Thắm tình nơi nguồn cội

Đã trở thành thông lệ, những ngày đầu tháng 3, Ban Công đoàn Quốc phòng (CĐQP) tổ chức đoàn công tác về nguồn tại thôn Pắc San 2, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, nơi đặt Bia di tích lịch sử ra đời Công đoàn Sản xuất vũ khí Việt Nam, tổ chức công đoàn đầu tiên trong Quân đội (6-3-1949).

“Suốt đêm tôi không ngủ được, cứ mong trời sáng để ra đây, được gặp mặt các đồng chí trong đoàn công tác về thăm bia di tích lịch sử. Năm nào tôi và gia đình cũng vinh dự được cán bộ, chiến sĩ Ban CĐQP quan tâm thăm hỏi, động viên... ”, ông Nguyễn Văn San (54 tuổi, thôn Pắc San 2) xúc động tỏ bày với Đại tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban CĐQP và các thành viên trong đoàn tại buổi gặp mặt.

Ở thôn Pắc San 2, gia đình ông San là gia đình có công lớn với cách mạng, với cán bộ, chiến sĩ Ban CĐQP và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Để có khuôn viên bia di tích khang trang, rộng rãi, thoáng mát như bây giờ, chính gia đình ông đã nhường hơn 1.000m2 đất để đơn vị và địa phương xây dựng bia di tích vào năm 2015. Cùng với gia đình ông San, gia đình ông Lường Văn Tiệp của thôn đã tự nguyện nhận trông coi, chăm sóc khuôn viên di tích. Thế rồi, chuyện những ngày đầu ra đời Công đoàn Sản xuất vũ khí Việt Nam (tiền thân của CĐQP ngày nay), về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của CĐQP, về tình cảm của gia đình ông San và người dân nơi đây dành cho bộ đội... cứ thế được các thành viên trong đoàn nhắc lại đầy cảm động.

Về nghỉ hưu đã nhiều năm, hôm nay, được trở về thăm lại nơi này, ngồi dưới những tán cây tỏa bóng xanh mát trong khuôn viên đặt bia lưu niệm, Thiếu tướng Ngô Văn Bích, nguyên Trưởng ban CĐQP, nguyên Cục trưởng Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) không giấu được sự bồi hồi, xúc động, Thiếu tướng Ngô Văn Bích nhắc lại lịch sử của ngày 6-3 cách đây tròn 74 năm: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành quân giới với lực lượng công nhân sản xuất vũ khí được hình thành và ngày càng phát triển, tham gia sinh hoạt tại các tổ chức công đoàn ở nhiều xưởng sản xuất.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, theo quyết định của Ban Công vận Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trương thống nhất công đoàn trong các xưởng sản xuất vũ khí thành ngành dọc toàn quốc, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Và Hội nghị thành lập Công đoàn Sản xuất vũ khí Việt Nam đã chính thức được tổ chức vào ngày 6-3-1949, tại bản Pắc San, xã Yên Đĩnh.

Các đại biểu trong đoàn công tác ôn lại những ngày đầu thành lập Ban Công đoàn Quốc phòng.

Các đại biểu trong đoàn công tác ôn lại những ngày đầu thành lập Ban Công đoàn Quốc phòng.

Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, dù trong gian khổ, mưa bom bão đạn, vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu nhưng cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động luôn nêu cao quyết tâm, say mê sáng tạo, cải tiến, tự thiết kế, chế tạo thành công nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật, tham gia mở đường, góp phần to lớn vào chiến thắng của Quân đội.

Tự hào về truyền thống của CĐQP, về sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn hiện nay, Đại tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban CĐQP, trưởng đoàn công tác về nguồn lần này phấn khởi tiếp lời: Từ 37.500 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 137 tổ chức công đoàn những ngày đầu thành lập, đến nay, toàn quân có 54 đơn vị cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có tổ chức công đoàn với 890 công đoàn cơ sở và hơn 175.000 đoàn viên công đoàn, trở thành lực lượng quan trọng góp phần xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Hoạt động của tổ chức công đoàn trong Quân đội ngày càng được đổi mới cả về nội dung và phương pháp, đạt hiệu quả thiết thực. 74 năm qua, có gần 10 tổ chức công đoàn cơ sở được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 5 đoàn viên công đoàn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động. Ban CĐQP được tặng 2 Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì; nhiều cờ thưởng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Dịp hành quân về nguồn năm nay, đoàn công tác có sự tham gia của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo Ban CĐQP trước đây. Mặc dù phải trải qua quãng đường dài để đến đây song gương mặt ai cũng rạng rỡ, tinh thần đầy phấn chấn. Nghỉ hưu đã nhiều năm, nay có dịp trở lại với cội nguồn quân giới, cội nguồn của đoàn viên công đoàn, Đại tá Nguyễn Xuân Hải, nguyên Trưởng ban CĐQP xúc động nói: Gắn bó nhiều năm với tổ chức công đoàn, cũng đã nhiều lần trở về Pắc San 2, lần nào cũng cho tôi những cảm xúc dâng trào, có lẽ một phần bởi CĐQP là một phần máu thịt trong cuộc đời quân ngũ của tôi.

Suy nghĩ của Đại tá Nguyễn Xuân Hải cũng là suy nghĩ của hầu hết thành viên trong đoàn. Về nguồn, về với Pắc San 2 để nhắc nhớ rằng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban CĐQP luôn ghi nhớ về nơi ra đời của đơn vị. Đó là cội nguồn, là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, nhắc nhở mỗi cán bộ, đoàn viên Ban CĐQP nói riêng, cán bộ, đoàn viên công đoàn toàn quân nói chung nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trên từng cương vị công tác.

Bài và ảnh: KIM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tham-tinh-noi-nguon-coi-720826