Tài sản Nga bị phong tỏa: 'Số phận' đã được định đoạt, EU mở đường về pháp lý lấy tiền Moscow tái thiết Ukraine, IMF nói gì?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ukraine Iryna Mudra ngày 13/2 xác nhận Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quyết định quan trọng, qua đó mở đường cho việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ quá trình phục hồi của Ukraine.

Tài sản Nga bị phong tỏa: 'Số phận' đã được định đoạt, EU mở đường về pháp lý lấy tiền Moscow tái thiết Ukraine, IMF nói gì? (Nguồn: Getty Images)

Tài sản Nga bị phong tỏa: 'Số phận' đã được định đoạt, EU mở đường về pháp lý lấy tiền Moscow tái thiết Ukraine, IMF nói gì? (Nguồn: Getty Images)

Quan chức Ukraine ghi nhận hiện có khoảng 260 tỷ Euro (khoảng 280 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị đóng băng trong những khu vực pháp lý của các đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia và hơn 2/3 trong đó nằm tại EU.

“Quyết định hôm nay, phù hợp với quan điểm của G7, giúp làm rõ tình trạng pháp lý của các khoản thu do các cơ quan lưu ký chứng khoán trung ương (CSD) tạo ra liên quan đến việc thu giữ tài sản bị phong tỏa của Nga và đặt ra các quy tắc rõ ràng cho các đơn vị quản lý chúng”, EU cho biết hôm 12/2 sau khi EU thông qua một luật mới dành riêng cho khối tài sản bị phong tỏa của CBR.

Ông Mudra đánh giá: “Quyết định của Hội đồng EU làm sáng tỏ tình trạng pháp lý của thu nhập từ việc sử dụng tài sản của Nga. Quyết định này mở ra cơ hội sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine”.

Theo quyết định trên, các kho lưu trữ tài sản của CBR trị giá hơn 1 triệu Euro (khoảng 1,1 triệu USD) sẽ phải hạch toán riêng số dư tích lũy do các biện pháp hạn chế của EU và cũng phải giữ riêng thu nhập liên quan. Đối với những rủi ro và chi phí liên quan đến công tác lưu giữ tài sản và dự trữ của CBR, các tổ chức lưu ký chứng khoán trung ương có thể nộp đơn lên cơ quan giám sát để xin phép giải ngân một phần lợi nhuận ròng này, tùy thuộc vào việc tuân thủ các quy định vốn ủy quyền và rủi ro.

Ngoài ra, quyết định của Hội đồng EU cũng ấn định các khoản đóng góp tài chính cho ngân sách của khối thu được từ lợi nhuận trong quá trình sử dụng tài sản của Nga, sẽ được dùng để hỗ trợ Ukraine cũng như quá trình phục hồi và tái thiết của nước này.

Như vậy, sau khi đồng ý phân bổ 50 tỷ Euro (53,89 tỷ USD) viện trợ cho Kiev, việc EU thông qua luật mới, ước tính sẽ mang về thêm khoảng 15 tỷ Euro (16,17 tỷ USD) lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa cho Ukraine trong 4 năm tới.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vui mừng hoan nghênh thông báo này. "Chúng tôi hoan nghênh các bước đi tiếp theo để hiện thực hóa việc sử dụng nguồn tài chính trên vì lợi ích của Ukraine", ông Kuleba viết trên mạng xã hội X.

Trước đó, ngày 12/2, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ra cảnh báo, bất kỳ quyết định nào về việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga đều phải có các chứng cớ pháp lý đầy đủ để tránh rủi ro trong tương lai. Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Foreign Policy, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, bà Gita Gopinath cho biết, quyết định làm gì với những tài sản bị phong tỏa của Nga chỉ thuộc về các nước đang nắm giữ chúng. Bà Gopinath từ chối đưa ra ý kiến về cách sử dụng các tài sản của Nga.

Theo quan chức này, IMF sẽ đánh giá tác động của bất kỳ quyết định nào được đưa ra đối với các nước thành viên, gồm cả Nga, và kinh tế toàn cầu song sẽ không tham gia vào các quyết định.

Điện Kremlin hiện chưa lên tiếng về các thông tin trên, tuy nhiên, Moscow từng khẳng định không bao giờ để yên cho bất kỳ nước nào tịch thu tài sản của họ. Bất kỳ nỗ lực nào sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine đều bị coi là bất hợp pháp và sẽ dẫn tới các cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm. Và không chỉ có vậy, Nga cũng sẽ thông qua các biện pháp trả đũa khác nếu điều đó xảy ra.

(theo Reuters)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-san-nga-bi-phong-toa-so-phan-da-duoc-dinh-doat-eu-mo-duong-ve-phap-ly-lay-tien-moscow-tai-thiet-ukraine-imf-noi-gi-260824.html