Thanh niên xung kích ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh

Với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học, công nghệ, tuổi trẻ tỉnh Hà Nam đã phát huy vai trò xung kích trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn đời sống. Nhờ thực hiện chuyển đổi số, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của thanh niên ngày càng hiệu quả, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Huyện (sinh năm 1991, thôn Đa Bồ Đạo, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục) là một trong những điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh của tuổi trẻ cơ sở.

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, anh Nguyễn Văn Huyện đã có thể dễ dàng quản lý, kiểm soát từ xa hệ thống trang trại chăn nuôi khép kín rộng hơn 5.000m2, bao gồm 1.000m2 chuồng trại, còn lại là diện tích ao, vườn của mình. Để duy trì và vận hành hiệu quả mô hình trang trại chăn nuôi gà theo hình thức gia công cho các công ty, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong chăn nuôi hiện nay, anh Huyện đã trải qua giai đoạn khởi nghiệp với nhiều khó khăn.

Tốt nghiệp ngành kỹ sư nông nghiệp và có kinh nghiệm làm việc ở các công ty, năm 2019, anh Huyện đã quyết định trở về quê hương xây dựng trang trại chăn nuôi. Với số vốn ban đầu ít ỏi, anh Huyện xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi lợn với diện tích 250m2, quy mô khoảng 70 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Tuy nhiên, do xuất phát điểm là hình thức chăn nuôi tự phát nên giai đoạn này, anh Huyện gặp nhiều khó khăn trong tìm nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi, tìm kiếm đầu ra cũng như thách thức từ việc hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi. Cuối năm 2019, anh Huyện mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi gia công gà thịt liên kết với các công ty thực phẩm, đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại lên 1.000m2, khu nuôi nhốt được rải trấu và đệm lót sinh học, hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh từ nơi khác.

Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, anh Huyện nhanh chóng chiếm lĩnh kỹ thuật và bảo đảm được các yêu cầu phía công ty liên kết đưa ra. Từ đó, hình thức nuôi gia công cho công ty được duy trì đến nay với quy mô 10.000 con gà/lứa, mỗi năm cho xuất đàn 5 lứa gà thịt, thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/lứa.

Anh Nguyễn Văn Huyện hướng dẫn thành viên gia đình sử dụng ứng dụng điều hành từ xa trong quản lý chuồng trại chăn nuôi.

Bên cạnh việc mạnh dạn chuyển đổi hướng kinh doanh, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Huyện còn tìm tòi ứng dụng chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hiệu quả quá trình sản xuất của mình. Trong khu vực chuồng trại, anh Huyện cho lắp đặt hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm… liên kết dữ liệu với điện thoại thông minh qua ứng dụng SimPro. Nhờ hệ thống này, số liệu về nhiệt độ, độ ẩm… trong hệ thống chuồng trại hơn 10.000 con gà được cập nhật đều đặn hằng ngày; phát hiện kịp thời và đưa ra cảnh báo khi môi trường chăn nuôi có dấu hiệu biến động. Hệ thống camera giám sát được lắp đặt cho phép người điều hành kiểm soát từ xa tình trạng vật nuôi, hệ thống máy móc vận hành, nhân công lao động, tình trạng an ninh khu vực trang trại, kịp thời ứng phó với các sự cố cháy nổ,… Cùng với đó, anh Huyện còn đầu tư lắp đặt hệ thống sưởi, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ khép kín, hệ thống điện bán tự động, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống hoàn toàn tự động… cho trang trại chăn nuôi của mình.

Chia sẻ về hiệu quả từ việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, vận hành khu chuồng trại nuôi gà, anh Nguyễn Văn Huyện nói: Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp tôi có thể tối ưu hóa hiệu quả vận hành hệ thống trang trại; tiết kiệm nhân công trực trông coi trang trại; nắm bắt kịp thời những biến động từ môi trường chăn nuôi để đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp, tránh để đàn vật nuôi nhiễm bệnh,… góp phần đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Mô hình chăn nuôi ứng dụng chuyển đổi số của anh Nguyễn Văn Huyện là một trong những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi đang phát huy hiệu quả tại huyện Bình Lục nói chung, xã Đồn Xá nói riêng. Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên xã Đồn Xá, huyện Bình Lục luôn tích cực tham gia phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Bí thư Đoàn thanh niên xã Đồn Xá cho biết: Nhiều thanh niên trên địa bàn xã muốn “li hương” để tìm kiếm việc làm, song cũng có không ít người vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ngay tại địa phương. Các mô hình phát triển chăn nuôi, mở cửa hàng kinh doanh, cơ khí… do thanh niên làm chủ đều có việc làm thường xuyên, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Cùng với việc quan tâm, động viên, Đoàn thanh niên xã đã phát huy tốt nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để hỗ trợ thanh niên có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm; giới thiệu thanh niên tham gia các lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử…

Có thể thấy, với sự nhạy bén của tuổi trẻ, cùng thế mạnh về am hiểu, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số,… những thanh niên như anh Nguyễn Văn Huyện đang tích cực phát huy vai trò của mình, tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số cộng đồng. Để hỗ trợ thanh niên ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, đoàn thanh niên các cấp cần phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho thanh niên; giới thiệu các công nghệ số phổ biến áp dụng trong sản xuất, kinh doanh; tạo cơ hội để thanh niên thực hành áp dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Khánh Chi

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/suc-tre-ha-nam/thanh-nien-xung-kich-ung-dung-chuyen-doi-so-trong-san-xuat-kinh-doanh-122100.html