Tài liệu lưu trữ về Chiến dịch Điện Biên Phủ: Những trang sử thiêng liêng, sống mãi cùng thời gian

Gần 200 tài liệu lưu trữ gốc quý hiếm về Chiến dịch Điện Biên Phủ được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III công bố dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ký ức thiêng liêng vẫn còn mãi

Gần 200 tài liệu lưu trữ gốc đặc biệt quý hiếm về Chiến dịch Điện Biên Phủ tới công chúng nằm trong khoảng hàng nghìn tài liệu lưu trữ để công chúng có điều kiện tiếp cận và giới thiệu nguồn tài liệu lưu trữ mà Nhà nước đang quản lý; đồng thời, đã mang đến cơ hội quý giá để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế có thêm hình dung sâu sắc và chân thực về sự kiện lừng lẫy cách nay đã tròn 7 thập kỷ.

Một góc trưng bày khối tài liệu lưu trữ quốc gia về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thanh Nguyên

Cùng với những tài liệu phản ánh trực tiếp về quá trình chuẩn bị, diễn biến của chiến dịch còn là khối tài liệu phản ánh về dư luận và tình cảm bạn bè quốc tế về Chiến dịch Điện Biên Phủ; công tác hậu cần chiến dịch, chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các thương bệnh binh và các hàng binh; tinh thần lạc quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch…

Đặc biệt, khối tài liệu phản ánh về sự lãnh đạo tài tình, những quyết sách chiến lược nhạy bén của Đảng và Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam, về sức mạnh đoàn kết đồng lòng của toàn dân, toàn quân quyết chiến quyết thắng trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc; về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy chiến dịch.

Những hình ảnh quý hiếm, giá trị về Chiến dịch Điện Biên Phủ được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III công bố tới công chúng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa ở Điện Biên Phủ

Qua các tài liệu lưu trữ giá trị, công chúng như được sống lại những thời khắc có một không hai của lịch sử dân tộc, đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953; những đoàn xe thồ chở lương thực nối đuôi nhau ra mặt trận; hình ảnh chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ; hình ảnh bộ đội rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tuần hành trên những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm, giữa những tiếng hoan hô vang dậy của quân dân Điện Biên Phủ năm 1954; hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm lễ trao Cờ quyết chiến, quyết thắng cho những đơn vị có nhiều thành tích nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ…

Khoảnh khắc không thể nào quên

Tại buổi công bố của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, xúc động nhìn lại những khoảnh khắc không thể nào quên qua những tài liệu lưu trữ vô giá về Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Bội Giong, nhân chứng lịch sử đã trải qua những tháng ngày gian khó trong trận chiến lịch sử chia sẻ: Chiến thắng lịch sử đã lùi xa 70 năm nhưng ký ức thiêng liêng vẫn còn mãi với dân tộc, đặc biệt với những nhân chứng lịch sử, những tháng ngày gian khó nhưng rất đỗi tự hào đó không thể nào quên.

Ông hy vọng, những tài liệu lưu trữ về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang được bảo quản và phát huy giá trị, lan tỏa ý nghĩa để chuyển tải thông điệp tự hào, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nhấn mạnh, tài liệu lưu trữ gốc là tài liệu có giá trị nhất để trở về với sự kiện lịch sử, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định, giá trị của khối tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là minh chứng hết sức quan trọng, góp phần phục vụ nghiên cứu khoa học về các sự kiện lịch sử, quân sự, ngoại giao và về lịch sử dân tộc Việt Nam.

Theo bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, có rất nhiều tài liệu lưu trữ quan trọng về Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng trong quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ có cả sự tham gia của phía quân đội Pháp. Vì vậy, cơ quan lưu trữ đã hợp tác và đã được các bạn lưu trữ ở các nước như: Pháp, Nga chia sẻ và gửi tài liệu liên quan đến sự kiện, qua đó để chúng ta khi đánh giá một sự kiện sẽ thấy được rất nhiều chiều.

Đại tá Trần Hồng là nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp nhiều nhất, đẹp nhất, thần thái nhất những hình ảnh, khoảng khắc đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của dân tộc.

Vào năm 2022 ông đã đã trao tặng 111 bức ảnh chân dung và ảnh hoạt động đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian từ năm 1986 đến năm 2018 cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tiêu biểu trong số này là bức ảnh “Nhớ Bác” chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cạnh bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; ảnh Tổng thống nước Cộng hòa Venezuela thăm và tặng Đại tướng phiên bản thanh bảo kiếm quý hiếm; ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ngồi thiền...

Trong dịp công bố các tư liệu, hình ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ ảnh của ông được trưng bày, giới thiệu một cách rất trang trọng.

Chia sẻ về các hình ảnh, tư liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III công bố, Đại tá Trần Hồng bày tỏ rất ấn tượng, tự hào. Ông bày tỏ niềm vinh dự khi đã có 24 năm theo dấu chân Đại tướng và ghi lại những khoảnh khắc về Đại tướng để trao truyền, lưu lại cho các thế hệ mai sau.

"Chúng tôi rất yên tâm khi gửi gắm các tác phẩm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, bởi đây là cơ quan có hệ thống bảo quản an toàn, phát huy giá trị một cách hiệu quả đối với việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng – Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam"- Đại tá Trần Hồng nói.

"Trung tâm Lưu trữ quốc gia III có tiêu chí tài liệu lưu trữ là tài liệu vĩnh viễn và chỉ tài liệu có giá trị quốc gia rất đặc biệt thì mới lưu trữ. Theo đó, mỗi tài liệu khi đưa vào lưu trữ quốc gia đã có giá trị rất đặc biệt rồi và hoàn toàn có thể làm hồ sơ đề cử bảo vật quốc gia" - bà Trần Việt Hoa chia sẻ.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tai-lieu-luu-tru-ve-chien-dich-dien-bien-phu-nhung-trang-su-thieng-lieng-song-mai-cung-thoi-gian-318447.html