Tái diễn 'ép' học sinh không thi vào lớp 10: Khi giáo dục 'phi giáo dục'!

Kỳ thi lớp 10 năm nay diễn ra ngày 5 - 6/6 (hệ chuyên thi thêm ngày 8/6). Hơn 53.000 học sinh đăng ký thi, tăng 7.000 so với năm ngoái và đông nhất 10 năm qua. Ngành giáo dục dự kiến khoảng 10.000 em không có chỗ vào công lập. Liên tiếp những ngày đầu tháng 5, một số trường THCS tổ chức thực hiện chưa tốt, gây dư luận về nội dung 'ngăn cản' học sinh đăng ký thi lớp 10 THPT công lập, Sở GD&ĐT các địa phương yêu cầu chấn chỉnh.

Dù không phải là câu chuyện mới nhưng cứ đến thời điểm các địa phương tổ chức kỳ thi vào 10 THPT công lập, tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 lại gây tranh cãi, lùm xùm. Dư luận xã hội cũng như các chuyên gia cho rằng, thay vì đi tìm lời giải căn cốt cho câu chuyện quá tải thi vào THPT, nhiều trường nhiều địa phương đang chọn cách xử lý rất phi giáo dục, đi ngược với giá trị cốt lõi của ngành giáo dục.

Tái diễn ở nhiều địa phương

Vài ngày nay, lá đơn xin không thi lớp 10 công lập của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) và việc không cho học sinh học lực chưa tốt tham gia lớp ôn thi lớp 10 tại Trường THCS Nghi Quang, THCS Tiến Thiết (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) gây xôn xao dư luận.

Cụ thể: Sáng 11/5, lá đơn xin “không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” do Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) phát hành được lan truyền trên mạng xã hội. Nội dung đơn xin ban giám hiệu nhà trường cho phép con không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và cam kết không khiếu nại. Theo lời người đăng tin, mẫu đơn được giáo viên chủ nhiệm phát cho học sinh, yêu cầu đưa phụ huynh ký với lý do học sinh có học lực kém nên phải tự nguyện cam kết không thi lớp 10.

Lên tiếng về sự việc, Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn cho hay, ngành giáo dục không yêu cầu các trường vận động, ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập. Sau vụ việc này, yêu cầu nhà trường tư vấn tuyển sinh cho học sinh đúng tinh thần chỉ đạo, Phòng GD&ĐT huyện đã họp nhắc nhở, kiểm điểm các cá nhân có liên quan để rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

Trước đó, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) phản ánh, hơn 1 tuần qua con của họ không được đi ôn thi lên lớp 10. Lý do, nhà trường vừa tổ chức 2 đợt khảo sát môn toán, văn, ngoại ngữ. Những em nào đợt 1 tổng 3 môn 15 điểm; đợt 2 tổng 12 điểm mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn nộp hồ sơ trường tư hoặc dạy nghề. Phụ huynh của những học sinh không được đi ôn thi đã đến trường xin cho con đi ôn nhưng đều bị từ chối.

Để kịp thời xử lý sự việc trên, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo Phòng GD&ĐT thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Học sinh từ lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Các Phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn tất cả các trường THCS trực thuộc thực hiện việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9; hướng dẫn đầy đủ việc đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT; các trường hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong việc đăng ký, làm hồ sơ, tuyệt đối không được ngăn cấm học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10.

Sở GD&ĐT Nghệ An cũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các đơn vị trực thuộc, nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức xử lý nghiêm.

Mới đây, một số học sinh lớp 9 tại trường THCS An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được nhà trường yêu cầu viết đơn theo mẫu về việc xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Lý do được đưa ra là sức học của các học sinh này không được tốt.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hà - Hiệu trưởng Trường THCS An Thượng, cho hay, sau khi nhận được thông tin, trường đã triệu tập tất cả các giáo viên chủ nhiệm của 8 lớp khối 9 năm học 2023 - 2024 để xác minh. Qua đó hoàn toàn không có chuyện giáo viên vận động hoặc yêu cầu học sinh làm đơn xin không thi vào lớp 10.

“Các giáo viên đều cam kết không có việc bắt buộc học sinh phải làm đơn xin không thi vào lớp 10. Còn việc tư vấn cho học sinh là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên. Có thể do phụ huynh chưa hiểu rõ vấn đề hoặc do giáo viên nào đó trong quá trình truyền tải khiến phụ huynh chưa hiểu hay hiểu nhầm, hoàn toàn không có chuyện nhà trường bắt buộc”.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu các trường THCS trên địa bàn tuyệt đối không vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo (nếu có). Các Phòng GD&ĐT có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm đối với việc này.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, thi vào lớp 10 THPT công lập là quyền lợi hợp pháp của học sinh. “Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi lớp 10 công lập của các em”, ông nêu rõ và đề nghị Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã nêu cao tinh thần tôn trọng quyền lợi của học sinh, tạo điều kiện để các em đăng ký thi lớp 10 công lập nếu có nguyện vọng.

Hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp đóng vai trò quan trọng trong việc phân luồng sau bậc THCS. Thế nhưng, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi vào lớp 10 công lập rất mong manh.

Đầu tháng 6/2024, các tỉnh thành sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,... kỳ thi này được ví là căng thẳng hơn thi đại học do hệ thống trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP. Hà Nội về công tác tuyển sinh đầu cấp, năm học 2023 - 2024 có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 (tăng khoảng 4.000 so với năm học trước). Trong đó, hơn 110.000 em đã đăng ký thi vào lớp 10 công lập, số còn lại không đăng ký dự thi khoảng 23.000 học sinh (chiếm 17%).

