Tạo sinh kế cho người mãn hạn tù

Người mới chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng ưu đãi là chủ trương, chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước. Nguồn vốn này nhằm tạo sinh kế cho họ có điều kiện làm ăn, ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.Trao 'cần câu'

Vừa chấp hành xong án phạt tù, con trai chị L.T.D, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), trở về địa phương. Trong lúc gia đình khó khăn, lại không có vốn làm ăn, con trai chị D chưa tìm được công việc mới, cán bộ địa phương đã tuyên truyền chính sách tín dụng hỗ trợ người mới chấp hành xong án phạt tù vay vốn làm ăn. Chị D đã tiếp cận được nguồn vốn vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi 2 con bò sinh sản. Chị D chia sẻ, kể từ ngày có vốn đầu tư nuôi bò, con trai tôi đã chí thú làm ăn, hằng ngày siêng năng trồng cỏ, chăm sóc bò phụ giúp gia đình. Đến nay, 2 con bò sinh sản của gia đình tôi đang phát triển khá tốt.

Tại huyện Sơn Tịnh, đến nay đã có 7 người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi này. Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Sơn Tịnh, khi có chủ trương cho người mới chấp hành xong án phạt tù vay vốn làm ăn, đơn vị đã tập trung nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng cho đối tượng thụ hưởng. Từ năm 2023 đến nay, ngân hàng đã giải ngân được 600 triệu đồng cho 7 người vay vốn trồng trọt, chăn nuôi. Bình quân mỗi hộ vay gần 86 triệu đồng. Sau khi giải ngân, đơn vị kiểm tra, những hộ này đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Sơn giải ngân vốn cho gia đình người chấp hành xong án phạt tù phát triển kinh tế. Ảnh: PV

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Sơn giải ngân vốn cho gia đình người chấp hành xong án phạt tù phát triển kinh tế. Ảnh: PV

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị phối hợp thực hiện. Trên cơ sở này, đơn vị đã phối hợp với công an các cấp rà soát đối tượng thụ hưởng có nhu cầu người vay vốn.

Thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, đến ngày 30/4/2024, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với công an các cấp và chính quyền địa phương giải ngân cho 42 người mới chấp hành xong án phạt tù vay gần 3,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nhằm sớm tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, năm 2023, đơn vị đã giải ngân cho 18 người vay khoảng 1,2 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2024 cho 24 người vay gần 2 tỷ đồng.

Giám sát nguồn vốn vay

Triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ủy thác nguồn vốn địa phương để Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để đào tạo nghề; tối đa 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Việc vay vốn được tính lãi suất vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo.

Bên cạnh cho vay đúng đối tượng, UBND tỉnh chỉ đạo công an các cấp quản lý, giám sát, giáo dục người mới chấp hành xong án phạt tù phấn đấu làm ăn, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn. Nhờ quy chế phối hợp chặt chẽ, đến nay nguồn vốn vay này kịp thời đến với các trường hợp đảm bảo điều kiện và bước đầu phát huy hiệu quả.

TRƯỜNG AN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202405/tao-sinh-ke-cho-nguoi-man-han-tu-6991160/