Tâm tình lính kỹ thuật

Trung tá Nguyễn Trọng Tiến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Sửa chữa tổng hợp 879, Cục Kỹ thuật Quân đoàn 1, tâm sự với tôi rằng, lính kỹ thuật rất khô khan vì suốt ngày hàn xì, phay, tiện; luôn làm bạn với tiếng ồn, với sơn, dầu, mỡ và hóa chất độc hại... chẳng có gì để viết. Khi tận thấy công việc của những người lính kỹ thuật, tôi đã tìm được căn nguyên tại sao họ yêu nghề, say nghề cho dù vất vả, cho dù không nói ra. Và đó là những chất liệu quý để tôi viết về họ...

Hơn 10 giờ, chúng tôi có mặt tại một phân xưởng của Tiểu đoàn Sửa chữa tổng hợp 879 (Tiểu đoàn 879). Lúc này, trong nhà xưởng, tiếng máy phay, tiện, máy mài hòa trộn với tiếng quạt công nghiệp xé gió cùng những tiếng búa gõ lúc dồn dập, lúc thong thả, rất nhộn nhịp, sôi động. Nhìn ánh hồ quang điện của thợ hàn lóe sáng với muôn vàn tia lửa bắn ra rất bắt mắt, tôi chợt liên tưởng tới những âm thanh sống động trong một bản hòa tấu vui nhộn kết hợp với các hiệu ứng ánh sáng đầy màu sắc từng được xem ở đâu đó. Cuối năm, công việc của những người lính thợ ở đây dường như nhiều hơn, khiến họ đã bận nay càng bận hơn, và vì thế mà cường độ lao động của họ rất cao.

Khó khăn lắm tôi mới kéo được người "nhàn nhất" ra khỏi gầm chiếc xe ô tô tải trong nhà xưởng. Đại úy QNCN Phạm Tất Tuyên, thợ sửa chữa xe-máy, một người có thâm niên công tác gần 20 năm, chia sẻ với tôi rằng, về tính chất, nghề sửa chữa xe-máy, vũ khí, trang bị kỹ thuật giống như một bác sĩ chữa bệnh cứu người, phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Đầu tiên là phải khám tổng thể và chi tiết xem nó hỏng ở đâu. Chỗ nào hỏng nặng, chỗ nào hỏng nhẹ, từ đó đề xuất phương án sửa chữa. Có thể là sửa chữa chi tiết, cụm chi tiết hoặc cũng có thể là thay thế bằng vật tư mới. Tiếp đó, phải xây dựng tiến độ để có cơ sở bố trí lực lượng, tập trung nhân lực thực hiện.

 Chỉ huy Cục Kỹ thuật (Quân đoàn 1) kiểm tra học viên thực hành kỹ năng nghề năm 2023 tại Tiểu đoàn Sửa chữa tổng hợp 879, tháng 6-2023. Ảnh: HÙNG HÀ

Chỉ huy Cục Kỹ thuật (Quân đoàn 1) kiểm tra học viên thực hành kỹ năng nghề năm 2023 tại Tiểu đoàn Sửa chữa tổng hợp 879, tháng 6-2023. Ảnh: HÙNG HÀ

