch. Theo bà Von der Leyen: “Việc thao túng thị trường khí đốt có tác động lan tỏa đến thị trường điện trong bối cảnh các hộ gia đình và công ty phải đối mặt với giá điện cao và biến động lớn trên thị trường”.

Tuy nhiên, bà von der Layen nhấn mạnh rằng việc chuyển hướng tạm thời sang nhiên liệu hóa thạch sẽ không ảnh hưởng đến các kế hoạch năng lượng xanh dài hạn của EU, cũng như sự hỗ trợ của EU đối với các khu vực khác trên thế giới trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Yếu tố tác động đến “Thỏa thuận xanh”

Theo ông Sameer Kumar, Phó Giáo sư tại Viện Á-Âu thuộc Đại học Malaya, sự quan tâm của châu Âu đối với năng lượng không tái tạo của Đông Nam Á sẽ không làm suy yếu các cam kết về môi trường của EU chừng nào việc sử dụng than chỉ là tạm thời.

Ông nói thêm: “Mặc dù thực tế việc sử dụng than đá có thể bù đắp khoảng trống năng lượng hiện tại, nhưng tôi tin rằng EU sẽ đẩy nhanh cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng tốc đầu tư vào các công nghệ sạch.

Mặc dù vậy bà Shada Islam, một nhà phân tích độc lập về quan hệ châu Âu và châu Á, cho biết: “Việc các nhà lãnh đạo EU nói rằng nỗ lực của họ nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, để thúc đẩy Thỏa thuận Xanh, trên thực tế lại đáng buồn, ít nhất là trong ngắn hạn”. Theo bà, trong khi các nước EU đang giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, việc tiêu thụ than đá và LNG ngày càng tăng của họ là “một bước lùi đối với sự tín nhiệm của Thỏa thuận Xanh và là đòn giáng vào việc EU tự nhận mình là nhà vô địch khí hậu toàn cầu”.

Bà Islam cho rằng: “Các nước EU đang tranh giành để thay thế năng lượng của Nga bằng việc tăng cường nhập khẩu từ châu Á và châu Phi trong khi yêu cầu các tổ chức tài chính, như Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), ngừng cấp vốn cho các dự án phát triển khí đốt ở nước ngoài, đã dẫn đến những cáo buộc về tiêu chuẩn kép”.

Yếu tố khiến giá năng lượng tại thị trường Á-Phi tăng cao

EIB Global, một bộ phận của EIB, đã khai trương văn phòng đại diện khu vực tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương ở Jakarta, báo hiệu một làn sóng đầu tư mới vào khu vực. Theo ông Kris Peeters, Phó Chủ tịch EIB, đồng thời là người đứng đầu các hoạt động ở khu vực Đông Nam Á, cho biết: “Văn phòng EIB sẽ góp phần thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới, trị giá nhiều triệu USD vào các dự án giúp khu vực giải quyết các nhu cầu đầu tư cấp bách nhất, tất cả theo hướng xanh và bền vững”.

Ông nói: “Chúng tôi muốn khẳng định mình là đối tác tin cậy của Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đồng thời giúp khu vực tăng trưởng và phát triển theo hướng xanh, bền vững và nâng cao vị thế, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu...”.

Trong bối cảnh các nước châu Âu chuyển hướng sang các nguồn cung năng lượng thay thế ở Đông Nam Á, có những lo ngại rằng các quốc gia châu Á và châu Phi khác sẽ bị đội giá cao hơn và buộc phải nhanh chóng tăng chi tiêu nhà nước để có thể đủ chi phí cho LNG hoặc than cao hơn.

Ông Islam nhận định: “Các nước châu Âu đang trả giá cao hơn các nước khác để có quyền tiếp cận với LNG, do đó sẽ loại bớt khách hàng từ các nước châu Á như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh”. Tuy nhiên, một hậu quả không mong muốn của điều này là không khích lệ các nước Đông Nam Á thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của họ./

Phương Hoa (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tac-dong-tu-ke-hoach-nang-luong-moi-cua-eu-doi-voi-dong-nam-a/261415.html