Thế giới tuần qua: Vỡ đập thủy điện ở miền Nam Ukraine

Vỡ đập thủy điện Kakhovka ở miền Nam Ukraine; các nước châu Phi họp trực tuyến tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga-Ukraine; Khoảng 675 triệu người trên thế giới bị thiếu điện; Canada chật vật ứng phó với cháy rừng nghiêm trọng chưa từng có; ASEAN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để mở rộng hợp tác kinh tế;… là một số sự kiện tiêu biểu của thế giới tuần qua (5-11/6).

Vỡ đập thủy điện Kakhovka ở miền Nam Ukraine

Ngày 9/6, theo thông báo của Nội các Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã thành lập một ủy ban chính phủ để khắc phục hậu quả lũ lụt ở vùng Kherson sau sự cố vỡ đập tại nhà máy thủy điện Kakhovka. Ủy ban này do Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin đứng đầu.

Cảnh ngập lụt sau vỡ đập thủy điện Kakhovka ở Kherson, Ukraine (Ảnh: THX/TTXVN)

Cảnh ngập lụt sau vỡ đập thủy điện Kakhovka ở Kherson, Ukraine (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 7/6, đại diện nhiều cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Ukraine đã có mặt tại tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine để đánh giá tác động của vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, đồng thời điều phối công tác hỗ trợ nhân đạo. Trước đó, ngày 6/6, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của vụ vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovka ở miền Nam Ukraine.

Ông Martin Griffiths nhấn mạnh, vụ vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovka có thể là sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng nhất đối với cơ sở hạ tầng dân sự kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.

Sự cố vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovka xảy ra vào sáng sớm 6/6, dẫn đến việc xả nước không được kiểm soát được. Hậu quả là hàng chục khu dân cư, bao gồm cả Kherson và Novaya Kakhovka, gần như bị ngập hoàn toàn. Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã khởi tố vụ án hình sự về một cuộc tấn công khủng bố, gây vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovka và lũ lụt ở các vùng lãnh thổ.

Nga và Ukraine đã cáo buộc nhau cố ý phá hủy con đập này. Trong khi đó, các chuyên gia đang đánh giá về thiệt hại với môi trường và nhà chức trách của cả hai bên đang nỗ lực nỗ lực đưa hàng nghìn người dân đi sơ tán. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang nhanh chóng cung cấp các thiết bị y tế cần thiết đến các khu vực bị ngập lụt ở tỉnh Kherson và sẵn sàng ứng phó với một loạt nguy cơ về sức khỏe bao gồm đuối nước, các bệnh liên quan đến nước như dịch tả và chấn thương tâm lý.

“Sáng kiến châu Phi” nỗ lực tìm kiếm giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine

Ngày 5/6, tại hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo sáu quốc gia châu Phi, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi bày tỏ hy vọng Sáng kiến châu Phi sẽ góp phần giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cuộc họp diễn ra gần hai tuần sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố: Một nhóm lãnh đạo các nước châu Phi sẽ sớm thăm Nga và Ukraine, để thảo luận về một kế hoạch hòa bình tiềm năng cho cuộc xung đột. Sáng kiến châu Phi nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và ưu tiên đối thoại.

 Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh rằng việc giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng là vì lợi ích của châu Phi, do những hậu quả nghiêm trọng của nó đối với các nước châu Phi và phần còn lại của thế giới, đặc biệt là về an ninh lương thực, năng lượng và tài chính quốc tế.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Nam Phi xác nhận 6 nhà lãnh đạo châu Phi đã đồng ý đề xuất với Nga và Ukraine về các yếu tố "cho một lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài trong khu vực".

Thông báo cũng cho biết 6 lãnh đạo châu Phi “đã xác nhận họ sẵn sàng đến Ukraine và Nga vào giữa tháng 6” nhưng không cho biết ngày cụ thể. Ngoại trưởng 6 nước này sẽ "hoàn thiện các yếu tố của lộ trình hướng tới hòa bình” cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Khoảng 675 triệu người trên thế giới sống trong cảnh thiếu điện

Dù số người sống không có điện trên thế giới đã giảm một nửa trong thập kỷ qua, nhưng con số này vẫn ở mức cao, khoảng 675 triệu người trong năm 2021, chủ yếu ở khu vực cận Sahara, châu Phi.

Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo công bố ngày 6/6 bởi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA), Ủy ban Thống kê của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, nhưng thế giới vẫn còn 675 triệu người sống trong cảnh thiếu điện (Ảnh minh họa: AFP)

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, nhưng thế giới vẫn còn 675 triệu người sống trong cảnh thiếu điện (Ảnh minh họa: AFP)

Báo cáo chỉ ra rằng, thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015 nhằm đảm bảo năng lượng sạch, giá cả phải chăng cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Theo báo cáo, khả năng tiếp cận điện năng toàn cầu đã tăng từ 84% năm 2010 lên 91% vào năm 2021, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2019-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặc dù việc điện khí hóa các khu vực nông thôn đã góp phần vào sự tiến bộ, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn ở các khu vực thành thị.

