Tạo động lực để cán bộ cống hiến

TP HCM muốn xây dựng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả phải có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Trung ương, coi đây là một đề án chiến lược quốc gia

Ngày 4-4, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì Hội thảo khoa học lấy ý kiến xây dựng Đề án xây dựng nền công vụ thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030.

Hạn chế "xin - cho"

Từ đầu cầu Mỹ, GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana Bloomington, nhận xét việc xây dựng nền công vụ TP HCM là chiến lược quốc gia. Bởi lẽ, nền công vụ không chỉ có tầm quan trọng đối với "đầu tàu" TP HCM mà còn với cả nước.

Theo GS Trần Ngọc Anh, có 3 vấn đề cốt lõi để xây dựng nền công vụ hiệu quả là thu nhập, giải trình và pháp lý. Nếu không giải quyết được 3 vấn đề này thì sẽ không xây dựng được nền công vụ hiệu lực, hiệu quả.

GS Trần Ngọc Anh cho rằng để nền công vụ hoạt động mạnh mẽ, TP HCM cần 3 trụ cột: năng lực của cán bộ, động lực phục vụ người dân và không gian làm việc. Ông phân tích: "Muốn bộ máy hoạt động được thì cán bộ, công chức phải muốn làm (động lực làm), phải làm được (năng lực làm) và phải được làm (không gian làm việc)". Theo ông, 3 giải pháp đột phá nêu trên sẽ tác động đến 3 trụ cột để tạo cú hích, giúp TP HCM triển khai chiến lược toàn diện.

Đồng tình, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhìn nhận đề án này không chỉ áp dụng cho TP HCM mà còn cho cả nước. Bộ máy hành chính cả nước đang "tắc"một số nơi, nếu gỡ được cho thành phố thì đây sẽ là mô hình quan trọng để gỡ cho cả nước.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo về xây dựng nền công vụ thành phố vào ngày 4-4

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo về xây dựng nền công vụ thành phố vào ngày 4-4

Ông Dũng cũng đề nghị phân cấp mạnh mẽ cho TP HCM, những gì thành phố đảm nhiệm được thì nên giao cho thành phố tự quyết. Điều này được áp dụng triệt để ở Nhật Bản, Hàn Quốc và họ đang phát triển thịnh vượng.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nghị quyết 98/2023, cho biết nền công vụ có 3 cấu phần: Thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực thi. "Đây giống như líp, xích, nhông của xe máy, phải đồng bộ, nếu thiếu một phần thì xe không chạy được" - ông ví von.

TS Trần Du Lịch cho rằng TP HCM không thể tự mình thay đổi tính chất công vụ nếu không có chỉ đạo thống nhất từ Trung ương. Do đó, Trung ương cần hỗ trợ TP HCM trong quá trình xây dựng nền công vụ; mở rộng phân cấp, phân quyền cho thành phố trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, được đề cập trong Nghị quyết 98.

"Phải làm sao để nền công vụ hạn chế tối thiểu cơ chế xin - cho, phải phân cấp rõ ràng, trách nhiệm giải trình từng cấp" - TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Giải quyết thu nhập cho cán bộ

Tiếp tục góp ý cho đề án, nhiều chuyên gia đề cập câu chuyện "lương công chức phải đủ sống" thì mới tạo được động lực cho họ cống hiến. Dẫn lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TS Trần Du Lịch đánh giá công chức phải là người mẫn cán với công vụ.

"Công chức không thể làm giàu nhưng ít ra phải sống được đời sống trung bình ở chỗ họ sống. Ai có ý định làm giàu thì đi chỗ khác, không nên làm công chức" - ông nhấn mạnh.

PGS-TS Võ Trí Hảo, Trường Đại học Kinh tế - Luật - ĐHQG TP HCM, cho rằng vấn đề đầu tiên trong việc tạo động lực là giải quyết thu nhập cho cán bộ, công chức. Do đó, ông kiến nghị Trung ương không giao cho TP HCM cơ chế về số lượng biên chế công chức theo cách truyền thống mà nên giao 3 chỉ số. Đó là số lượng biên chế công chức tối đa, số ngân sách tiền lương trả cho toàn bộ hệ thống công chức và hiệu quả xử lý công việc tính theo từng hồ sơ công việc. Từ đó, TP HCM sắp xếp tối ưu hóa công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công việc, tăng thu nhập.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định yêu cầu xây dựng nền công vụ, nền hành chính tiên tiến phục vụ người dân là kim chỉ nam của sự phát triển. Mục tiêu của TP HCM không phải là viết đề án cho hay, mà phải xây dựng được nền công vụ tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo sự phát triển của thành phố, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận công chức đảm nhận sứ mạng cao cả. "Đây không phải là công việc bình thường để kiếm lương mà phải là sứ mạng. Giá trị xã hội là giá trị phụng sự, đóng góp cho sự phát triển" - ông Phan Văn Mãi nêu rõ.

Từ những ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết ông cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm, kỳ vọng của chuyên gia, đại biểu dành cho sự phát triển của thành phố trong sự phát triển chung của cả nước. Ông Phan Văn Mãi yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ giúp việc tiếp thu, lựa chọn các ý kiến phù hợp để đưa vào đề án và khẩn trương hoàn thiện. Đối với các ý kiến xem Đề án nền công vụ TP HCM hiệu lực, hiệu quả là một nội dung đột phá không chỉ của thành phố mà còn của quốc gia, ông cho biết sẽ báo cáo xin chủ trương của Trung ương.

Hơn 89.000 phiếu khảo sát công chức, viên chức

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Duy Tân cho biết thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP HCM, thời gian qua, sở khẩn trương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển tham mưu tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề án và đạt được nhiều kết quả. TP HCM đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả, đã thực hiện khảo sát 12.869 phiếu đối với công chức và 76.601 phiếu đối với viên chức trên địa bàn (tổng cộng hơn 89.000 phiếu).

Theo phó giám đốc Sở Nội vụ, Ban Soạn thảo đã xây dựng các nội dung cơ bản, trọng tâm của dự thảo đề án. Trong đó, dự thảo nhấn mạnh các nhóm giải pháp hướng đến xây dựng nền công vụ TP HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả: tuyên truyền, giáo dục tư tưởng; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng môi trường, không gian nền công vụ, tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tao-dong-luc-de-can-bo-cong-hien-196240404205905003.htm