TAND TP.HCM đồng ý với đề xuất chỉ còn 2 ngạch thẩm phán

TAND TP.HCM thống nhất với đề xuất thẩm phán chỉ gồm hai ngạch là ngạch thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán thay vì bốn ngạch như hiện nay.

Ngày 5-7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có buổi khảo sát việc chấp hành Luật Tổ chức TAND tại TAND TP.HCM. Đoàn khảo sát do ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, làm trưởng đoàn.

Nhiều thẩm phán, thư ký nghỉ việc do áp lực

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Văn Liên đặt ra rất nhiều vấn đề “nóng” để các đại biểu tham gia thảo luận và cho ý kiến. Cụ thể như quyền miễn trừ của thẩm phán, quyền thu thập chứng cứ của tòa án, cơ sở vật chất của các tòa án, biên chế tòa án, đề xuất thành lập các tòa chuyên biệt…

Theo báo cáo của Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong, từ ngày 1-10-2017 đến 30-9-2022, TAND hai cấp của TP.HCM đã thụ lý 231.719 vụ việc, giải quyết 218.105 vụ việc (đạt tỉ lệ 94,12%). Riêng án hành chính đã giải quyết 2.326/3.142 vụ (tỉ lệ 74%).

Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (trái) và Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong. Ảnh: TRẦN MINH

Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (trái) và Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong. Ảnh: TRẦN MINH

Ngoài ra, TAND hai cấp tại TP.HCM đã khởi tố một vụ án hình sự tại phiên tòa, tổ chức thành công 339 phiên tòa xét xử trực tuyến.

Theo đánh giá của TAND TP.HCM, qua công tác xét xử các vụ án hình sự cho thấy các nhóm tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy; xâm phạm trật tự công cộng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người vẫn chiếm tỉ lệ cao và gần đây xuất hiện các vụ án về chức vụ, tham nhũng.

“Mặc dù án hình sự phức tạp nhưng kết quả xét xử đạt tỉ lệ cao, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan; các vụ án về chức vụ, tham nhũng được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, dư luận đồng tình” - Chánh án TAND TP.HCM nói.

Tính đến tháng 9-2022, TAND hai cấp TP.HCM được giao 1.340 biên chế, trong đó có 761 biên chế thẩm phán. Số biên chế thực hiện đến nay là 1.183 biên chế (703 thẩm phán, một thẩm tra viên chính, 27 thẩm tra viên, 379 thư ký viên và 73 biên chế khác); còn thiếu 157 biên chế (gồm 58 biên chế thẩm phán và 99 công chức khác).

Chánh án Lê Thanh Phong nói thêm: “Hiện nay, biên chế các ngạch còn thiếu rất nhiều, nhất là ngạch thư ký. Trung bình mỗi thư ký phải giúp việc cho 2-3 thẩm phán, áp lực công việc là rất lớn. Nhiều trường hợp thẩm phán, thư ký do áp lực công việc đã xin nghỉ việc (có 92 công chức nghỉ việc từ tháng 1-2017 đến tháng 9-2022)”.

Về trình độ chuyên môn, TAND hai cấp TP.HCM hiện có 12 tiến sĩ, 301 thạc sĩ, 853 cử nhân, 17 người có trình độ khác. Trong đó, TAND TP.HCM có bảy tiến sĩ, 97 thạc sĩ, 213 cử nhân, bảy người có trình độ khác. TAND cấp huyện có năm tiến sĩ, 204 thạc sĩ, 640 cử nhân, 10 người có trình độ khác.

Đổi tên tòa án quận, huyện thành tòa sơ thẩm

Đáng chú ý, TAND TP.HCM thống nhất với đề xuất thẩm phán chỉ gồm hai ngạch là ngạch thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán (hiện nay có bốn ngạch thẩm phán: thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp và thẩm phán TAND Tối cao - PV).

Một số kiến nghị bổ sung của TAND TP.HCM Một là giao chức năng xét xử giám đốc thẩm các bản án của TAND cấp huyện cho TAND cấp tỉnh. Hai là có thể thành lập lực lượng bảo vệ tòa án riêng từ lực lượng hỗ trợ tư pháp. Ba là có cơ chế kiểm tra, sát hạch thẩm phán thường niên để nâng cao trách nhiệm và chất lượng thẩm phán. Bốn là thành lập tòa chuyên trách về đất đai.

Việc này nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn luân chuyển, điều động thẩm phán. Qua đó nâng cao vị thế, uy tín của thẩm phán trước nhân dân.

Cũng tại buổi khảo sát, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong đã nêu một số ý kiến trong định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND.

Theo đó, TAND TP.HCM thống nhất với đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án như: Xét xử các vi phạm hành chính theo quy định của luật; xem xét, quyết định văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền…

Việc bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp được đề ra tại Nghị quyết 27/NQ/TW ngày 9-11-2022.

Ngoài ra, TAND TP.HCM cũng thống nhất với đề xuất đổi tên TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh thành TAND sơ thẩm. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND sơ thẩm theo hướng TAND sơ thẩm có nhiệm vụ giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương và TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Thành lập tòa án chuyên trách về đất đai là cần thiết

TAND TP.HCM thống nhất trong đề xuất thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết các vụ án, vụ việc đặc thù, có yêu cầu về kiến thức chuyên môn cao nhằm phát huy trình độ chuyên môn sâu trong xét xử. Từ đó, nâng cao chất lượng xét xử và niềm tin của công chúng về hiệu quả hoạt động của tòa án.

TAND sơ thẩm chuyên biệt được tổ chức theo địa hạt pháp lý tùy thuộc vào số lượng các vụ việc phát sinh tại địa hạt pháp lý đó.

Đáng chú ý, tại buổi khảo sát, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong ủng hộ việc thành lập tòa án chuyên trách về đất đai và cho rằng việc này là cần thiết.

Quan điểm của Chánh án Lê Thanh Phong cũng trùng hợp với đề xuất hồi tháng 4-2023 của báo Pháp Luật TP.HCM trong đợt góp ý Luật Đất đai sửa đổi.

Theo đó, báo nêu ý kiến cho rằng nên chăng thành lập tòa án chuyên biệt về đất đai để giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này. Điều này vừa phù hợp với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND năm 2014 (về thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết các vụ việc đặc thù, có yêu cầu về kiến thức chuyên môn cao), vừa đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật cũng như tổ chức quyền lực nhà nước một cách chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả cao.

MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tand-tphcm-dong-y-voi-de-xuat-chi-con-2-ngach-tham-phan-post741007.html