Tết trong tôi là ...
Với nhiều người, Tết có thể là khoảng thời gian áp lực nhất trong năm. Tuy nhiên, có những người, không chỉ là người trẻ lại đã và đang đón nhận Tết cổ truyền của người Việt theo cách mới hiện đại và nhẹ nhàng, nhưng vẫn tràn ngập niềm vui tiếng cười và sự phấn khởi.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư: “Tết là thời gian nghỉ ngơi, nhìn lại một năm cũ đã qua”
Tôi rất ấn tượng với ký ức về Tết hồi còn rất nhỏ. Lúc ấy, mỗi khi Tết về bố mẹ thường mua cho quần áo mới và được đi chợ Tết cùng người thân, mua đào, mua quất… đồng thời, chúng ta có khoảng thời gian mà những người lao động cả một năm được nghỉ ngơi, đoàn tụ với gia đình. Có lẽ vì thế, Tết cổ truyền mang ý nghĩa truyền thống nhiều hơn Tết Dương lịch (Tết Tây).
Nhưng bên cạnh giá trị truyền thống thì việc Tết kéo dài quá lâu cũng gây nên sự trễ nải về công việc. Với quan điểm của tôi, Tết cổ truyền vừa phải để đủ thời gian để ôn lại những kỷ niệm, những cuộc gặp gỡ.
Ngày nay, nhiều người có quan niệm khi nghỉ Tết thì phải dành thời gian để đi du lịch ở nhiều nơi như Sa Pa, Đà Lạt, Đà Nẵng… hay một nơi nào đó để cảm nhận không khí Tết tại đó. Nhưng hiện nay, đa phần các bậc cha mẹ chưa dung hòa được, chấp nhận được cách nghĩ ấy, lối nghĩ ấy, cho nên nhiều khi có những người còn cực đoan, nặng nề thì bảo đó là không có hiếu. Đối với tôi thì hiếu nghĩa không phải là Tết cứ phải ở bên bố mẹ, hay là về với bố mẹ, miễn có đủ sự quan tâm nhất có thể… Có lẽ, sau một số năm nữa thì quan niệm ấy sẽ cởi mở hơn, còn hiện nay điều này vẫn nặng nề trong khá nhiều gia đình Việt Nam.
Khoảng thời gian nghỉ Tết chính là lúc nghỉ ngơi và tích lũy năng lượng cho một năm mới. Nếu như đón một cái Tết lành mạnh, đúng nghĩa thì có thể tạo ra năng lượng tốt để bước vào năm mới.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Tuấn Cường - Giám đốc nhà hát chèo Việt Nam: “Thật là tiếc nếu Tết truyền thống dần mất những nghi thức thiêng liêng”
Ngày xưa Tết quê rất thiêng liêng, các gia đình rất mong được gói bánh chưng, rồi mọi người ngồi quây quần bên nhau rất hạnh phúc. Vào mỗi dịp Tết đến, tôi chỉ mong được bố mẹ đưa đi chúc Tết ông bà nội, ngoại, hàng xóm láng giềng. Cùng với đó, những lần Tết xưa được bố mẹ mua cho quần áo mới cảm thấy thiêng liêng vô cùng và rất háo hức mong đến ngày Tết.
Ngày nay, vấn đề cơm áo gạo tiền làm con người ta vất vả quá, nên nhiều người không còn thấy háo hức như Tết xưa nữa. Nhiều người cho rằng, Tết quá mệt mỏi với các lễ nghĩa nên tìm cách trốn Tết bằng việc cùng vợ chồng con cái đi nghỉ, hoặc đón một cái Tết ở một nơi nào đó xa xôi, để tránh đi cái cảm giác là năm nào cũng phải gói bánh chưng, đi mừng tuổi người này, chúc Tết người kia.
