Tên lửa ATACMS liệu có giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường?

Trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine trị giá 60,64 tỷ USD, tổ hợp tên lửa đạn đạo lục quân (ATACMS) được coi là loại vũ khí nguy hiểm khi có tầm bắn xa và mang đầu đạn chùm. Giới chức Ukraine nhấn mạnh, ngay khi ATACMS được cung cấp, chúng sẽ nhanh chóng được sử dụng trên chiến trường.

Vậy tên lửa ATACMS có thực sự mạnh như đánh giá?

Vũ khí được so sánh như đối trọng của tổ hợp Iskander

Sự ra đời của ATACMS gắn liền với sự thay đổi học thuyết quân sự của Mỹ và NATO vào thời kỳ cuối của Chiến tranh Lạnh, khi việc sử dụng vũ khí hạt nhân không còn là ưu tiên trong xung đột. ATACMS đáp ứng vai trò của loại vũ khí tấn công phi hạt nhân chính xác cao nhằm vào các mục tiêu có giá trị chiến thuật, chiến lược nằm sâu trong hậu tuyến đối phương.

Nguyên mẫu đầu tiên của ATACMS được sản xuất năm 1986 và được chấp nhận vào biên chế Quân đội Mỹ từ năm 1988 với tên mã MGM-140. Dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật này được liên tục được nâng cấp cả về tầm bắn và tính năng với vai trò là vũ khí tấn công tầm xa lục quân của Mỹ và đồng minh cho tận thời điểm hiện tại.

Tên lửa ATACMS là vũ khí tấn công lục quân lợi hại của Quân đội Mỹ và đồng minh. Ảnh: Topwar

Phiên bản tiêu chuẩn của ATACMS là MGM-140A bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính, động cơ đẩy nhiên liệu rắn và bánh lái khí động học. MGM-140A mang đầu đạn chùm chứa 950 đạn con để bù lại việc độ chính xác thấp. Tầm bắn của phiên bản ATACMS này là 165km với sai số lệch mục tiêu khoảng 15m.

Điểm đặc biệt của ATACMS chính là quỹ đạo bay bán đạn đạo. Tên lửa sẽ được đẩy lên độ cao lớn theo nguyên tắc của tên lửa đạn đạo, nhưng giai đoạn tiếp cận mục tiêu lại là lượn có điều khiển. Chính vì thế, tên lửa đạn đạo của Mỹ có tốc độ tiếp cận mục tiêu khá thấp.

Năm 1998, Mỹ giới thiệu phiên bản nâng cấp của ATACMS là MGM-140B với tầm bắn tăng lên 300km. Độ chính xác của tên lửa cũng được cải thiện nhờ bổ sung hệ thống dẫn đường và hiệu chỉnh vệ tinh NAVSTAR. ATACMS cũng được trang bị nhiều loại đầu đạn hơn, trong đó có đầu đạn nổ phá mảnh và phá boongke, hầm ngầm.

Thế hệ ATACMS mới nhất là MGM-164 và ATACMS 2000 MOD cải tiến khả năng dẫn đường và ngòi nổ điện tử để tăng khả năng công phá chính xác cao. Quá trình sản xuất tên lửa ATACMS kéo dài từ năm 2007 với tổng cộng khoảng 3.700 đạn tên lửa được chế tạo.

Quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng ATACMS trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 tại Iraq. Và từ đó tới nay, dòng tên lửa đạn đạo lục quân này được sử dụng tại nhiều chiến trường khác nhau. Để kéo dài thời gian phục vụ của tên lửa ATACMS, Quân đội Mỹ cũng triển khai các gói nâng cấp các phiên bản tên lửa cũ lên chuẩn ATACMS 2000 để xuất khẩu các các quốc gia đồng minh.

