Thanh khoản chứng khoán tụt áp
Tâm lý nhà đầu tư thận trọng sau khi VN-Index vượt mốc 1.200 điểm lần thứ 9. Giá trị giao dịch tính chung cả 3 sàn chỉ dao động gần 16.000 tỷ đồng.
Sau chuỗi ngày tăng giảm liên tục, VN-Index bước vào phiên giao dịch 25/4 với tâm lý thận trọng. Chỉ số chính đại diện sàn HoSE chịu áp lực giằng co liên tục giữa 2 phe mua và bán trong bối cảnh thanh khoản bị kéo tụt xuống còn 14.100 tỷ đồng.
Việc chỉ số dao động quanh tham chiếu và không bị văng quá xa phần nào phản ánh động thái kiểm nghiệm lại xu hướng thị trường của dòng tiền.
Kết phiên, VN-Index giảm 0,64 điểm (-0,05%) xuống 1.204,97 điểm; HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,13%) xuống 227,57 điểm; UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 88,33 điểm.
Độ rộng toàn thị trường được giữ ở mức cân bằng khi có 326 mã tăng (gồm 30 mã tăng trần), 870 mã giữ tham chiếu và 414 mã giảm (gồm 17 mã giảm sàn).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 phân hóa với 16 mã giảm, 3 mã giữ tham chiếu và 11 mã tăng. Dòng tiền tại các cổ phiếu trụ chủ yếu tập trung vào nhóm ngân hàng vốn hóa lớn như VCB (+0,4%), CTG (+0,2%); nhóm bán lẻ, thực phẩm đồ uống như MWG (+2,9%), MSN (+1,8%), VNM (+1,1%), SAB (+1,5%); nhóm công nghệ như FPT (+2,6%) và bất động sản như VIC (+1%), VHM (+0,3%).
Cổ phiếu FPT dẫn đầu nhóm làm trụ đỡ cho chỉ số gồm các mã VN30 như MWG, VCB, MSN, VIC, VNM, SAB, VHM cùng một số cổ phiếu ngoài rổ khác như HVN (+1,5%) và EIB (+1,7%).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TCB cùng nhiều mã khác như BID (-0,8%), MBB (-1,3%), ACB (-0,9%), LPB (-1,2%), VIB (-1,2%), OCB (-1,8%), HPG (-0,9%), GAS (0,8%), SSI (-0,8%) níu chân VN-Index.
Các nhóm ngành phân hóa trong bối cảnh thanh khoản thấp, không khí giao dịch ảm đạm. Hai nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên sàn là tài chính - ngân hàng và bất động sản diễn biến ngược chiều và tạo thế cân bằng cho chỉ số.
Ngoài ra, việc các cổ phiếu công nghệ, bán lẻ, thực phẩm đồ uống được giao dịch tích cực cũng phần nào bổ trợ cho VN-Index.
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp với quy mô tăng lên gần 400 tỷ đồng, chủ yếu tiếp tục cơ cấu lại tỷ trọng chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND trong danh mục.
Trái lại, cổ phiếu MWG hấp thụ hơn 200 tỷ đồng giá trị mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài, kế đó là PVS (+79 tỷ đồng), VND (+43 tỷ đồng), TPB (+39 tỷ đồng), HPG (+30 tỷ đồng).
Nguồn Znews: https://znews.vn/thanh-khoan-chung-khoan-tut-ap-post1472350.html