Tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với sự hoàn thiện, phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng và nền văn hóa dân tộc; mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quê hương, đất nước trong quá trình hội nhập, phát triển. Xác định được điều đó, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.

Trình diễn các loại hình văn hóa tại không gian văn hóa xứ Thanh tại Quảng Trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

Hiện nay, môi trường văn hóa, xã hội đang đứng trước nhiều thách thức, ảnh hưởng tiêu cực từ các tệ nạn xã hội hay sự xuống cấp của những giá trị đạo đức. Ngay cả một số không gian văn hóa vốn được coi là nơi nuôi dưỡng cho những giá trị tốt đẹp của con người như, gia đình, trường học... cũng đã và đang xuất hiện những biểu hiện “ô nhiễm”. Trước thực trạng đó, việc xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống và đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Để xây dựng môi trường văn hóa, lành mạnh, phong phú, tỉnh Thanh Hóa xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp, phong trào ở các phương diện gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư. Bởi, đó là những môi trường bồi đắp cho mỗi con người không chỉ tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống mà còn là nơi trao gửi yêu thương, bồi dưỡng tinh thần, xúc cảm và các giá trị văn hóa, đạo đức. Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ vun đắp, hình thành cho con người những đức tính, phẩm chất tốt đẹp; đồng thời góp phần đẩy lùi cái lạc hậu, cái xấu. Do đó, thời gian qua các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố kiểu mẫu”. Các nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH được triển khai sâu rộng đến từng cá nhân, gia đình, khu dân cư và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Trong triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH, nội dung xây dựng gia đình văn hóa được đặc biệt quan tâm. Bởi, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nên nhân cách, đạo đức của mỗi người. Gia đình ấm no, hạnh phúc, an toàn thì mỗi cá nhân mới có được môi trường tốt để phát triển, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống. Bám sát nội dung của phong trào, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, con cháu hiếu thảo, đề cao các giá trị tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Đồng thời, nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình phát triển bền vững được nhân rộng, hoạt động hiệu quả góp phần kiềm chế tình trạng bạo lực gia đình. Nhờ đó, việc xây dựng gia đình văn hóa đạt được hiệu quả khá toàn diện, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh ước có 83% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (tăng 9% so với năm 2014); có 470 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 2.350 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 2.350 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc tỷ lệ gia đình văn hóa tăng không chỉ góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình mà còn góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 82,3% số thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa” (tăng 7,3% so với năm 2014) và 10% xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, khoảng 200 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2020-2024.

Việc thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và ứng xử văn minh trong cộng đồng được quan tâm triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực. 100% số bản, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với pháp luật hiện hành và thuần phong mỹ tục của địa phương. Các hương ước, quy ước đã trở thành khung điều chỉnh hành vi của nhiều người dân. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; một số hủ tục trong tổ chức việc tang, lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được đẩy lùi, xóa bỏ; kỷ cương pháp luật được giữ vững; tình làng, nghĩa xóm được củng cố.

Môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh còn được thể hiện qua chất lượng hoạt động văn hóa ở cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 567 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của Nhân dân. Cùng với đó, các địa phương đã vận động người dân thành lập các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao tại địa phương. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết trong cộng đồng dân cư; người dân tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo; những biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, bạo lực được chính quyền, người dân tích cực phê phán và đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, cùng với các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện, thì trước hết mỗi cá nhân cần chủ động, tích cực trong việc rèn luyện bản thân, tự kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh xung quanh mình. Từ đó, mỗi người cùng chung tay, góp sức tạo dựng nên một môi trường sống, môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh và tốt đẹp.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tao-dung-moi-truong-van-hoa-lanh-manh-van-minh-214638.htm