Tân Tổng thống Bắc Macedonia phát biểu gây tranh cãi tại lễ nhậm chức
Bà Gordana Siljanovska-Davkova đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội hôm 12.5, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Bắc Macedonia. Tuy nhiên, ngay trong phát biểu nhậm chức, bà đã có những nhận định dẫn đến tranh cãi ngoại giao với nước láng giềng Hy Lạp.
Phát biểu trước Quốc hội nước này, thay vì gọi tên nước của mình là “Bắc Macedonia” theo Hiến pháp, bà Siljanovska-Davkova lại sử dụng tên gọi “Macedonia”, điều mà Hy Lạp vẫn phản đối. Sự kiện này đã khiến Đại sứ Hy Lạp Sophia Philippidou đang có mặt, ngay lập tức rời khỏi lễ nhậm chức. Bộ Ngoại giao Hy Lạp sau đó ra tuyên bố cho rằng hành động của tân Tổng thống đã vi phạm thỏa thuận năm 2018 giữa hai nước, gây nguy hiểm cho quan hệ song phương cũng như triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Bắc Macedonia.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ngầm trách cách lựa chọn từ ngữ thiếu chính xác của bà Siljanovska-Davkova. “Để Bắc Macedonia tiếp tục con đường gia nhập EU thành công, điều tối quan trọng là nước này phải tiếp tục thúc đẩy cải cách và tôn trọng đầy đủ các thỏa thuận đã ký kết, bao gồm cả Thỏa thuận Prespa”, bà der Leyen đăng trên nền tảng X, đề cập đến Thỏa thuận năm 2018 giữa Bắc Macedonia và Hy Lạp liên quan đến việc đổi tên nước thành Bắc Macedonia theo yêu cầu của Athens.
Vài giờ sau, nhà lãnh đạo châu Âu cũng gửi lời chúc mừng tới tân tổng thống: “Xin chúc mừng bà Gordana Siljanovska-Davkova đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Bắc Macedonia. Sự lãnh đạo của bà đến vào thời điểm quan trọng, khi đất nước đang tiến hành cải cách và tiếp tục trên con đường hướng tới EU. Tôi rất mong được làm việc với nhà lãnh đạo mới”.
Sau khi giành tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư cũ vào những năm 1990, ban đầu quốc gia này lấy tên gọi là Macedonia, điều đã khiến Hy Lạp phản ứng mạnh mẽ với lý do rằng Macedonia là tên của một tỉnh ở Hy Lạp, gắn liền với Vương quốc Macedonia thuộc Hy Lạp cổ đại. Chính quyền Athens quan ngại, việc nước láng giềng sử dụng tên gọi này có thể dẫn đến những tranh chấp về lãnh thổ.
Những tranh cãi đã được giải quyết sau khi hai nước đạt được Thỏa thuận Prespa vào năm 2018, theo đó Macedonia đồng ý đổi tên nước thành “Bắc Macedonia” được ghi nhận trong Hiến pháp, đổi lại, Hy Lạp dỡ bỏ những rào cản đối với tiến trình Bắc Macedonia gia nhập NATO và EU.
Thỏa thuận đó được Chính phủ Bắc Macedonia trung tả ký kết, đi ngược lại mong muốn của các đảng đối lập trung hữu mà tân Tổng thống Siljanovska-Davkova là thành viên. Trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội tuần trước, phe đối lập trung hữu đã giành chiến thắng ở cả hai mặt trận, điều khiến các nhà phân tích dự đoán, lập trường cứng rắn trong vấn đề tên gọi có thể sẽ gây khó khăn cho nước này trong quá trình gia nhập NATO.
Bà Siljanovska-Davkova là tổng thống thứ sáu kể từ khi quốc gia Balkan nhỏ bé này tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư cũ vào năm 1991. Bà đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội sắp mãn nhiệm do phe trung tả chiếm đa số. “Tôi không thể tưởng tượng rằng mình lại nhận được sự tin tưởng như vậy từ hơn 560.000 người dân. Tôi sẽ cố gắng để xứng đáng với hàng nghìn phiếu bầu này. Đây không chỉ là món quà đẹp nhất trong ngày sinh nhật của tôi mà còn là nghĩa vụ lớn nhất mà tôi có trong đời. Đã đến lúc phải đoàn kết”, bà Siljanovska-Davkova phát biểu, đề cập đến việc bà đã được quyết định chính thức vào đúng sinh nhật lần thứ 71 của bà.
Hầu hết bài phát biểu của bà đều tập trung vào vai trò của phụ nữ trong xã hội, hứa hẹn sẽ thúc đẩy các quyền của phụ nữ. Bà Siljanovska-Davkova nói: “Với sự hỗ trợ của phụ nữ, các chính trị gia nam cũng sẽ thay đổi và Macedonia sẽ trở thành một nơi đáng sống”.
Sau lễ tuyên thệ trước Quốc hội, lễ bàn giao được tiến hành ngay trước dinh thự chính thức của Tổng thống.
Bà Siljanovska–Davkova là một nghị sĩ của khóa Quốc hội sắp mãn nhiệm, đồng thời là giáo sư đại học và luật sư. Bà là ứng cử viên của liên minh trung hữu do đảng VMRO-DPMNE lãnh đạo. Bà đã giành chiến thắng trước tổng thống đương nhiệm Stevo Pendarovski với 69% phiếu bầu trong cuộc bầu cử vòng hai vào tuần trước. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 47,47%, trên ngưỡng 40% cần thiết để cuộc bầu cử có hiệu lực.