Nhưng cái sự mệt mỏi ấy tôi lại nghĩ là sự mệt mỏi cần phải có ở mỗi con người chúng ta hiện nay. Giới trẻ ngày nay không có được cảm xúc giống như chúng tôi ngày xưa, vì bọn trẻ không lớn lên trong bối cảnh đó. Thật là tiếc nếu Tết truyền thống dần mất đi những nghi thức thiêng liêng. Cứ như vậy, chúng ta sẽ đánh mất dần bản sắc của người Việt. Bây giờ mà mất đi hơi thở của Tết thì sẽ không còn những giá trị truyền thống nữa.
Ca sĩ Trần Thanh Thủy - Á quân giọng ca vàng Bolero Việt Nam 2023: “Tết vẫn luôn làm tôi rạo rực”
Tôi vẫn nhớ lắm Tết ngày xưa, hồi còn nhỏ chỉ mong đến Tết để được mẹ đưa đi mua sắm quần áo mới, rồi điều mà tôi nhớ nhất cảm giác cái Tết ngày xưa là được ngồi xem bố mẹ gói bánh chưng. Bây giờ thì alo một cái là cần bao nhiêu bánh cũng có, họ mang sẵn đến chúng ta chỉ việc sắp lên bàn thờ và cất ăn trong mấy ngày Tết.
Bây giờ không còn cảm nhận được sự háo hức của trẻ nhỏ với Tết nữa. Tôi nghĩ rằng ngày xưa các cụ gọi là ăn Tết, còn ngày nay các bạn trẻ gọi là chơi Tết. Vì ngày xưa chỉ có Tết mới được sum họp, quây quần bên nhau bên những mâm cơm gia đình. Nhưng giờ Tết nhiều nhà chọn đi du lịch một nơi nào đó cho hết mấy ngày Tết. Riêng gia đình tôi, năm nào tôi cũng giữ thói quen ở nhà nấu nướng cúng tổ tiên, rồi nấu ăn cho các con cái và mời bạn bè về chung vui.
Những ngày đầu xuân tôi thường hay đi chùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và cầu cho gia đình mình được bình an may mắn. Cứ sáng mùng 1 sau khi tôi làm cỗ cúng gia tiên xong là gọi các con cùng sửa soạn quần áo trang nghiêm đi lễ những chùa gần nhà. Khi thắp những thẻ hương lên vào dịp đầu năm mới, cảm giác rất ấm áp và hạnh phúc, vì vậy tôi luôn cầu những điều hạnh phúc nhất đến với gia đình tôi và mọi người trong năm mới.
Tết vẫn luôn làm tôi rạo rực. Có thể đối với các bạn trẻ bây giờ, Tết có thể sẽ không còn như lớp mình hồi xưa nữa, bởi vì cuộc sống bây giờ quá đầy đủ khiến cho cái bánh chưng có thể ăn bất cứ lúc nào, chứ không phải đợi đến Tết mới được ăn, đợi đến Tết mới được mừng tuổi, đợi đến Tết mới được mặc bộ quần áo mới. Giờ cũng không phải đợi đến Tết để được mừng tuổi nữa. Điều đó cho thấy cuộc sống ngày nay rất đầy đủ, nên cảm giác thiêng liêng ngày Tết không còn được như ngày xưa. Mọi thứ ranh giới giữa ngày bình thường và Tết dường như đã không còn khoảng cách với nhau là mấy.
Với tôi, cảm giác Tết là được đi chọn quất, chọn đào, ra chợ hoa ngày Tết. Không khí của ngày giáp Tết tạo cho mình cảm giác rất kì lạ và không phải lúc nào cũng có được không gian và không khí ấy. Và tôi luôn chọn một cái Tết ấm cúng, phục vụ gia đình, quây quần bên con cái, đi lễ chùa, chúc thọ ông bà, cha mẹ.
Ca sĩ Du Thiên: “Không còn cảm giác thích Tết như ngày xưa”
Nói đến Tết là tôi đã cảm thấy rạo rực, nhớ nhà rồi. Ngày xưa, hồi còn bé tôi rất thích Tết. Cảm giác được mẹ cho đi mua quần áo mới, được mua những bánh pháo tép, rồi ngồi xem mẹ gói những cái bánh chưng to và không quên gói cho tôi cái bánh chưng nhỏ.
