Thể chế, chính sách, nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa cơ sở

Quyết định số 2164 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 được ban hành ngày 11/11/2013 đã tạo động lực cho nhiều địa phương trong việc đề ra những chính sách, giải pháp để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở xuống tận thôn xóm.

Đời sống tinh thần của người dân, kể cả ở vùng sâu vùng xa ngày càng được hoàn thiện và nâng cao hơn nhờ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tuy nhiên, song song với những kết quả tích cực, quá trình thực hiện phát triển hệ thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà những chính sách, giải pháp hiện hành chưa thể giải quyết được.

Thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh là địa bàn có tới 90% người dân tộc Dao Thanh Phán, chủ yếu sống bằng nghề nông nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhờ nguồn đóng góp 100% của Hội những người dân Tiên Yên sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân trong thôn đã được sở hữu công trình nhà văn hóa khang trang hơn nhiều so với trước đây, đạt chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

“Nhà nước và nhân dân cùng làm” không phải là câu chuyện hiếm ở huyện Tiên Yên. Theo thống kê của ủy ban nhân dân huyện, từ năm 2021 tới nay, 30% công trình nhà văn hóa thôn, khu được các tổ chức, hội nhóm xã hội đóng góp 100% kinh phí xây dựng từ 1-2 tỷ đồng; 50% nhà văn hóa thôn, khu được người dân góp một phần kinh phí xây dựng, san nền và toàn bộ kinh phí mua sắm trang thiết bị như hệ thống chiếu sáng, âm thanh, bàn ghế, thiết bị thể dục thể thao, nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Trái ngược với câu chuyện “có chính sách - chỉ cần nguồn lực”, Thủ đô Hà Nội lại tồn tại tình trạng “có nguồn lực nhưng lại thiếu cơ chế”. Đơn cử, tại tổ dân phố số 7 phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhiều năm nay người dân nơi đây đã phải sinh hoạt cộng đồng nơi vườn hoa, vỉa hè hay mượn trụ sở của ủy ban phường, công an phường vì không quy hoạch được địa điểm để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, dù người dân sẵn sàng đóng góp sức người, sức của.

Công trình bể bơi của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã dừng khai thác cách đây 3-4 năm với lý do hỏng hết hệ thống lọc nước, phải chờ dự án đầu tư mới vào năm 2025. Thiếu kinh phí nên bể bơi không được duy tu, bảo trì, trong khi đó lại không thể huy động nguồn lực do thiếu các quy định về định mức thu của các công trình đầu tư công khi kết hợp với nguồn lực xã hội hóa.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Thư - Vũ Hiếu - Sỹ Cường - Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/the-che-chinh-sach-nguon-luc-phat-trien-thiet-che-van-hoa-co-so-221931.htm