Thế giới đang bên bờ vực thẳm về khí hậu

Đáp lại kết quả của một cuộc khảo sát do The Guardian thực hiện cho thấy hàng trăm chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới đã dự báo mức độ nóng lên toàn cầu sẽ vượt mục tiêu quốc tế là 1,5 độ C, Liên hợp quốc (LHQ) mới đây ra cảnh báo, thế giới đang bên bờ vực thẳm về khí hậu.

 Biến đổi khí hậu đang đẩy thế giới đến bờ vực nguy hiểm. Ảnh minh họa: Tạp chí điện tử Môi trường & Cuộc sống

Biến đổi khí hậu đang đẩy thế giới đến bờ vực nguy hiểm. Ảnh minh họa: Tạp chí điện tử Môi trường & Cuộc sống

Một loạt các chuyên gia hàng đầu về khí hậu đã phản ứng với những phát hiện này, cho rằng điều mà các nhà khoa học đưa ra phải là một lời cảnh tỉnh mới về hành động khẩn cấp và triệt để nhằm ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch và cứu hàng triệu sinh mạng và sinh kế. Theo một số người, mục tiêu 1,5 độ C “đang treo lơ lửng trên mây”, nhưng vẫn chưa loại trừ khả năng mục tiêu này sẽ đạt được nếu có một sự thay đổi phi thường trong tốc độ hành động vì khí hậu.

Theo đó, The Guardian đã thu thập quan điểm của gần 400 tác giả cấp cao trong các báo cáo của Hội đồng liên chính phủ có thẩm quyền về biến đổi khí hậu. Về kết quả, gần 80% dự báo nhiệt độ sẽ tăng ít nhất 2,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, một mức nhiệt thảm khốc. Trong khi đó, chỉ có 6% cho rằng nhiệt độ sẽ duy trì trong giới hạn 1,5 độ C.

Phát ngôn viên chính thức của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang bị treo lơ lửng. Cuộc chiến để giữ mức 1,5 độ C sẽ thắng hoặc thua trong những năm 2020, dưới sự theo dõi của các nhà lãnh đạo chính trị và lãnh đạo ngành ngày nay. Chính phủ các nước cũng như toàn bộ người dân cần nhận ra, chúng ta đang nằm bên bờ vực thẳm. Khoa học rất rõ ràng và các nhà khoa học trên thế giới cũng đã cảnh báo rất rõ ràng: Nguy cơ đối với toàn thể nhân loại là không thể cao hơn”.

Các nhà lãnh đạo thế giới cần tiếp tục thực hiện cam kết mà họ đã đưa ra là chuyển đổi, chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nội dung đã đưa ra trong khuôn khổ hội nghị COP28 diễn ra vào tháng 12/2023.

Nicolas Stern, một nhà kinh tế khí hậu nổi tiếng nhận định: “Kết quả trong cuộc khảo sát do The Guardian thực hiện là một thông điệp từ các nhà khoa học cho thấy, họ thiếu niềm tin vào các nhà lãnh đạo thế giới trong việc thực hiện các hành động khí hậu cần thiết nhằm ngăn chặn tác động khí hậu. Vẫn chưa quá muộn để các nhà lãnh đạo chính trị hành động, nhưng quy mô và tốc độ thay đổi phải lớn và nhanh chóng”.

Trong một ý kiến khác có liên quan, Hellen Clarkson, Giám đốc điều hành của Climate Group, nơi điều hành mạng lưới 500 doanh nghiệp đa quốc gia cho rằng: “Cuộc khảo sát của The Guardian là một lời nhắc nhở rõ ràng về khoảng cách giữa các mục tiêu khí hậu và hành động”.

Những người tham gia khảo sát xác định việc thiếu ý chí chính trị là rào cản lớn nhất đối với việc triển khai hành động chống lại biến đổi khí hậu.

Ed Miliband, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh nhận định: “Mỗi cấp bậc của từng mức độ nghiêm trọng đều tạo nên ảnh hưởng đối với sự tồn tại của hành tinh, nhất là cho thế hệ tương lai. Đó là lí do vì sao chúng ta cần các chính phủ trên khắp thế giới tối đa hóa hành động vì khí hậu, thay vì lùi bước”.

Bas Eickhout, thành viên Đảng Xanh của Nghị viện châu Âu chia sẻ: “Tôi hiểu rất rõ cảm giác tuyệt vọng của các nhà khoa học. Chúng ta không có sự lựa chọn từ bỏ”.

THANH NGÂN (Lược dịch từ The Guardian)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/the-gioi-dang-ben-bo-vuc-tham-ve-khi-hau-140771.html