Tạo bứt phá phát triển công nghiệp văn hóa

Vừa qua, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì được coi là 'hội nghị Diên Hồng' về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua và đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi liên quan đến các lĩnh vực như điện ảnh, bản quyền, nội dung số…

Liên quan đến lĩnh vực điện ảnh, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD cho biết, hiện tại, rạp chiếu phim của các thương hiệu Việt và vận hành bởi người Việt chiếm khoảng 33% thị phần và 67% là của các công ty Hàn Quốc. Trong 10 năm qua, doanh thu phim Việt chỉ chiếm khoảng từ 18-33% và phim ngoại nhập khẩu đang thắng thế với tỷ lệ khoảng từ 67-82% tổng doanh thu phòng vé. Trong khi đó, các nước có nền điện ảnh mạnh trên thế giới như Hàn Quốc có tỷ lệ doanh thu cho phim nội địa trong suốt nhiều năm qua ít nhất 54% và có những năm cao tới 65%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện tại ở thị trường điện ảnh Việt Nam mới đang phát triển, phim có doanh thu cao nhất là “Nhà bà Nữ” với doanh thu 475 tỷ. Tỷ lệ bán vé trong những năm gần đây của Việt Nam đã tăng 20-40%. Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới và chính sách của Nhà nước rất quan trọng trong hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển.

“Để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa. Ví dụ BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại thì phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, rất khó khăn. Một vé xem phim giá chỉ bằng cốc cà phê thôi vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận, nếu giá thuê cao cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ thì không cạnh tranh được, mà các doanh nghiệp cho thuê không giảm giá. Nên giảm giá tiền thuê đất, tiền điện, nước rất quan trọng”, bà Ngô Thị Bích Hạnh cho hay.

Tương tự, đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, TS. Đoàn Thanh Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, trong môi trường số, văn học nghệ thuật thực sự còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy đúng mức để phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu đầu vào quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, vì văn học nghệ thuật là kết tinh của trí tuệ, sáng tạo sẽ trở thành tài sản hữu ích khi tham gia vào thị trường văn hóa. Hiện, truyện tranh số, truyện tranh động, sách điện tử, sách 3D, 2D và trò chơi điện tử đang được phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ của không gian sáng tạo số. Sự ra đời của các nền tảng như Kindle, iBooks…, đã giúp cho quá trình xuất bản sách điện tử, sách công nghệ dễ dàng hơn. Các trang web cung cấp cho các tác giả môi trường để chia sẻ tác phẩm của họ với cộng đồng độc giả trực tuyến. Các trò chơi điện tử cũng có sức hấp dẫn đặc biệt với các tác giả, các trò chơi thường có cốt truyện cuốn hút, dẫn dắt người chơi đến tận cùng của giá trị chân - thiện - mỹ, nhất là giới trẻ.

TS. Đoàn Thanh Nô cho rằng, việc nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu khách quan để văn nghệ sĩ dấn thân vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Nhưng môi trường số có nhiều thuận lợi, cũng không ít thách thức, ví dụ như vấn đề bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ.

“Đây là một thách thức lớn. Để bảo vệ tác phẩm trực tuyến khỏi việc sao chép trái phép, cần áp dụng các biện pháp bảo vệ như sử dụng Luật Bản quyền, chuẩn hóa các quy tắc về việc sử dụng tác phẩm và sự tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, các quy định pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm của mỗi quốc gia lại có những điểm khác nhau, vì vậy, căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số cũng không giống nhau. Về phía Nhà nước cần sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ ở mức cần thiết. Điều này sẽ tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị tham gia vào quá trình công nghiệp văn hóa”, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nói.

Là một trong những lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, hiện thể thao điện tử trong các năm gần đây đang thu hút sự tham gia của đông đảo giới trẻ. Các sự kiện quy mô và hoạt động phát trực tiếp về game giúp tạo ra các cộng đồng người chơi vô cùng lớn (ước lượng tại Việt Nam lên đến 50 triệu người), cùng cơ hội quảng cáo, thúc đẩy tiêu dùng đa dạng. Bà Tô Nam Phương - Phó Tổng Giám đốc FPT Play, Tập đoàn FPT cho biết, các cộng đồng thể thao điện tử được tổ chức hiệu quả sẽ tạo ra các sân chơi văn hóa và giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên, đồng thời sẽ tạo hạt giống cho các đội tuyển phục vụ các sự kiện, giải thưởng tầm cỡ thế giới.

Ưu điểm của các chuỗi sự kiện thể thao điện tử nằm ở sự kết hợp giữa online và offline với trung bình các giải lên đến hàng trăm nghìn người người xem. Đây là cơ hội xúc tiến tiêu dùng, quảng bá rất tốt và hiệu quả cho các nhãn hàng nên thể thao điện tử ngày càng thu hút dòng tiền đầu tư từ các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, công nghệ và tài chính ngân hàng. Tại các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan… các sự kiện này được Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách đã tạo nên các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tầm cỡ quốc tế - thúc đẩy không chỉ riêng ngành game mà cả du lịch và tiêu dùng.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tao-but-pha-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-164318.html