Sau này, khi đã có nhiều thông tin hơn về công việc thường nhật của họ, tôi mới thấy cách ví von qua lời tâm tình của Phạm Tất Tuyên rất có lý. Ở đây, người thợ sửa chữa giống như những bác sĩ ở các bệnh viện tuyến cơ sở. Họ chỉ sửa chữa vừa và nhỏ nhưng rất quan trọng. Nếu như ở các lữ đoàn tăng, pháo, người thợ ở các xưởng chỉ tập trung vào bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ cho khí tài đặc chủng có trong biên chế, thì người thợ ở Tiểu đoàn 879 làm tất cả. Ngoài khí tài đặc chủng, họ còn tập trung vào sửa chữa vừa và nhỏ cả các loại vũ khí bộ binh, các loại cối, pháo và hỏa lực đi cùng. Điều đặc biệt là, trải qua thời gian sử dụng, các loại vũ khí ấy bị xuống cấp, thậm chí hư hỏng cho dù đã được chăm sóc kỹ càng hơn cả chăm con nhỏ. Có những trường hợp hỏng rất đặc trưng, nhưng có những trường hợp hỏng khác biệt mà phải đưa đến tay những người thợ của Tiểu đoàn 879 mới có thể phát hiện và sửa chữa đồng bộ. Có lẽ, kết quả công việc sau những giờ lao động miệt mài khắc phục hư hỏng của vũ khí, xe-máy... đã cho họ sự say mê, kích thích óc sáng tạo. Và, dù công việc có tính chất khô khan, lấm lem dầu mỡ nhưng họ vẫn tìm thấy đam mê, hạnh phúc riêng, cho dù khó nói thành lời. Đó là sức sống, sự hoạt động trơn tru của khí tài, xe-máy. Điều này lý giải vì sao, trong thời gian không dài, Tổ 2-tổ thợ xung kích, mũi nhọn, thuộc Đại đội Sửa chữa xe máy của Tiểu đoàn 879 đã hoàn thành sửa chữa lớn 4 xe; sửa chữa 3 xe máy chuẩn bị cho thi xe tốt toàn quân.

Hoạt động ở dưới đơn vị sôi động là vậy, ở trên cơ quan, tinh thần làm việc cũng khẩn trương không kém. Dù là công việc chuyên môn liên quan nhiều đến giấy tờ, kế hoạch, thống kê và không có tiếng động ồn ào như trong xưởng, nhưng có việc yêu cầu cao hơn rất nhiều.

Tôi về nhận công tác tại Cục Kỹ thuật Quân đoàn 1 được gần hai năm. Còn nhớ hôm nhận nhiệm vụ, sau khi sơ qua về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Cục Kỹ thuật, Đại tá Nguyễn Tuấn Hải, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân đoàn, thông tin với tôi rằng, Cục có tới 6 nhiệm vụ quan trọng, trong đó công tác bảo đảm kỹ thuật cho trang bị được coi là trung tâm. Hằng năm, Cục Kỹ thuật tham mưu với Bộ tư lệnh Quân đoàn triển khai thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ, niêm cất trang bị kỹ thuật; làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), duy trì nhóm trang bị kỹ thuật trực SSCĐ có hệ số kỹ thuật cao nhất. Đây là những công việc đòi hỏi quyết tâm cao trong điều kiện trình độ, tay nghề thợ kỹ thuật còn có mặt hạn chế và trang bị kỹ thuật thế hệ cũ, đã xuống cấp và khan hiếm vật tư thay thế. Đại tá Nguyễn Tuấn Hải yêu cầu tôi cần nhanh chóng ổn định công việc, kịp thời nắm bắt tình hình đơn vị và tổ chức tốt việc thi đua xây dựng chính quy ngành kỹ thuật; động viên tinh thần để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động 50 trong toàn Cục và các cơ quan, đơn vị trong Quân đoàn 1.