Còn nữa, Tết ngày xưa tôi rất thích vì được mừng tuổi rất nhiều, ai đến chơi cũng mừng tuổi và mẹ đưa tôi đi đâu cũng được mọi người mừng tuổi. Cảm giác ấy thật không thể quên. Vâng, đó là ngày xưa tôi còn bé, bây giờ lớn rồi thì lại không còn cảm giác thích Tết như ngày xưa nữa, mà thay vào đó là cảm giác mong chờ sang một năm mới để lên kế hoạch cho một dự án âm nhạc nào đó mà tôi tâm đắc.
Năm nào cũng thế, từ khi tôi làm ca sĩ thì không một năm nào tôi được ăn Tết bên gia đình. Tất cả những ngày Tết tôi dành chọn cho khán giả, cống hiến hết công suất để khán giả được vui. Điều cống hiến ấy cũng làm tôi rất vui và mong cho mình cứ lúc nào cũng bận rộn như Tết vậy.
Anh Nguyễn Đình Phong - Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và xây dựng Hồng Thái: “Tết để nhìn lại quá khứ và hướng về tương lai”
Tôi là dân văn phòng và xa quê. Với tôi Tết như một dịp nghỉ ngơi để “nhìn lại quá khứ và hướng về tương lai”. Hết ngày làm việc cũng tầm 28, 29 Âm lịch, tôi cùng gia đình tất bật dọn hành lý rồi cùng gia đình đón xe về quê giữa dòng người và phương tiện đông đúc. Khi về đến quê, tôi lập tức bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa, mua một cây đào, sau đó tôi đi chọn một vài gói quà để đi tặng người thân trong gia đình. Với tôi khoảng thời gian ý nghĩa và nhiều cảm xúc nhất trong đợt Tết là ngày 30. Buổi tối hôm đó gia đình tôi cùng ông bà, bố mẹ sẽ ngồi quây quần bên nhau, gác lại bao lo âu của cuộc sống và thưởng thức một bữa cơm gia đình đúng nghĩa, đậm chất văn hóa Việt Nam với 4 thế hệ. Ông bà tôi đã ngoài 80 tuổi, mỗi đợt Tết đến Xuân về lại được nhìn các thế hệ tiếp nối trưởng thành hơn như được tiếp thêm sức sống và dường như trẻ ra thêm vài tuổi.
Sau khi đón Giao thừa và hạ lễ trung thiên, tôi sẽ ngồi với bố tôi nhâm nhi một lon bia và lắng nghe mùa xuân về. Hai người đàn ông hai thế hệ ngồi với nhau, tuy không nói lời nào nhưng tôi đoán bố tôi cũng xúc động như tôi, cũng sẽ cùng hoài niệm về thời tôi còn bé thơ, tình máu mủ thiêng liêng không nói lên lời.
Thời gian trước Tết trôi thật nhanh, thật bận rộn nhưng cũng thật ý nghĩa và xúc động để nhìn về quá khứ. Những ngày tiếp theo như mồng Một, Hai, Ba… có lẽ là những ngày để nhìn về tương lai, mọi người đến thăm nhau và chúc nhau một năm mới thật mạnh khỏe, hạnh phúc và làm ăn thuận lợi. Kỳ nghỉ diễn ra thật nhanh và tôi luôn thích những cái Tết cổ truyền như vậy, vì nó thấm đẫm tình thân, tình làng xóm và truyền thống của người Việt.