Theo báo cáo, một số điểm đã đạt được tiến bộ, chẳng hạn như tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong ngành điện, nhưng vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc.

Báo cáo cũng cho thấy, có tới 2,3 tỷ người vẫn đang sử dụng các nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm, trong đó có củi.

Trong khi đó, WHO cho biết có 3,2 triệu người tử vong hàng năm vì các căn bệnh liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu và công nghệ bẩn. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ thế hệ tiếp theo. Các công nghệ sạch và nguồn năng lượng đáng tin cậy ở những cơ sở chăm sóc y tế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân ở những vùng dễ tổn thương”.

Canada chật vật ứng phó với cháy rừng nghiêm trọng chưa từng có

Mưa và sự trợ giúp từ bên ngoài đang là những yếu tố cần thiết để tỉnh Quebec (Canada) dập tắt được hơn 100 đám cháy rừng vốn đã gây ra những đám khói mù bao phủ nhiều thành phố ven Đại Tây Dương.

 Máy bay dập lửa cháy rừng ở hạt Shelburne, Canada ngày 31/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Máy bay dập lửa cháy rừng ở hạt Shelburne, Canada ngày 31/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Quebec là tỉnh có rất nhiều rừng, với khoảng 8,5 triệu người dân sinh sống trên tổng diện tích rộng hơn cả diện tích các nước Đức, Tây Ban Nha và Pháp cộng lại. Giới chức ước tính đến ngày 12/6 sẽ có khoảng 1.200 lính cứu hỏa, trong đó có hơn 100 người từ Pháp, cùng tham gia dập tắt những đám cháy xảy ra trên khắp tỉnh Quebec. Theo người đứng đầu cơ quan lâm nghiệp tỉnh, Maite Blanchette Vezina, dự báo thời tiết cho thấy sắp có mưa tại khu vực nhưng tình hình trong vài ngày tới vẫn ở mức nghiêm trọng. Theo quan chức này, lực lượng cứu hỏa Pháp mới được tăng cường sẽ giúp ích cho các nỗ lực dập lửa hiện nay.

Tính đến cuối ngày 9/6, có 422 đám cháy xảy ra trên toàn Canada, riêng tại tỉnh Quebec là 125 đám cháy. Hơn 13.000 người ở các thị trấn miền Bắc Quebec đã phải đi sơ tán và sẽ chỉ có thể quay trở lại sớm nhất là vào tối 12/6. Giới chức tin tưởng các nỗ lực đang đi theo đúng hướng, qua đó giúp mở lại nhiều tuyến đường bị phong tỏa trước đó để giảm thiểu nguy cơ từ các đám cháy rừng.

Các đám cháy rừng tại Canada thường xảy ra vào những tháng nóng nực trong mùa Hè. Tuy nhiên, năm nay, cháy rừng xảy ra sớm hơn với quy mô lớn hơn.

ASEAN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để mở rộng hợp tác kinh tế

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tập trung tăng cường sử dụng công nghệ số để mở rộng thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên.

Bà Auramon Supthaweethum - Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan - cho biết ASEAN cũng sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với sáu “đối tác đối thoại” với mục tiêu thiết lập các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới hoặc mở rộng các hiệp định hiện có.

 Ảnh minh họa (Ảnh: TL)

Ảnh minh họa (Ảnh: TL)

Bà Auramon khẳng định các quan chức kinh tế cấp cao của ASEAN cũng như các nước đối tác đối thoại - gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Canada - đã gặp nhau ở Jakarta (Indonesia) hồi cuối tháng trước để thảo luận và sẽ đệ trình báo cáo về tiến trình đàm phán FTA trước Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào tháng Tám tới.

ASEAN đã và đang giám sát quá trình áp dụng các hệ thống công nghệ số để mở rộng thương mại, bao gồm phát triển nền tảng giúp đơn giản hóa việc tìm kiếm các loại thuế hải quan, các biện pháp phi thuế quan và thông tin liên quan trên toàn khu vực.

ASEAN cũng đang lên kế hoạch triển khai hệ thống mã số nhận dạng doanh nghiệp duy nhất, liên kết các số đăng ký doanh nghiệp nhằm tạo niềm tin cho những hoạt động kinh doanh trong khu vực./.

PV (tổng hợp)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-vo-dap-thuy-dien-o-mien-nam-ukraine-639749.html