Thành phố Hồ Chí Minh: Dần lấy lại đà tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ đạt 0,7%. Đây là điều rất đáng lo ngại đối với một thành phố (TP) giữ vai trò 'đầu tàu' kinh tế cả nước. Nếu TP không nhanh chóng bứt phá, bứt tốc thì chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đặt ra từ 7,5 - 8% là hết sức xa vời. Tuy nhiên bước vào quý II/2023, TP đã lấy lại đà tăng trưởng, dù chưa phải mức cao kỳ vọng nhưng đã mang lại nhiều triển vọng tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm 2023.

Bắt đầu được cải thiện

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm 2023, ông Trần Phước Tường, Phó Cục Trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết: Trong quý I/2023 tăng trưởng kinh tế của Thành phố chỉ tăng 0,7%, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu suy giảm, thương mại tăng trưởng chậm, giải ngân đầu tư công đạt thấp, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế của TP đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước, nằm ở nhóm “cầm đèn đỏ”.

Tuy nhiên bước vào quý II/2023, với việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực và quyết liệt, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của TP ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 0,8%, khu vực dịch vụ tăng 4,96%.

Đầu tư công là giải pháp trọng tâm, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2023. (Ảnh: TP.HCM đang tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án bất động sản).

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 201.700 tỷ đồng, đạt 42,96% dự toán năm 2023. Tính đến ngày 19/5/2023, TP đã giải ngân được khoảng 8.400 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 12,34% tổng số vốn giao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 458.000 tỷ đồng (tăng 6.2%); tổng doanh thu du lịch ước đạt 66.700 tỷ đồng. TP thu hút được khoảng 1,14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu ước đạt 16,52 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 21,86 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM cho biết: Tính chung nửa đầu năm 2023 kinh tế TP ước tăng 3,55%. Như vậy, sau quý I/2023 các chỉ số kinh tế giảm sâu thì nay TP đã lấy lại đà tăng trưởng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền hiện nay của TP có những tín hiệu tích cực, phục hồi và tăng trưởng khá. Đây là kết quả hết sức quan trọng và là nguồn động viên rất lớn để TP tiếp tục triển khai thực hiện những quyết tâm chính trị trong thời gian tới.

Tăng tốc để về đích

Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều trong khi chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 của TP là 7,5 – 8%. Đây là một thách thức không hề nhỏ, nếu không bứt phá, “tăng tốc” thì chắc chắn TP.HCM sẽ không thể “về đích”.

Theo dự báo của Cục Thống kê TP.HCM, tình hình xuất khẩu của TP vẫn đang tiếp tục khó khăn khi các thị trường chủ lực chưa phục hồi. Thu ngân sách Nhà nước giảm so với cùng kỳ, ước tính 5 tháng đầu năm 2023 tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 43% dự toán (giảm 4,5% so cùng kỳ 2022).

Vì thế trong thời gian tới, TP cần tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, kiềm chế lạm pháp, tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, thay thế, bổ sung các thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống…

Định hướng các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP tiếp tục theo dõi, dự báo, tính toán những kịch bản để thích ứng trước những thử thách mới, khó lường. Tiếp tục lãnh đạo, phân cấp, ủy quyền, kiểm soát, nhất là đối với những vấn đề liên quan tới đất đai, quy hoạch; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng thị trường đầu tư.

Theo dự báo của Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM, trong quý II/2023, kinh tế TP tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó lường khi thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng; sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuất khẩu thu hẹp.

Tương tự, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đưa ra dự báo về những thách thức mà TP sẽ phải đối mặt như hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp khó khăn hơn do 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) bất ngờ xuất xuất hiện tín hiệu bất ổn. Đầu tư nước ngoài vào TP chưa có tín hiệu khởi sắc, vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2022. Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vẫn chưa phục hồi; người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu; chỉ số lao động việc làm vẫn còn giảm.

Các kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM

Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM dự báo 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế TP trong các quý còn lại của năm 2023.

Cụ thể kịch bản 1: Tăng trưởng GRDP quý 2/2023 đạt 1,19%, quý 3/2023 đạt 16,52%, quý IV/2023 đạt 12,14%; tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 7,5%.

Kịch bản 2: Tăng trưởng GRDP quý II/2023 đạt 1,55%, quý III/2023 đạt 16,16%, quý 4/2023 đạt 12,1%; tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 7,5%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng GRDP quý II/2023 đạt 3,27%, quý III/2023 đạt 16,3%, quý IV/2023 đạt 10,13%; tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 7,5%.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 3 quý còn lại, Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM đề xuất nhóm giải pháp gồm: Tận dụng thuận lợi từ môi trường vĩ mô đang có chiều hướng tốt hơn từ quý II/2023; quyết liệt giải ngân đầu tư công và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng. Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho các dự án, nhất là các dự án bất động sản; kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Thực thi công vụ hiệu quả; tạo đồng thuận xã hội từ các chính sách an sinh, y tế, giáo dục.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất nhóm giải pháp gồm: Tập trung giải ngân đầu tư công – động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; gỡ rối cho doanh nghiệp, tiếp tục phân cấp xuống các quận huyện, TP Thủ Đức để cùng xử lý, đặc biệt là các dự án bất động sản. Thành phố cần chuẩn bị ngay các việc cần làm sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 sửa đổi. Thúc đẩy các sản phẩm của chuyển đổi số, xây dựng lộ trình phát triển kinh tế xanh – trung hòa carbon; hình thành cộng đồng chuyên gia – nhà khoa học “của TP”, “cho TP”, “vì TP” cũng như thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, phục hồi hoạt động xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai: Thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh hoạt động của các tổ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; rà soát, điều chỉnh một số dự án mà công tác chuẩn bị chưa hoàn thành hay có khó khăn nội tại chưa giải quyết được.

Về giải pháp đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ quyết tâm đến cuối tháng 6/2023 tốc độ giải ngân đạt 35%, trong đó tập trung cao cho giải phóng mặt bằng, các thủ tục để khởi công các dự án mới, quyết định việc điều chuyển vốn. Đồng thời, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ và thúc đẩy các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ xây dựng chính quyền số. Đảm bảo các hoạt động về văn hóa - xã hội, các hoạt động chăm lo an sinh xã hội, y tế; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tuyệt đối.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ để TP có nghị định hướng dẫn thực hiện nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội; thúc đẩy hoàn thiện đề án trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM; sớm phê duyệt kế hoạch doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước tại TP. UBND TP cũng kiến nghị Chính phủ chuẩn bị để Quốc hội có nghị quyết về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trần Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-dan-lay-lai-da-tang-truong-157259.html