Tháng 11-2023, quá trình phát triển Tên lửa tấn công chính xác (PrSM) để thay thế cho ATACMS trong biên chế Quân đội Mỹ đã hoàn thành. Chính vì thế, Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh việc xuất khẩu ATACMS ra nước ngoài. Đây có thể là lý do giúp Ukraine được nhanh chóng cung cấp dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật này.

Mỹ hiện tại đã không còn sản xuất đạn tên lửa ATACMS, mà chỉ nâng cấp các đạn tên lửa cũ. Ảnh: DefenseTalk

Liệu có tiếp tục mất thiêng tại Ukraine?

Theo hãng tin Reuters, Ukraine thực tế đã nhận lô tên lửa ATACMS đầu tiên vào năm 2023 với khoảng 20 đạn tên lửa trong một gói viện trợ vũ khí bí mật của Mỹ. Các tên lửa MGM-140A đã được sử dụng trong các đợt tấn công nhằm vào sân bay Nga ở thành phố Berdyansk, vùng Zaporozhye vào tháng 10-2023. Công binh Nga đã phát hiện ra nhiều đầu đạn con vốn được sử dụng trong tên lửa ATACMS tại hiện trường vụ tấn công.

Giống như nhiều loại vũ khí tấn công được Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine, Quân đội Nga đã nhanh chóng tìm cách đối phó với ATACMS. Chỉ huy một đơn vị tên lửa phòng không thuộc Nhóm tác chiến chiến thuật phía Nam của Nga tại Ukraine tiết lộ, các thông tin về tên lửa và phương pháp đối phó với ATACMS của Ukraine đã được phổ biến tới đơn vị. Kết quả là chỉ một tuần sau vụ tấn công vào sân bay tại Berdyansk, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đánh chặn được 2 đạn tên lửa ATACMS được Ukraine sử dụng trong một vụ tấn công.

Đánh giá về tên lửa ATACMS, chuyên gia quân sự Nga Anatoly Matviychuk phân tích, khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa ATACMS lượn với tốc độ cận âm nên vũ khí phòng không có thể ngăn chặn chúng.

“Tôi sẽ không nói rằng ATACMS là vô dụng. Nhưng chắc chắn nó không mang lại được kết quả như mong đợi”, chuyên gia quân sự Nga Anatoly Matviychuk cho biết.

Tên lửa tấn công chính xác (PrSM) đang dần thay thế ATACMS trong biên chế Quân đội Mỹ từ cuối năm 2023.

Có chung quan điểm, Đại tá quân đội Nga đã nghỉ hưu Viktor Litovkin nhấn mạnh rằng, các tổ hợp phòng không của Nga, bao gồm Tor, Buk và S-400 đều có thể bắn hạ tên lửa ATACMS. Ngoài vũ khí phòng không, hệ thống tác chiến điện tử cũng có thể chế áp khiến tên lửa đạn đạo của Mỹ đánh lệch mục tiêu. Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ thừa nhận, Quân đội Nga “đã chứng tỏ được kỹ năng của mình” khi tìm ra cách chế áp hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS của tên lửa ATACMS.

Phó giáo sư Khoa phân tích Chính trị và Tâm lý Xã hội của Đại học Kinh tế Plekhanov (Nga) Oleg Glazunov nhận định, ATACMS sẽ không dẫn đến những thay đổi cơ bản cục diện chiến trường hiện tại, mà chỉ có tác dụng kéo dài xung đột.

Theo lời ông Oleg Glazunov, ATACMS sẽ được Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng tấn công hậu tuyến của Quân đội Nga và gây thêm khó khăn hệ thống phòng không của Nga. Tuy nhiên, số lượng của chúng không đủ để uy hiếp và khiến đà tấn công của phía Nga chậm lại. Ngoài ra, việc ATACMS sử dụng đầu đạn chùm sẽ gây ô nhiễm bom mìn và thương vong của thường dân.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/ten-lua-atacms-lieu-co-giup-ukraine-thay-doi-cuc-dien-chien-truong-774868