Hằng năm, khi số liệu này được công bố, dư luận lại dậy sóng về câu chuyện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Một số phụ huynh phản ánh tình trạng giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh có kết quả học tập chưa cao không đăng ký thi lớp 10, nhằm đảm bảo tỷ lệ đỗ cao - đạt thành tích tốt.

Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng, có nhiều lý do để học sinh lựa chọn không thi vào lớp 10 công lập.

“Trên địa bàn TP. Hà Nội có rất nhiều trường dân lập, tư thục, các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên có thể trở thành lựa chọn của các bậc phụ huynh và học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường trong nhóm này ngày càng nâng cao, học sinh cũng không cần vất vả ôn tập. Đó là một trong những lý do nhiều học sinh lựa chọn không đăng ký thi” - TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh. Vì vậy, giáo viên và nhà trường phải “tròn vai” trong công tác hướng nghiệp quan trọng này.

“Học sinh có quyền lựa chọn thi vào trường THPT theo ý thích của bản thân cho dù học lực ở mức trung bình hay yếu kém. Nhà trường và giáo viên chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, đưa ra lời khuyên cho học sinh và phụ huynh để họ hiểu lớp 10 công lập không phải là con đường duy nhất. Chúng ta không được đánh đồng phân luồng học sinh sau THCS thành câu chuyện ép thí sinh không được dự thi” - TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Phân luồng học sinh sau THCS là bài toán khó, nếu thực hiện có hiệu quả sẽ giúp giảm đáng kể áp lực thi vào 10 của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Để làm được điều này, công tác hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.

Phân luồng học sinh sau THCS là định hướng phân bổ tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội. Hiện nay các trường THCS trên cả nước đã và đang đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau THCS.

Cần sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT

Không phải đến bây giờ, việc các trường ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập mới được nhắc tới, gây xôn xao dư luận mà đến hẹn lại lên, vào thời điểm kỳ thi vào lớp 10 của các địa phương chuẩn bị diễn ra, câu chuyện này lại được xới xáo, gây tranh cãi.

Phụ huynh, có người yếu thế thì sợ nếu phản ứng thì con sẽ khổ, sẽ bị thiệt thòi. Còn nhà trường, hay rộng hơn là ngành giáo dục tất nhiên sẽ phủ nhận tình trạng này.

Cùng thời điểm này trong 2 năm liên tiếp 2022, 2023, tại Hà Nội cũng xôn xao hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Trước phản ánh của dư luận, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh. Nếu cô giáo ứng xử không khéo léo có thể khiến phụ huynh học sinh hiểu nhầm, dẫn đến câu chuyện đáng tiếc. Tuy nhiên, cần xem xét ở từng tình huống cụ thể, xác minh từ nhiều phía, không nên nghe phản ánh một chiều.

Dù Bộ GD&ĐT rồi Sở GD&ĐT các địa phương hầu như năm nào cũng có nhiều văn bản, chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập nhưng nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc và đặt câu hỏi về tác dụng cũng như sức nặng của các văn bản chỉ đạo này khi những sự việc phi lý như trên liên tục tái diễn từ năm này qua năm khác, nguyên nhân do đâu?

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật.

Nhìn vào vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam thẳng thắn: Hiện tượng vận động học sinh không thi lớp 10 công lập có nguyên nhân trực tiếp do các trường sợ mất thành tích phấn đấu suốt cả năm học cũng như lo ảnh hưởng danh tiếng của trường.

Hàng năm, dễ dàng bắt gặp ở cuộc họp, khi điểm về thành tích các trường THCS đều nhấn mạnh kết quả, điểm thi vào lớp 10 công lập, tỷ lệ đỗ lớp 10 công lập, thứ hạng điểm thi chia theo từng môn…. và coi đó mới là kết quả giáo dục thực chất. Từ đây, các trường đua nhau phấn đấu, tìm mọi cách phân luồng, tư vấn để loại học sinh yếu, kém tham dự kỳ thi lớp 10.

Góp ý về giải pháp loại bỏ hiện tượng trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trước hết, các tỉnh, thành cũng như các Sở GD&ĐT nên bỏ hẳn hoặc không nhắc đến kết quả đỗ lớp 10 công lập và điểm thi lớp 10 của các nhà trường trong báo cáo hay trong các cuộc họp.

Điều quan trọng và cốt lõi, đó là phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật. Từng nhà trường phải phân công giáo viên theo sát học sinh, rà soát, phân loại học sinh theo từng năm học và có chương trình kèm cặp học sinh yếu kém ngay từ lớp đầu cấp chứ không thả lỏng, dồn đến lớp 9 mới phân loại, ôn tập liên miên như hiện nay.

Cùng với đó là xem xét lại quy trình xếp loại học tập và rèn luyện từng năm học; với những học sinh không cố gắng, thiếu ý thức, có biện pháp giúp đỡ nhưng không tiến bộ thì cho lưu ban để tiếp tục củng cố, rèn luyện. Nếu từng năm học làm chuẩn thì việc xét tốt nghiệp THCS cũng cho kết quả chuẩn; không còn hiện tượng điểm học bạ cao nhưng lại không đủ năng lực đi thi.

Trong việc này, Bộ GD&ĐT cũng cần vào cuộc, trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà trường... để định hình tiêu chuẩn đánh giá mới; đó là ngoài văn hóa thì các mặt năng lực khác của học sinh cũng phải được ghi nhận nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả các em.

“Cương quyết chống bệnh thành tích song hành với dạy thật - học thật - kiểm tra đánh giá thật và hình thành tiêu chuẩn đánh giá học sinh toàn diện thì sẽ không còn xảy ra tình trạng vận động học sinh không thi lớp 10” - TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-dien-ep-hoc-sinh-khong-thi-vao-lop-10-khi-giao-duc-phi-giao-duc-post295667.html