Thái Bình: Lễ hội chùa Keo được tổ chức với nhiều chương trình đặc sắc

Lễ hội chùa Keo mùa Xuân tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình lần đầu được tổ chức vào những ngày đầu xuân mới được tổ chức trong 4 ngày (13 đến 16/2) với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh cả phần lễ và phần hội.

Lễ hội kéo dài 4 ngày trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.

Đây cũng là lần đầu tiên rối cạn chầu Thánh, khai bút ban chữ đầu năm được tổ chức ở ngôi chùa cổ kính hơn 400 năm tuổi.

Lễ hội chùa Keo với nhiều chương trình đặc sắc. Ảnh Khánh Linh

Lễ hội chùa Keo với nhiều chương trình đặc sắc. Ảnh Khánh Linh

Ngay sau lễ khai chỉ mở cửa đền Thánh vào sáng mùng 4 Tết, nhân dân địa phương cùng du khách tham gia phần hội với nhiều trò chơi dân gian.

Ông Nguyễn Hữu Khang, Trưởng ban khánh tiết cho biết: "Mở màn là lễ khai chỉ mở cửa đền Thánh được tổ chức trang trọng theo nghi lễ cổ. Lễ khai chỉ có sự góp mặt của các bô lão và nhiều thế hệ tiếp nối của làng Keo như sự bảo lưu, trao truyền những giá trị truyền thống của nơi đây".

Nhiều trò chơi dân gian được tái hiện tại Lễ hội. Ảnh Khánh Linh

Nhiều trò chơi dân gian được tái hiện tại Lễ hội. Ảnh Khánh Linh

Lễ hội còn có các trò chơi dân gian độc đáo như: Trống hội, thi bắt vịt, múa rối nước, hát giao duyên... không thể không kể đến chạy giải thổi cơm thi. Đây là cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. Không chỉ là điểm hẹn của những thanh niên trai tráng, khéo léo trong làng Keo để làm ra mâm cơm dâng lên lễ Thánh mà hội thi này luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi hào hứng, phấn khởi của du khách thập phương, tạo tinh thần, khí thế phấn khởi, hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi và may mắn.

Bên cạnh đó, Hội thi thổi cơm cũng được diễn ra với nhiều chương trình đặc sắc. Hội thi thổi cơm thi gồm 2 công đoạn: Chạy giải và thổi cơm. Trong đó, 2 người có sức khỏe, nhanh nhẹn và sức bền tốt tham gia thi chạy giải, các thành viên đều phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn trong từng công đoạn từ kéo lửa đến thổi cơm.

Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân đến xem. Ảnh Khánh Linh

Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân đến xem. Ảnh Khánh Linh

Ban giám khảo sẽ chấm điểm mâm cơm nào đạt các tiêu chí cơm chín, xôi rền, chè sánh, vệ sinh sạch sẽ để tuyên bố thắng cuộc và dâng lên lễ Thánh. Người dân làng Keo tin rằng tham gia hội thi là được Đức Thánh phù hộ nên tục lệ này đã được người dân nơi đây đời nối đời trao truyền hàng thế kỷ qua.

Ngoài ra, nhiều hoạt động phần hội được tổ chức trong suốt các ngày từ mùng 4 – 7 tháng Giêng. Các hoạt động phần hội được bổ sung trong mùa lễ hội là biểu diễn múa rối nước của phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng) vào tối ngày mùng 4, mùng 5; khai bút đầu xuân, liên hoan văn hóa làng, giải cờ tướng, giao lưu các câu lạc bộ chèo…

Lễ hội còn có khai bút mùa Xuân. Ảnh Khánh Linh

Lễ hội còn có khai bút mùa Xuân. Ảnh Khánh Linh

Đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa Keo cho biết: "Điểm nhấn của lễ hội năm nay là trò rối cạn chầu Thánh được phục dựng và trình diễn sau mấy chục năm bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách.

Theo các tài liệu “Nghệ thuật Ổi Lỗi” hay nghệ thuật hát múa Rối đầu gỗ chầu Thánh là loại hình nghệ thuật dân gian thực hành nghi lễ hầu Đức Thánh đại thiền sư Từ Đạo Hạnh tương tự nghệ thuật Hầu bóng trong thực hành nghi lễ của Tam phủ, Tứ phủ. Là tổng hòa của 3 môn nghệ thuật: Ca, vũ, nhạc đặc biệt nguyên sơ, không bị lai tạp các nghệ thuật khác và không bị phôi phao theo thời gian. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh, nghệ thuật này cũng phản ánh được tâm tư nguyện vọng của những người dân vùng lúa nước là mong muốn đất nước thanh bình, có vua sáng tôi hiền, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ hạnh phúc, con em được học hành, mọi tầng lớp trong xã hội thân ái, hòa thuận cùng chung vai chống thiên tai địch họa.

Lễ hội có tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân trồng lúa nước. Ảnh Khánh Linh

Lễ hội có tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân trồng lúa nước. Ảnh Khánh Linh

Theo Đại đức Thích Thanh Quang trụ trì chùa Keo, khai bút ban chữ lần đầu tiên được tổ chức qui mô tại lễ hội chùa Keo. Du khách tham dự sẽ được mừng tuổi vở, bút và được ban chữ mình mong muốn.

Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: "Trong tâm thức dân gian, lễ hội chùa Keo là lễ hội cấp vùng bởi có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân trồng lúa nước đồng bằng châu thổ sông Hồng. Từ ngày 13/2 – 16/2 (tức từ mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng Giêng), lễ hội năm nay được tổ chức với rất nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh, thể dục thể thao hấp dẫn, đặc sắc để phục vụ nhu cầu du xuân, lễ chùa, vui chơi của nhân dân địa phương và du khách..."

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thai-binh-le-hoi-chua-keo-duoc-to-chuc-voi-nhieu-chuong-trinh-dac-sac.html