Tháp nước Hàng Đậu - di sản được đánh thức trong diện mạo mới
Tháp nước Hàng Đậu – điểm trung tâm, nơi giao thoa của 6 con đường gồm phố Hàng Than, Hàng Cót, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Tháp nước gần 130 năm tuổi vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, là chứng nhân lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Mới đây, bên trong Tháp nước đã được các kiến trúc sư, họa sỹ thiết kế các tiểu cảnh sắp đặt từ vật liệu tái chế và hệ thống ánh sáng kỳ ảo, mang đến diện mạo mới, trở thành một trong những công trình nghệ thuật đặc sắc trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và quốc tế đến tham quan.
Với cấu trúc hình trụ là các bức tường vòm, diện tích bên trong khoảng 250m2 với nhiều cửa vòm thông nhau bằng đường dẫn tròn men theo vách tường của tháp nước, Đến tham quan tháp nước Hàng Đậu, du khách sẽ di chuyển theo hướng đi vòng tròn, và mỗi lần đi qua ô vòm của tháp, những không gian nghệ thuật độc đáo, ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị lại được mở ra.
Lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm, và nước biển, kết hợp với hệ thống âm thanh tạo nên hiệu ứng nước chảy tự nhiên, sống động, các tác giả đã tạo nên sự kỳ bí cho những khoảng không gian sắp đặt tiếp theo, thu hút sự tò mò, gợi lên những cảm giác mới lạ cho du khách.
Chia sẻ vể ý tưởng thiết kế, họa sỹ Nguyễn Đức Phương cho biết: “Tác phẩm của tôi chia thành hai phần, một phần liên quan đến vấn đề thị giác và một phần liên quan đến vấn đề cảm giác, là âm thanh. Vấn đề thị giác ở đây tôi muốn sử dụng các vật liệu tái chế, cụ thể là cái ni lông. Tôi muốn nhấn mạnh về phần hình ảnh, chính là cái hiện tại, cúng ta đang nhìn thấy, đang phải trải qua. Còn phần không gian âm thanh, tôi muốn đưa con người ta trở về với trạng thái nguyên thủy nhất của bản thể, dùng dùng âm thanh của nước”.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thành chia sẻ: “Khi chúng tôi khảo sát không gian bốt Hàng Đậu thì lúc đấy nó bao trùm bởi bóng tối, tôi nhận thấy rằng chúng ta phải đưa ra nhiệm vụ chiếu sáng rất đặc biệt. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp chiếu sáng, phải làm sao thể hiện được cấu trúc hình tròn của bốt Hàng Đậu, thứ 2 là vật liệu xây dựng. Ví dụ như không gian kiến trúc của bốt Hàng Đậu là hình tròn thì chúng tôi đã sử dụng phương pháp chiếu sáng, dùng cái light sáng chạy toàn không gian, có tính liên tục và dẫn hướng cho toàn bộ công chúng đi xem toàn bộ không gian đó”.
Những tác phẩm nghệ thuật với mảng màu loang lổ được làm từ nylon tái chế, được sắp xếp sống động và đầy bay bổng trong lòng tháp phản ánh vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở đô thị hiện nay. Với diện mạo mới này, công chúng thủ đô không những được khám phá cấu trúc bên trong thác nước mà còn cảm nhận được những thông điệp ý nghĩa về lịch sử cũng như môi trường hiện tại.
Trần Thùy Trang ở Nguyên Hồng, Ba Đình chia sẻ: "“Những công trình như ống nước được tồn tại rất lâu đời ở trong đấy, bên trong sắp đặt những cái đĩa và cùng với ánh sáng âm thanh, người ta tái tạo lại hiệu ứng nước chảy, những cái đĩa được làm từ sản phẩm tái chế, em thấy đây là một sự kiện rất ý nghĩa và thu hút giới trẻ như em. Em nghĩ tất cả những bạn trẻ đều rất muốn tìm hiểu về lịch sử cũng như văn hóa của Việt Nam, của Hà Nội".
Bà Nguyễn Thị Hà, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình nói: "Nguyện vọng của chúng tôi, đây là công trình văn hóa cần được gìn giữ và được phát huy, Nhà nước mở ra để cho nhân dân được vào tham quan”.
Với tâm huyết của đội ngũ thiết kế, những không gian trưng bày của triển lãm “Sắp đặt Nước & Di sản tháp nước Hàng Đậu” chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị với du khách, qua đó kiến tạo sự kết nối xã hội đô thị và thế giới tự nhiên thông qua hình ảnh nước. Nghệ thuật trưng bày sắp đặt tại tháp nước Hàng Đậu nằm trong khuôn khổ lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (từ ngày 17/11 đến 31/12) do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chủ trì.