Khi bước vào công việc, tôi mới thấm giá trị của thời gian. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy hết buổi trưa trong khi công việc vẫn còn ngổn ngang, chưa xử lý được bao nhiêu. Thi đua với anh em trong cơ quan, nhiều hôm tôi làm thêm đến tận khuya mới đạt tiến độ. Khi tìm hiểu qua đồng đội, thấy việc làm thêm đó là hết sức bình thường. Nhiều đồng chí cán bộ làm thêm giờ và sáng ra lại lên xe di chuyển hơn 150km để đến đơn vị kiểm tra. Cuối năm, các đơn vị diễn tập nhiều, các trợ lý trên cơ quan, các tổ thợ sửa chữa vũ khí, khí tài của Tiểu đoàn 879 vừa làm nhiệm vụ tại xưởng lại vừa phải sẵn sàng cơ động, phối hợp với các đơn vị bảo đảm kỹ thuật trong diễn tập đạt kết quả tốt. Những người lính thợ cũng như một quân nhân của đơn vị, cũng ba lô gọn gàng, cũng hành quân bộ mấy chục cây số, cũng phải đào hào, hầm trú ẩn và tham gia trực tiếp vào các tình huống tác chiến. Trong quý III vừa rồi, ngoài công việc chuyên môn thường nhật, toàn Cục đã tập trung lực lượng thống kê, chuẩn bị phương tiện kỹ thuật để bàn giao Lữ đoàn Xe tăng 202 về Binh chủng Tăng thiết giáp. Đó là những ngày công tác sôi động nhất. Các phòng làm việc luôn cửa đóng then cài bởi gần như lực lượng, thành phần liên quan đều đi cơ sở hoặc xuống Lữ đoàn Xe tăng 202.

Có lần gặp Đại tá Nguyễn Tuấn Hải vào cuối giờ làm việc buổi chiều, sau khi nghe tôi đề xuất giải quyết một số việc, anh trải lòng, trong các cuộc chiến gần đây trên thế giới, vũ khí công nghệ cao được sử dụng rất nhiều. Điều này cho thấy, để hoàn thành mục tiêu huấn luyện, SSCĐ, công tác bảo đảm kỹ thuật phải đi trước một bước, trong đó cần tập trung nâng cao sức mạnh cơ động và đáp ứng vũ khí, trang bị kỹ thuật cho cách đánh phù hợp.

Anh phân tích, việc cơ động phải bảo đảm nhanh, nhưng lại có tính phân tán, tránh tổn thất. Khi thời cơ đến có thể tập trung lực lượng, hỏa lực, phát động tấn công đối phương trên diện rộng, ở nhiều hướng mũi; kịp thời phối hợp, chi viện cho các đơn vị bạn, địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng các kho, khu bảo dưỡng kỹ thuật ở các căn cứ chiến đấu từ thời bình, phù hợp với kế hoạch phòng thủ quốc gia. Theo anh, công việc trước mắt của Cục hiện nay là cần tích cực nâng cao hơn nữa trình độ của các nhân viên chuyên môn, hướng vào nghiên cứu, cải tiến vũ khí trang bị kỹ thuật, khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có. Anh bảo tôi, cần sắp xếp công việc hợp lý, dành nhiều thời gian nhất để tìm hiểu, kiểm tra, nắm bắt, kịp thời động viên đơn vị để đạt mục đích ấy.

Thời nào cũng thế, lính kỹ thuật Quân đoàn 1 đâu có nhàn. Chúng tôi chẳng bao giờ hết việc. Có lẽ, chính công việc đã cho chúng tôi niềm vui và sự đam mê để cố gắng vượt lên!

Những năm qua, Cục Kỹ thuật Quân đoàn 1 đã tích cực tham gia các hội thi toàn quân; tổ chức có hiệu quả các hội thi kỹ thuật, như: Chính quy công tác kỹ thuật; Trưởng phòng Xe-Máy giỏi, lái xe an toàn; Trưởng ban Quân khí giỏi; Kho kỹ thuật... Từ năm 2020 đến nay, Cục tổ chức tập huấn cho 855 lượt cán bộ, 1.586 lượt nhân viên kỹ thuật với kết quả hơn 74% khá, giỏi; tổ chức và tham gia hội thi các cấp, giành 1 giải nhất thi Chủ nhiệm Kỹ thuật sư, lữ đoàn, 1 giải nhì thi kỹ thuật tăng thiết giáp toàn quân. Hiện nay, số thợ bậc cao của Cục Kỹ thuật đạt gần 20%, nhân viên kỹ thuật làm đúng chuyên môn đạt 85%; hằng năm, 100% cán bộ, nhân viên kỹ thuật luôn yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PHẠM NGỌC HIỆP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/tam-tinh-linh-ky-thuat-750506