Thế giới Ả-rập hối thúc tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế về Palestine
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 15/5, Đại sứ Ahmed Al Turaifi, Vụ trưởng Vụ Ả-rập và châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Bahrain, cho biết tại cuộc họp trù bị ở thủ đô Manama của Bahrain, ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Ả-rập (AL) đã nhất trí thông qua dự thảo Tuyên bố Bahrain của Hội nghị thượng đỉnh AL.
Trong đó, một nội dung quan trọng của văn kiện này là kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế do LHQ bảo trợ tại Bahrain nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 33 của AL diễn ra ngày 16/5 ở Manama.
Bahrain sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị để đăng cai tổ chức hội nghị hòa bình nói trên sau khi Hội nghị thượng đỉnh AL kết thúc. Theo Đại sứ Turaifi, các ngoại trưởng Ả-rập đã thông qua dự thảo chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh AL cũng như các dự thảo nghị quyết và tài liệu dự kiến được trình lên các nhà lãnh đạo.
Đại sứ Turaifi nói rằng các ngoại trưởng Ả-rập nhất trí bước đi ngoại giao tiếp theo hướng tới việc chấm dứt xung đột ở Dải Gaza phải là các bước được triển khai để tổ chức một hội nghị hòa bình nhằm giải quyết vấn đề Palestine, cũng như trao cho người dân Palestine quyền đầy đủ với tư cách là một quốc gia thành viên của LHQ.
Điều khiến Hội nghị thượng đỉnh AL lần này trở nên khác biệt so với các hội nghị trước đây là hiện đã có 143 quốc gia tại Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu tán thành việc công nhận Nhà nước Palestine, gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề Palestine.
Các ngoại trưởng Ả-rập cũng nhất trí rằng một hội nghị hòa bình thực sự nhằm đưa các đối tác Ả-rập và phương Tây đến bàn đàm phán và gây áp lực buộc Israel quay lại đàm phán là rất cần thiết vào thời điểm xung đột tại Gaza leo thang.
Đại diện thường trực của Palestine tại AL, ông Muhannad Al Aklouk, xác nhận kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình nói trên. Ông cho biết Hội nghị thượng đỉnh AL lần thứ 33 sẽ thông qua một loạt sáng kiến Ả-rập, bao gồm việc tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế tại Bahrain để giải quyết vấn đề Palestine, dưới sự bảo trợ của LHQ.
Trong diễn biến khác, quan chức LHQ chiều 15/5 chia sẻ với tờ Guardian (Anh) rằng các nhà kho của họ đã cạn kiệt lều và thực phẩm để phân phát cho gần 2 triệu người tại Gaza. Theo đó, các kho hàng của LHQ ở phía Nam con sông ngăn cách một phần ba phía Bắc của Gaza với phía Nam, hiện hoàn toàn trống rỗng. Do đó, các kho hàng sẽ không còn khả năng được bổ sung đồ tiếp tế nếu những tuyến đường chính vào Gaza vẫn bị đóng cửa sau các cuộc tấn công của Israel.
Ông Georgios Petropoulos tại chi nhánh Gaza của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) chia sẻ: “Không còn lều trong kho nhân đạo. Cũng không còn lương thực cho Chương trình Lương thực thế giới hoặc Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ở phía Nam con sông. Thời gian không còn nhiều để mở một tuyến đường bền vững cho các nguồn cung cấp nhân đạo vào miền Nam Gaza”.
Trong suốt cuộc xung đột kéo dài 7 tháng, WFP và UNRWA đã cung cấp cho phần lớn người dân Gaza những nhu yếu phẩm cơ bản. Tuy nhiên, việc phân phối chúng phụ thuộc vào các đoàn xe tải chủ yếu đi qua cửa khẩu Rafah giữa Gaza với Ai Cập và điểm vào gần đó từ Israel - cửa khẩu Kerem Shalom.
Quân đội Israel đã kiểm soát cửa khẩu Rafah từ tuần trước và đến nay nó vẫn bị đóng cửa. Các quan chức LHQ lý giải rằng giao tranh tiếp diễn và các vấn đề hậu cần nghiêm trọng khác liên quan đến chiến dịch của Israel tại Rafah đã gây cản trở cho các đoàn xe đi qua Kerem Shalom.
Theo ước tính mới nhất của LHQ, hơn 600.000 người đã nghe theo kêu gọi của quân đội Israel chạy trốn khỏi Rafah. 100.000 người khác ở phía Bắc Gaza đã thực hiện theo yêu cầu tương tự của Israel để sơ tán khỏi nhà hoặc nơi trú ẩn trước một đợt đụng độ dữ dội mới giữa quân đội Israel và Hamas.
Tất cả đều được yêu cầu di chuyển đến một “khu vực nhân đạo mở rộng” dọc theo bờ biển phía Nam của Gaza, nơi hầu như không có nơi trú ẩn hoặc thực phẩm. Các quan chức y tế và viện trợ mô tả tình trạng khủng khiếp trong khu vực này khi thiếu nơi ở, nước, thực phẩm và nhà vệ sinh.
Trong một diễn biến khác, có 54 xe tải đã vào Gaza qua cửa khẩu Erez phía Bắc hôm 14/5. Nhưng người ta ước tính cần khoảng 500 xe tải để cung cấp nhu cầu thiết yếu cho dân số 2,3 triệu người ở Gaza.
Trong một số tuyên bố mạnh mẽ nhất cho đến nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/5 nhấn mạnh Israel cần một kế hoạch rõ ràng và cụ thể cho tương lai của Gaza. “Chúng tôi không ủng hộ và sẽ không ủng hộ sự chiếm đóng của Israel. Tất nhiên, chúng tôi cũng không ủng hộ việc cai trị của Hamas ở Gaza… Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến điều đó dẫn đến gì đối với người dân Gaza và Israel. Không thể để xảy ra tình trạng vô chính phủ và khoảng trống có nguy cơ bị lấp đầy bởi hỗn loạn”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức, Vietnam+)