Tại sao vàng đấu thầu bị ế?

Sau hàng loạt biến động nóng, giá vàng tăng phi mã, nguồn cung vàng bị thu hẹp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định đấu thầu vàng. Nhưng kết quả là vàng đấu thầu bị ế, các doanh nghiệp không mặn mà tham gia đấu thầu vàng. Vì sao lại như vậy?

Sau phiên đấu thầu đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng vẫn chưa “lặng sóng”. Ảnh: Quang Vinh.

Hủy phiên đấu thầu vàng sáng 25/4

NHNN cho biết đã hủy đấu thầu phiên đấu thầu vàng sáng 25/4 do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Trước đó, để chuẩn bị cho phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng ngày 25/4, NHNN thông báo giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng, khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.

Để trở thành thành viên đấu thầu, doanh nghiệp (DN) phải đặt cọc tỷ lệ 10% khi tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô, tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng.

NHNN cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố. NHNN tổ chức đấu thầu tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (TP Hà Nội). Địa điểm giao nhận vàng tại Chi cục phát hành và kho quỹ - NHNN, tại TPHCM.

Trở lại với câu chuyện đấu thầu vàng, vào ngày 23/4 NHNN đã tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên và chỉ có 2 DN tham gia mua vàng với khối lượng rất ít là 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng vàng NHNN muốn đưa ra.

Từ kết quả phiên đấu thầu vàng ngày 23/4 đạt thấp cũng như việc phải hủy bỏ phiên đấu thầu vàng vào ngày 25/4, có thể thấy rằng, các kỳ vọng cũng như mục tiêu đưa ra từ việc đấu thầu vàng là chưa như mong muốn.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao.

Ông Long cho biết, theo thời giá thị trường, giá vàng SJC ở mức 81 triệu đồng/lượng, tương đương số vốn bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng. Hiện Việt Nam có 38 đơn vị kinh doanh vàng, rất ít DN có đủ tiềm lực với số tiền đó bỏ ra để đấu thầu. Trên thực tế, chỉ có các ngân hàng thương mại có đủ nguồn lực về tài chính tham gia. Như vậy, điều kiện tham gia chưa công bằng, bình đẳng với các DN vừa và nhỏ, chỉ có lợi cho các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, một số thông tin được đưa ra khiến cho DN thấy NHNN luôn ở thế thắng. Chẳng hạn như, sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng, NHNN được quyền hủy kết quả, như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn. Chưa kể, qua thông tin được phát ra thì không biết nếu trúng thầu vàng thì sau bao lâu NHNN giao vàng cho DN. Bản thân khi tham gia đấu thầu mức giá trên 80 triệu đồng/ lượng, vậy trong thời gian chờ vàng về, giá vàng sẽ biến động ra sao? Nhận vàng về DN còn phân bổ cho các đầu mối, rồi mới đưa ra kinh doanh. Như vậy, DN nhận thấy biên độ rủi ro rất lớn, do đó hầu như DN không mặn mà với đấu thầu vàng.

Cần thay đổi gì trong công tác đấu thầu vàng?

Theo các chuyên gia kinh tế, NHNN cần điều chỉnh giảm mạnh lượng vàng yêu cầu mua tối thiểu để gọi được nhiều DN tham gia thầu.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thì sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn, chứ yêu cầu đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng là quá khó.

Liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp tục yêu cầu NHNN thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý mặt hàng vàng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Dữ liệu cập nhật tại thời điểm 9 giờ 30 phút ngày 25/4, giá vàng DOJI tại Hà Nội và TPHCM niêm yết ở mức 81,5 triệu đồng/lượng mua vào và 83,7 triệu đồng/lượng bán ra, giảm lần lượt 500.000 đồng và 300.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua vào-bán ra ở mức 2,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC niêm yết mua vào - bán ra ở mức 81,5 - 83,8 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 1 triệu đồng và 700.000 đồng so kết phiên hôm qua. Chênh lệch mua vào - bán ra 2,3 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng miếng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 11-12 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 hiện giao dịch mua vào 73 triệu đồng/lượng, bán ra 74,8 triệu đồng/lượng. Vàng PNJ mua vào ở mức 73 triệu đồng/lượng và bán ra mức 74,7 triệu đồng/lượng, không đổi so với kết phiên trước đó.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tai-sao-vang-dau-thau-bi-e-10278551.html