Tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết

BHG - Tết đến gần là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị lượng hàng hóa rất lớn bán ra thị trường. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vui Xuân, đón Tết, các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đồng thời, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên mua thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Dịp cuối năm là thời điểm lượng du khách đến tỉnh tăng, nhất là tại các khu du lịch các huyện phía Bắc và phía Tây. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm chuẩn bị đón Tết của người dân cũng tăng cao, do đó công tác đảm bảo ATVSTP phải đặt lên hàng đầu. Chị Nguyễn Thị Yến, chủ chuỗi nhà hàng Yến Ngọc, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) cho biết: “Dịp trước, trong và sau Tết là thời điểm nhà hàng chúng tôi rất bận do lượng khách du lịch tăng cao, nhu cầu ăn uống liên hoan của người dân địa phương cũng tăng nhiều hơn so với ngày thường. Do đó, chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề đảm bảo ATVSTP như nhập nguyên liệu tươi, ngon, quan tâm đến khâu chế biến và bảo quản thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm… để đảm bảo chất lượng các món ăn của nhà hàng”.

Ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán cơm chợ thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ).

Ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán cơm chợ thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 6.200 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Do đó ngành chức năng đã tăng cường triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2024. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Các sản phẩm từ thịt; bia, rượu, nước giải khát; bánh, kẹo; rau, củ, quả; phụ gia thực phẩm. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các vi phạm về vệ sinh ATTP, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Trong năm 2023, ngành chức năng đã tổ chức 281 đoàn kiểm tra trên 3.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Phát hiện 192 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 177 cơ sở và xử phạt 15 cơ sở với số tiền trên 60 triệu đồng. Đã tiêu hủy 160 kg hàng hóa các loại gồm: Bia, gia cầm, bánh, kẹo, Tam thất, chân gà, chả mực… Các cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan đã kiểm tra và phát hiện 723 vụ vi phạm, xử phạt trên 1,1 tỷ đồng. Hầu hết các cơ sở kiểm tra chưa bảo đảm ATVSTP, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng; hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ tiếng Việt; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATVSTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm, 50 người mắc, 6 người tử vong, chủ yếu ngộ độc do độc tố tự nhiên. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản. Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền cho người dân về cách nhận biết và xử trí ngộ độc bột ngô mốc, nấm rừng, các loại hoa, quả từ cây rừng. Đồng thời, cung cấp thông tin với người tiêu dùng về các sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo chất lượng ATVSTP.

Để đảm bảo ATVSTP, nhận thức của người dân về ATTP cần được nâng lên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thấy được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi khi thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình nhằm đón một cái Tết an toàn.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202401/tang-cuong-quan-ly-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-dip-tet-cad2c81/