Thái Lan với tham vọng trở thành trung tâm hàng không

Đặt tham vọng trở thành một trong 5 quốc gia hàng đầu về hậu cần hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương trong vòng 2 thập kỷ tới, Thái Lan vừa công bố bản kế hoạch 3 giai đoạn để nâng cấp, mở rộng các sân bay, hướng tới mục tiêu đón 270 triệu người/năm vào năm 2037.

Chiến lược này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn củng cố và mở rộng kết nối với mạng lưới hàng không toàn cầu, thu hút du lịch trong nước và quốc tế.

Máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phuket (Thái Lan) - vốn đang được đầu tư mở rộng cho giai đoạn tới.

Máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phuket (Thái Lan) - vốn đang được đầu tư mở rộng cho giai đoạn tới.

Theo kế hoạch được Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) công bố, trong giai đoạn thứ nhất, CAAT sẽ tăng công suất các sân bay Thái Lan để đáp ứng 1,2 triệu chuyến bay và 180 triệu hành khách/năm vào năm 2025. Thời gian nối chuyến tối thiểu (MCT) cho các chặng bay quốc tế không quá 75 phút.

Giai đoạn thứ hai, từ năm 2026 đến 2028, tổng công suất tại các sân bay phải đạt 1,4 triệu chuyến và 210 triệu hành khách/năm vào năm 2028, trong khi MCT không được vượt quá 60 phút.

Ở giai đoạn thứ ba, từ năm 2029 đến 2037, CAAT đặt mục tiêu đạt công suất 2,1 triệu chuyến bay và 270 triệu hành khách, đồng thời giảm MCT xuống dưới 45 phút.

Kế hoạch này là một phần trong sáng kiến “Thắp sáng Thái Lan” của Chính phủ được công bố vào tháng 2, nhằm đưa đất nước này trở thành trung tâm du lịch, điều trị y tế, thực phẩm, hàng không, hậu cần, xe điện, nền kinh tế kỹ thuật số và tài chính vào năm 2030.

Tận dụng vị trí địa lý chiến lược và ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ, các nhà chức trách Thái Lan cam kết thúc đẩy kết nối liền mạch, tạo thuận lợi cho thương mại và du lịch trong khu vực.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự hỗ trợ của chính phủ, cùng với những cải cách thủ tục hành chính và quy định, ưu tiên cho các bên liên quan trong ngành hàng không sẽ giúp đất nước Chùa Vàng nổi lên như một quốc gia đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực này. Thuận lợi về hàng không sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Hiện tại, Thái Lan đang tung ra những khoản đầu tư đáng kể vào các dự án mở rộng và hiện đại hóa sân bay, đặc biệt là ở Bangkok và Phuket.

Thủ tướng Srettha Thavisin cũng đã đặt mục tiêu phát triển Thái Lan thành một trong 10 trung tâm phân phối hàng hóa hàng không hàng đầu thế giới. Ông cho biết, năm 2005, sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok được xếp hạng thứ 13, tuy nhiên, đến nay đã tụt xuống vị trí thứ 68 trên toàn cầu. Vì vậy, chính phủ có kế hoạch phát triển các sân bay của Thái Lan và đưa Suvarnabhumi trở lại vị trí là một trong 20 sân bay tốt nhất thế giới trong vòng 5 năm.

Sân bay quốc tế Phuket - điểm nhập cảnh quan trọng của khách du lịch đến thăm các bãi biển nổi tiếng của Thái Lan - cũng đang được nâng cấp đáng kể.

Các dự án mở rộng tại sân bay Phuket nhằm mục đích tăng cường năng lực để phục vụ số lượng hành khách ngày càng tăng, đặc biệt là trong mùa du lịch cao điểm - chở 18 triệu hành khách/năm vào năm 2030.

Các dự án bao gồm xây dựng nhà ga mới, mở rộng khu vực sân đỗ để chứa nhiều máy bay hơn và những cải tiến về tiện nghi, dịch vụ hành khách. Những thay đổi này sẵn sàng nâng cao vị thế của sân bay Phuket như một cửa ngõ hàng không quan trọng trong khu vực và hỗ trợ ngành Du lịch đang phát triển.

Sân bay Phuket thứ hai, được gọi là Andaman, sẽ được xây dựng để phục vụ nhiều khách du lịch đến Phuket, Phang-nga, Krabi và các tỉnh lân cận khác. Andaman dự kiến có công suất khoảng 40 triệu người/năm, phục vụ cả các chuyến bay đường dài và chuyến bay quốc tế.

Riêng sân bay Don Mueang sẽ được chuyển đổi sang mô hình điểm - điểm (chặng bay từ điểm đầu đến điểm cuối chỉ khai thác bởi 1 hãng hàng không). Tòa nhà Junction sẽ trở thành trung tâm thương mại quy mô lớn để thu hút khách du lịch. Cùng với đó sẽ tăng cường kết nối sân bay với hệ thống vận tải công cộng và phát triển trung tâm bảo trì, sửa chữa, đại tu máy bay (MRO).

Ngoài ra, chính phủ sẽ nâng cấp các sân bay trên toàn quốc, áp dụng các công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ hiệu quả. Các sản phẩm nông nghiệp nội địa chất lượng cao sẽ được khuyến khích cung cấp cho các hãng hàng không khác nhau trong nỗ lực đưa Thái Lan trở thành “căn bếp” của thế giới.

Theo nhận định của các nhà kinh tế, nếu kế hoạch chuyển đổi thành trung tâm hàng không khu vực và toàn cầu thành công, Thái Lan sẽ đạt được bước tiến lớn trong chiến lược phát triển kinh tế rộng hơn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và kích thích tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong thập kỷ tới.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thai-lan-voi-tham-vong-tro-thanh-trung-tam-hang-khong-666832.html