Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất hàng song mây xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp. Ảnh: VIỆT AN

Sự phát triển của doanh nghiệp là nhân tố quan trọng đóng góp cho sự thịnh vượng của tỉnh. Do vậy, Phú Yên cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu như vậy tại hội nghị tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2022 mới đây.

Kịp thời miễn, giảm, gia hạn thuế

Theo đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm ổn định, vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong đó có triển khai kịp thời các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Cục Thuế Phú Yên đã kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. “Nửa đầu năm 2023, cơ quan thuế các cấp trên địa bàn tỉnh đã giảm 16,4 tỉ đồng tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 theo Quyết định 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 của Chính phủ; gia hạn 105 tỉ đồng tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ”, ông Phạm Hoài Trung, Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên cho biết.

Theo ông Bùi Viết Ấn, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Phú Yên, chính sách giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất đã tạo điều kiện cho VNPT nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung tăng khả năng thanh khoản, giảm áp lực thanh toán, từ đó có điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Còn ông Hoàng Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đặng Gia (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) cho rằng: Doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn được ngành Thuế giảm, gia hạn trong thời gian qua để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là tăng số lượng công nhân, đầu tư vào dây chuyền sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ... Mặc dù nguồn vốn này không lớn nhưng cũng là một cú hích tinh thần, tạo điều kiện để công ty phát triển tốt hơn.

Phát biểu tại hội nghị tuyên dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế năm 2022, bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phú Yên cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của cơ quan thuế trong việc miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp. Bà Tương Lai cho biết, ngành Thuế ngày càng năng động, thân thiện, có chính sách gì mới đều thông báo, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện ngay. Ngành Thuế cũng tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai nhiều phần mềm khai, nộp thuế điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Mong các ban ngành tiếp tục hỗ trợ

Tuy nhiên, theo bà Tương Lai, hiện doanh nghiệp vẫn mong muốn ngành Thuế thay đổi nhiều hơn nữa. “Ví dụ như các biểu mẫu để báo cáo thuế hàng năm còn quá nhiều. Mặc dù chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ nhưng đến hết năm phải mất rất nhiều thời gian, công sức để báo cáo thuế.

Trong xu thế khởi nghiệp hiện nay, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gia nhập thị trường, nếu các doanh nghiệp loại này cũng phải báo cáo thuế như các doanh nghiệp quy mô lớn thì rất bất cập. Phần lớn phải thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ báo cáo thuế chuyên ngành chứ tự làm thì không kịp, không đúng nên có thời điểm tạo thành điểm nghẽn, không nộp báo cáo thuế kịp thời.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, các chi phí sửa chữa đều được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế; trong khi nhiều doanh nghiệp đưa tài sản gia đình vào kinh doanh, nếu muốn sửa chữa để thu hút khách hàng thì chi phí này không được đưa vào quyết toán. Tôi nghĩ ngành Thuế nên điều chỉnh để phù hợp, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế”, bà Tương Lai nói.

Ông Ngô Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên cho biết: Hiện hầu hết đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch gặp vướng về việc bán vé vào cổng. Trước đây, các đơn vị in vé, đăng ký với cơ quan thuế; nay áp dụng hóa đơn điện tử, thì những đơn vị kinh doanh du lịch nhỏ lẻ sẽ thu phí như thế nào, mong cơ quan thuế hướng dẫn cụ thể.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Phú Yên Bùi Viết Ấn, doanh nghiệp mong muốn các ban ngành tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và gia tăng nguồn lực để đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả điều hành cũng như thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp cũng mong ngành Thuế xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân để nâng cao đời sống cho người lao động.

Phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo, trong giai đoạn hiện nay, cùng với cả nước, Phú Yên đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế. Vì vậy, các sở, ban ngành, địa phương cần phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận nhanh cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ để sớm ổn định, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Các sở, ban ngành, địa phương cũng cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về đất đai, vốn, thị trường, khách hàng, thuế, hải quan và các chính sách khác; đảm bảo thông suốt, thống nhất các quy định để doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Vũ Tố Quyên, Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cho biết: Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn quan tâm, đồng hành với doanh nghiệp để nắm bắt, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Thời gian tới, Ban Quản lý khu kinh tế sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính; tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị, kịp thời ghi nhận, xử lý công khai, công bằng, khách quan, đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, ban cũng sẽ định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn trong quá trình hoạt động, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Đối với ngành Thuế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo đề nghị tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách thuế theo chỉ đạo của trung ương như giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; giảm thuế bảo vệ môi trường, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2023...

Ngành Thuế tiếp tục thực hiện mục tiêu “lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, đồng thời đẩy nhanh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế. Thường xuyên lắng nghe, tiếp thu đầy đủ những phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp và người dân để kịp thời giải quyết hoặc nghiên cứu đề xuất các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh xem xét giải quyết.

“Về phần mình, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống và thành quả đã đạt được, chủ động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định phát triển sản xuất kinh doanh; thường xuyên chú trọng nghiên cứu tìm hiểu nắm bắt kịp thời để thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế và hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế cho ngân sách nhà nước”, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo nói.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/300615/tao-dieu-kien-cho-doanh-nghiep-phat-trien.html