Thái Lan bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống qua múa Khon

Khi nói đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Thái Lan, múa Khon có lẽ là loại hình nghệ thuật nổi tiếng nhất trong số đó.

Khon là một loại kịch múa cổ của Thái Lan, tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Các màn biểu diễn Khon bao gồm các động tác múa uyển chuyển cùng nghệ thuật trình diễn nhạc cụ và thanh nhạc. Khon được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2018.

Múa Khon. Ảnh: CNN

Múa Khon. Ảnh: CNN

Trang phục khi trình diễn loại kịch múa này vô cùng đặc biệt bao gồm mặt nạ, quần áo đồng piphat truyền thống bên cạnh đó là kèm theo thuyết minh.

Du khách có thể đã gặp các nhân vật đeo mặt nạ ở Thái Lan vào một thời điểm nào đó trong chuyến du lịch mà không hề nhận ra. Chẳng hạn như tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, những bức tượng lớn của yak ( yêu tinh khổng lồ) cao hơn hành khách khởi hành.

Những người khổng lồ này nằm trong số rất nhiều nhân vật đầy màu sắc xuất hiện trong Ramakien, bộ sử thi của Thái Lan, cũng khá giống với Ramayana của Ấn Độ, nhưng Thái thay đổi một số chi tiết cho hợp với văn hóa Thái hơn, dựa trên câu chuyện Ramayana của đạo Hindu.

Và điệu múa Khon, có niên đại từ thời Ayutthaya (1351–1767), mang câu chuyện của những tác phẩm văn học cổ điển vào cuộc sống bằng cách kết hợp khiêu vũ, võ thuật và âm nhạc truyền thống Thái Lan với trang phục và đồ trang sức tinh xảo.

Trong nghệ thuật Khon, ba loại mặt nạ chính là Phra (chúa), Yak (yêu tinh) và Ling (khỉ). Những người biểu diễn khỉ và yêu tinh đều đeo mặt nạ trong khi các nhân vật khác làm nổi bật đặc điểm khuôn mặt bằng cách trang điểm đậm, ấn tượng.

Ngày nay, Khon được biểu diễn ở khắp mọi nơi, từ trường học đến các sự kiện đặc biệt, và thậm chí cả trong các nhà hàng Thái Lan mà khách du lịch thường xuyên lui tới. Nhưng một trong những nơi tốt nhất để trải nghiệm buổi biểu diễn Khon đích thực là Nhà hát Hoàng gia Sala Chalermkrung ở Bangkok (Thái Lan).

Bảo tồn loại hình nghệ thuật trong thời hiện đại

Nghệ sĩ Thanet Pakwisath đeo mặt nạ Hanuman trước buổi biểu diễn buổi chiều tại Nhà hát hoàng gia Sala Chalermkrung. Ảnh: CNN

Nghệ sĩ Thanet Pakwisath đeo mặt nạ Hanuman trước buổi biểu diễn buổi chiều tại Nhà hát hoàng gia Sala Chalermkrung. Ảnh: CNN

Apassara Nok-ork, nhân vật chính của múa Khon đặc biệt này, đóng vai Công chúa Tiên cá (Suvannamaccha), phải đến sớm vài giờ để chuẩn bị cho ba buổi biểu diễn trong ngày.

Apassara Nok-ork, 35 tuổi là nghệ sĩ tham gia chương trình kịch múa cổ Khon tại Thái Lan. Khi trang điểm đậm và chi tiết trên khuôn mặt để chuẩn bị đóng vai Nàng tiên cá (Suvannamaccha), Apassara nói rằng cô đã học múa truyền thống Thái Lan từ khoảng 4 tuổi và chọn loại hình nghệ thuật Khon từ năm 15 tuổi.

"Chúng tôi phải bắt đầu với môn nghệ thuật này từ khi còn nhỏ và phải tiếp tục luyện tập theo thói quen, không ngừng rèn luyện cơ thể để duy trì sức mạnh vì bộ trang phục rất nặng. Khi biểu diễn, nếu nghệ sĩ không tập luyện đầy đủ, sự mệt mỏi sẽ lộ rõ và khán giả sẽ nhìn thấy ngay điều đó", Apassara nói thêm

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà người biểu diễn Khon phải có là tính linh hoạt. Ngay cả những động tác tay mà các vũ công nữ thực hiện trên sân khấu cũng hết sức thiếu tự nhiên và là kết quả của nhiều năm luyện tập căng thẳng.

Khi được yêu cầu thể hiện sự linh hoạt của bản thân, Apassara nắm 4 ngón tay của bàn tay trái ở đầu, dùng tay phải kéo chúng lại, khớp cổ tay uốn cong về vị trí yếu nhất. Quá trình đào tạo cần thiết để đạt được trình độ kỹ năng này cần sự cố gắng nhất định và sẽ loại bỏ những người không thực sự đam mê nghệ thuật. Những người không có đủ sức mạnh thể chất và tinh thần, họ có thể bỏ dở việc học ngay giữa chừng.

Theo hãng CNN, khi Apassara lên sân khấu cho buổi biểu diễn đầu tiên trong ngày tại Nhà hát Hoàng gia Sala Chalermkrung, khuôn mặt cô không hề có một chút mệt mỏi nào. Bất chấp sức nặng của chiếc mũ kim loại và khối vải vàng bao bọc cơ thể, cô di chuyển dễ dàng trên sân khấu, trốn tránh Hanuman đang đuổi theo cho đến khi họ gặp nhau trong một bản song ca tuyệt đẹp. Màn trình diễn linh hoạt và không hề thấy gượng gạo.

Đối với Apassara, mọi đau đớn và vất vả trong nhiều năm qua đều đáng giá khi mang tác phẩm đến khán giả và được đón nhận.

"Là nghệ sĩ trong các tiết mục múa Khon, tôi đã có cơ hội biểu diễn trong các nghi lễ lớn, trong đó có các sự kiện hoàng gia và đã đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Tôi cảm thấy tự hào mỗi khi có thể giới thiệu tác phẩm nghệ thuật quý giá này tới khán giả. Tôi vẫn cảm thấy hào hứng mỗi lần biểu diễn, bất kể trước đây tôi đã làm điều đó bao nhiêu lần," Apassara nói.

Với trang phục tham gia biểu diễn, những chiếc mặt nạ mà các nghệ sĩ đeo khác nhau sẽ tùy thuộc vào trạng thái và cấp bậc của nhân vật, và có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để các nghệ nhân lành nghề tạo ra. Những nhân vật đeo mặt nạ cũng cần điều chỉnh để vừa vặn hoàn hảo./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thai-lan-bao-ton-nghe-thuat-bieu-dien-truyen-thong-qua-mua-khon-20240520162621646.htm