Thấy gì từ Balikatan 2024?

Ngày 22/4, Mỹ và Philippines khởi động cuộc tập trận quân sự 'Vai kề vai' (Balikatan) thường niên ở Manila. Cuộc tập trận kéo dài đến ngày 10/5 với sự tham gia của hơn 16.700 binh sĩ. Cuộc tập trận lần này đánh dấu nhiều 'lần đầu tiên' và thu hút sự quan tâm rộng khắp từ dư luận thế giới.

“Vở kịch thường niên”

Trong vòng chưa đầy một tháng, Philippines không chỉ lần đầu tiên tiến hành tập trận quân sự toàn diện với Mỹ, Nhật Bản và Australia ở Biển Đông, mà còn tổ chức hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo 3 bên với Mỹ và Nhật Bản.

Người lính Philippines chụp ảnh selfies với dàn hỏa tiễn HIMARS của quân đội Mỹ.

Người lính Philippines chụp ảnh selfies với dàn hỏa tiễn HIMARS của quân đội Mỹ.

Tập trận “Vai kề vai” giữa Mỹ và Philippines bắt đầu từ năm 1991 và cũng là một “vở kịch thường niên” trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Vai trò của cuộc tập trận quân sự này trong hợp tác an ninh Mỹ - Philippines khá quan trọng. Năm 2017 mặc dù quan hệ giữa cựu Tổng thống Philippines Duterte và chính phủ Mỹ xuất hiện bất đồng và 2 cuộc tập trận quân sự thường lệ bị đình chỉ, nhưng cuộc tập trận quân sự Balikatan vẫn được giữ lại, điều này cho thấy tầm quan trọng của nó.

Sau khi Tổng thống Philippines Marcos Jr. lên nắm quyền vào năm 2022, vai trò của “Vai kề vai” càng trở nên nổi bật hơn. Và năm nay, với 16.700 binh sĩ tham gia, trong đó quân đội Mỹ vẫn đóng vai trò dẫn đầu với 11.000 quân, Philippines cử 5.000 quân tham gia. Nội dung diễn tập bao gồm các hoạt động đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, tác chiến đô thị, tác chiến hàng không, chống khủng bố, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai… Ngoài ra, tác chiến không gian mạng và tác chiến thông tin cũng là trọng tâm của cuộc tập trận.

Những cái “lần đầu tiên”

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines lần đầu tiên triển khai 6 tàu tham gia cuộc tập trận. Trong vài năm qua, những con tàu này chỉ tuần tra các khu vực xung quanh để ngăn chặn sự quấy rối của các lực lượng quân sự khác. Quân đội Philippines cũng lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa chống hạm SSM-700K Haeseong (C-Star) do Hàn Quốc sản xuất, có thể tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 144km.

Về các quốc gia chính thức tham gia, ngoài Australia duy trì thông lệ trước đây, cử 150 binh sĩ tham gia cuộc tập trận, thì Pháp lần đầu tiên cử 100 binh sĩ tham gia một số hoạt động. Philippines cùng với Mỹ và Pháp lần đầu tiên triển khai các cuộc tuần tra chung 3 bên trong cuộc tập trận quân sự. Ngoài ra, hơn 10 quốc gia khác trong đó có Nhật Bản tham gia với tư cách quan sát viên. Điều đáng nói là Nhật Bản đang tìm cách chính thức tham gia cuộc tập trận này. Nếu Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) giữa Nhật Bản và Philippines được ký kết trong năm nay, nó sẽ giúp Nhật Bản có thể chính thức được tham gia vào năm tới.

Một trong những thay đổi đáng kể của Balikatan lần này, đó là địa điểm diễn ra cuộc tập trận rất nhạy cảm. Các cuộc tập trận trước đây chủ yếu được tổ chức tại các căn cứ quân sự hoặc bãi tập ở miền Bắc Philippines, nhưng Balikatan 2024 lần đầu tiên được triển khai bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của Philippines và sẽ mô phỏng các kịch bản như “chiếm lại các đảo bị lực lượng thù địch chiếm đóng”.

Cuối cùng thì, như thường diễn ra, Balikatan 2024 sẽ lại là cơ hội để Mỹ phô trương sức mạnh và đưa ra các chiêu bài mới. Lần đầu tiên hệ thống rocket chính xác tầm xa HIMARS được thử nghiệm tại căn cứ quân sự mới mở của Mỹ ở Philippines. Quân đội Mỹ đã có được quyền tiếp cận 4 căn cứ mới ở Philippines vào năm 2023 và 3 trong số đó được kiểm nghiệm thông qua Balikatan 2024.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ gần đây cũng đã thông báo đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung Typhon tới đảo Luzon của Philippines. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai tên lửa phóng từ mặt đất ra nước ngoài kể từ sau khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung.

Nội dung ẩn chứa

Đối với Mỹ, Philippines nằm ở vị trí quan trọng về địa chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương, vị trí dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi đảo đầu tiên của Mỹ. Vị trí địa lý đặc biệt là một trong những nguyên nhân chính khiến Philippines trở thành đối tượng hợp tác an ninh của Mỹ. Đồng thời, hợp tác Mỹ - Philippines cũng có thể mang lại điểm tựa chiến lược quan trọng để Mỹ thúc đẩy liên kết trong khu vực.

Mỹ dựa vào các cuộc tập trận để kiểm nghiệm các căn cứ quân sự mới mở ở Philippines, trong khi Philippines sử dụng tàu chiến của lực lượng bảo vệ bờ biển tham gia cuộc tập trận với ý đồ để quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật nước này can thiệp vào tình hình trong khu vực. Ngoài ra, sự tham gia của các nước ngoài khu vực như Australia và Pháp cho thấy NATO đã can dự vào các vấn đề an ninh Châu Á. NATO không ngừng mở rộng về phía Đông và ý đồ xây dựng một “tiểu NATO châu Á” đã hình thành.

Cuối cùng, việc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất ra ngoài lãnh thổ kể từ sau khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung là một tín hiệu quan trọng cho thấy việc quân đội Mỹ đã quay trở lại và chiếm vị trí chiến lược quan trọng ở chuỗi đảo thứ nhất. Việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung và vũ khí tấn công siêu thanh dựa trên cơ sở triển khai ở nước ngoài có thể trở thành một hướng đi quan trọng trong việc xây dựng quân đội Mỹ. Đối với các quốc gia có khả năng đối địch và có liên quan, đây sẽ là một phân tích có giá trị, đáng để lưu tâm.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thay-gi-tu-balikatan-2024--i731698/