Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện

Bình đẳng giới là một trong những vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (giữa) trò chuyện với cán bộ nữ tại Lễ kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 mới đây. Ảnh: N.SƠN

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (giữa) trò chuyện với cán bộ nữ tại Lễ kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 mới đây. Ảnh: N.SƠN

Nhờ đó, phụ nữ ngày nay được tạo mọi điều kiện học tập, lao động, đóng góp cho xã hội, góp phần nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

Gia đình, xã hội cùng quan tâm, tạo điều kiện

Từng làm kế toán cho doanh nghiệp nhưng nhận thấy lĩnh vực bưu điện có cơ hội được phục vụ cộng đồng nên chị Dương Thị Việt Hương đã chuyển sang làm kế toán tại Bưu điện tỉnh. Khi đó, chị mới 26 tuổi, so với những người đồng nghiệp kỳ cựu ở cơ quan, chị nhận thấy mình còn non kém về kinh nghiệm. Vì vậy, chị đã không ngừng học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước.

Chị Việt Hương chia sẻ, từ khi về làm việc tại đây, chị nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các đồng nghiệp trong công việc, cũng như học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, chị đã có những bước tiến dài trong sự nghiệp, trở thành Phó giám đốc Bưu điện tỉnh.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI cho biết, hội LHPN các cấp thường xuyên lựa chọn, biểu dương, khen thưởng những cá nhân phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực nhằm tạo động lực để hội viên, phụ nữ vươn lên.

Là một trong những lãnh đạo của Bưu điện tỉnh, chị phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc, đôi khi có cả những chuyến đi công tác dài ngày.

"May mắn là tôi có người bạn đời công tác trong lĩnh vực viễn thông. Vì vậy, anh luôn hiểu, đồng hành và chia sẻ với tôi trong công việc chuyên môn, cũng như chăm sóc gia đình… Nhờ vậy mà tôi yên tâm lo cho sự nghiệp, tham gia đóng góp cho xã hội" - chị Việt Hương bày tỏ.

17 năm về chung một nhà, chị Bùi Thị Linh (ở khu phố 3, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) luôn biết ơn người bạn đời đã hy sinh từ bỏ công việc yêu thích, lùi lại làm hậu phương để chị có cơ hội được sống với ước mơ của mình.

Chị Linh kể, chồng chị làm nghề lái tàu thủy, thu nhập khá cao, được đi nhiều nơi nhưng thường xuyên phải xa gia đình. Sau khi kết hôn được 4-5 năm, anh quyết định từ bỏ công việc nhiều người mơ ước, ở nhà buôn bán tạp hóa để có điều kiện chăm sóc vợ con.

Từ khi có anh quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái, chị Linh có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện chị là Trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ của Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và cựu người học Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Mới đây, chị vừa hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ ngành quản lý kinh tế và được Hội Nữ trí thức tỉnh tặng thưởng nữ tài năng.

Quan tâm hơn đến phụ nữ khu vực đặc thù

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lê Thị Thái cho biết, thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được các cấp, các ngành quan tâm. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, trong đó đặt ra những mục tiêu đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia trên các lĩnh vực.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Thái (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Định Quán. Ảnh: N.SƠN

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Thái (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Định Quán. Ảnh: N.SƠN

Mặc dù vậy, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong thực tế vẫn chưa đồng đều giữa các khu vực. Ở khu vực nông thôn, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại định kiến giới, làm ảnh hưởng đến kết quả chung của công tác bình đẳng giới.

Vì lẽ đó, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội LHPN các cấp quan tâm đến phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc về nguồn vốn, con giống để phát triển kinh tế; trao tặng mái ấm tình thương, học bổng cho con em hội viên, phụ nữ…

Từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số càng được quan tâm hơn. Bám sát mục tiêu của dự án này, Hội LHPN tỉnh đã triển khai tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 7 đơn vị có các xã thuộc khu vực I (mỗi đơn vị chọn một xã). Đây là cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu về bình đẳng giới, cách xóa bỏ định kiến giới để phụ nữ được tham gia hoạt động cộng đồng…

Tháng 10-2023 vừa qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức đối thoại với hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 6 xã: Phú Túc, Túc Trưng, Phú Vinh, Phú Tân, Thanh Sơn và Phú Lợi (huyện Định Quán).

Bà Lê Thị Thái cho hay: "Qua đối thoại, chúng tôi muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số; nắm bắt được những vấn đề họ đang quan tâm để có những hoạt động thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của hội viên, phụ nữ".

Bà Hoàng Thị Huyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Thái ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), cho biết không chỉ được bày tỏ suy nghĩ, nỗi lòng của mình mà thông qua chương trình đối thoại, bà còn hiểu được phụ nữ ngày nay có vai trò, vị trí quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ cần phụ nữ có ý chí, nghị lực vươn lên thì không gì có thể ngăn cản được bước tiến của phụ nữ.

Nga Sơn

Thạc sĩ PHẠM THỊ HƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi:

Cần thêm nhiều hoạt động dành cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa

Ngoài công việc chuyên môn, tôi may mắn được đi nhiều nơi, được trò chuyện, chia sẻ với nhiều nhóm phụ nữ khác nhau về những chuyên đề liên quan đến phụ nữ. Qua những chuyến đi, tôi nhận thấy chúng ta đã và đang cố gắng làm rất nhiều việc cho chị em phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những việc chúng ta đang làm vẫn như "muối bỏ biển", chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của chị em phụ nữ. Tôi thấy chị em cần được quan tâm nhiều hơn về sức khỏe sinh sản, tinh thần; kỹ năng làm vợ, làm mẹ, xây dựng hạnh phúc gia đình, phát triển bản thân; kỹ năng khởi nghiệp…

Tôi nghĩ điều này chỉ được thực hiện khi chúng ta có nhiều hơn hoạt động dành cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó có thể là hoạt động diễn đàn, hội thi, chia sẻ, huấn luyện, đồng hành, hướng dẫn… nhằm tạo cơ hội để phụ nữ giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Chị PHẠM THỊ HƯƠNG TRÂM, Chủ tịch Hội LHPN xã Giang Điền, huyện Trảng Bom:

Phụ nữ cần coi việc học tập là nhu cầu cấp thiết

Bên cạnh những hoạt động mang tính động viên, khuyến khích đến từ tổ chức hội các cấp, mỗi hội viên, phụ nữ cần phải tự học, tự trau dồi, coi đó là nhu cầu cấp thiết của bản thân.

Chúng ta có thể học bằng nhiều cách. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài học ở trường, chúng ta có thể tự học trên internet và mạng xã hội. Đây là nguồn thông tin và kho kiến thức khổng lồ mà chúng ta có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, để tiếp cận với nguồn thông tin và kho kiến thức khổng lồ ấy đòi hỏi mỗi chị em phải có hiểu biết nhất định để chọn lọc thông tin, kiến thức bổ ích.

Cẩm Tú (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202403/tao-dieu-kien-de-phu-nu-phat-trien-toan-dien-2f55f2e/