Chị Mai Liên - Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER): “Không phân biệt rạch ròi Tết cổ truyền, Tết hiện đại”
Đối với tôi, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Tết cổ truyền tức là Tết Nguyên Đán và Tết Tây đem đến cảm nhận rất khác nhau. Nhắc tới Tết Tây là nhớ tới những bữa tiệc bạn bè sôi động trước giây phút chuyển giao giữa năm này và năm sau, là sự đông vui, rộn ràng khắp phố. Còn Tết cổ truyền ở Hà Nội mang ý nghĩa khác hoàn toàn. Trái với ngày thường, không gian Tết ở Hà Nội bình yên đến lạ.
Trong dịp Tết, có lẽ khoảng thời gian chạm đến cảm xúc nhất là đêm nổi lửa cùng gia đình trông nồi bánh chưng và cả khoảnh khắc thắp hương lễ hiếu sáng mùng Một. Ngồi bên nồi bánh chưng trên bếp lửa, nồi măng nồi lá để đun ké bên rìa, hương thơm của lá mùi già hay lá bưởi hương nhu thoảng bay, tiếng củi nổ lách tách, cả nhà ngồi quây quần quanh ánh lửa, nói cười kể nhau nghe những kỷ niệm gia đình mà gần như năm nào cũng nhắc lại mà thật cảm động.
Thậm chí, tôi còn nhớ suốt những năm tháng ấu thơ, Tết với tôi là những chuyến tàu từ Bắc vào Nam, đưa chúng tôi về quê nội. Tết là phút giây giao thừa ngõ xóm rồng rắn theo nhau lên chùa thắp hương cầu bình an, là lên mộ thắp hương cho người thân đã khuất, là sang nhà nhau chúc nhau ly rượu đầu xuân, mong một năm mới vạn sự cát tường. Những khoảnh khắc này đúng là liều thuốc tinh thần hữu hiệu, giúp ta nạp lại năng lượng tích cực, tự tin bước sang một năm mới với động lực phát triển mới.
Tôi không có sự phân biệt rạch ròi thế nào là Tết cổ truyền và thế nào là Tết hiện đại, cũng như khó để nhận xét rằng với Tết, tôi là người hướng theo phong tục truyền thống hay đi theo phong cách hiện đại. Tôi là một người kết hợp cả 2 xu hướng đó.
Chị Thảo Quyên - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Tết là tìm về với nguồn cội”
Với tôi, dù xã hội có hiện đại đến đâu thì Tết vẫn vẹn nguyên với những vẻ đẹp truyền thống. Là người con xa nhà, một năm chỉ về thăm quê, sum họp, quây quần bên gia đình 1 - 2 lần, điều ấy làm tôi càng thêm trân quý khoảng thời gian đầy ý nghĩa này. Tết trong tôi dù thế nào vẫn luôn vẹn nguyên những giá trị truyền thống, nguyên sơ. Là sớm theo mẹ ra chợ mua hoa quả, thịt lợn, bánh mứt, là đêm 30 thức canh Giao Thừa bên nồi bánh chưng, bánh Tét, là sớm mồng Một diện áo dài chúc Tết ông bà, cha mẹ, viếng mộ những người thân đã khuất…
Nhớ lại ngày còn bé, cứ đến tầm 23 tháng Chạp là tôi lại cảm nhận rõ Tết đang cận kề. Đêm 23 đưa ông Táo về trời, bố tôi hay bảo: “Thế là hết năm rồi, ông Táo về chầu trời, báo cáo về một năm qua của nhà mình đó”. Nói rồi cả nhà mình ngồi sum vầy, bố mẹ tổng kết về những điều đã làm được một năm qua cả về gia đình, công việc, con cái cũng tổng kết việc học tập của năm cũ vừa qua.
Giờ đây, khi đã lớn, tôi phải sống xa nhà. Khoảng thời gian được ở nhà, ăn Tết cùng bố mẹ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Người ta hay nói, dù bạn làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, cứ đến Tết là về sum họp dưới mái ấm gia đình. “Về quê ăn Tết”, nó không phải là một khái niệm thông thường là đi hay về, mà chính là tìm về với nguồn cội.
Thanh Hoài - Đình Trung (Ghi)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tet-trong-toi-la-post282362.html