Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 32 (*): Phái đẹp giữ vai chủ công
Phương châm Đi tắt đón đầu, lấy nữ làm chủ công từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay vẫn thật sự hữu dụng, ghi nhận vai trò quan trọng của các nữ VĐV ở các kỳ đại hội thể thao quốc tế
Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia là một hiện tượng đặc biệt của thể thao Việt Nam. Mãi đến năm 1997 mới được thành lập để góp mặt tại kỳ SEA Games 19 ở Indonesia, đội giành được HCĐ ngay ở lần đầu tham dự. Kỳ đại hội tiếp theo không có môn bóng đá nữ và ở SEA Games 21 tổ chức tại Malaysia, tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi hậu.
Kỳ tích của phái nữ
Khởi đầu khá suôn sẻ ấy đã là tiền đề để các thế hệ bóng đá nữ Việt Nam nối tiếp nhau thống trị đấu trường khu vực. Chiến thắng 2-0 trước Myanmar ở trận chung kết ngày 15-5 vừa qua đã mang lại cho tuyển Việt Nam danh hiệu vô địch thứ 8 và là kỳ SEA Games thứ 4 liên tiếp không có đối thủ xứng tầm. Tuyển nữ Thái Lan, thế lực một thời của làng cầu Đông Nam Á, đã bị Việt Nam bắt kịp và bỏ xa về số lần đăng quang.
Bóng đá nữ mang về thành tích "vô tiền khoáng hậu" thì điền kinh cũng ghi nhận vai trò quan trọng của phái đẹp. Trong tổng số 12 HCV mà môn thể thao "nữ hoàng" mang về cho thể thao Việt Nam, phần đóng góp của các cô gái lên đến con số 11 - bao gồm 10 ngôi vô địch cá nhân và chia sẻ với các đồng nghiệp nam 1 HCV ở cự ly tiếp sức hỗn hợp. Kỳ SEA Games thứ 3 liên tiếp, Nguyễn Thị Oanh giành được cú hat-trick "vàng" các cự ly 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m nữ vượt chướng ngại vật đồng thời cũng lần đầu tiên mang về HCV cự ly 10.000 m nữ.
Suốt hơn 10 ngày diễn ra SEA Games 32 là những câu chuyện cảm động của các VĐV nữ, hầu hết đều vượt khó để thành công. Bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền biền biệt tập huấn xa nhà, nhớ con đến phát khóc nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, chờ bùng nổ trên đất Campuchia với 3 HCV, giành tổng cộng 13 ngôi vô địch SEA Games trong sự nghiệp. Là câu chuyện của Hà Thị Linh, tuyển thủ 30 tuổi, người dân tộc Tày - trở lại sàn đấu SEA Games tròn 10 năm sau lần giành HCV đầu tiên và bà mẹ 2 con quê Lào Cai tiếp tục mang về tấm HCV môn boxing trên đất Campuchia.
Những nữ chiến binh can trường
Rất nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động về cuộc tranh tài của các nữ VĐV - những người có vinh dự 73 lần được hát Quốc ca, ngắm nhìn đầy tự hào Quốc kỳ Việt Nam tung bay tại đại hội. Bộ đôi kỳ thủ Tôn Nữ Hồng Ân - Phạm Thanh Phương Thảo dù giành được HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam nhưng phải chờ mỏi mòn cả tuần lễ mới được nhận huy chương. Bộ ba võ sĩ Nguyễn Thị Phương - Lưu Thị Thu Uyên - Nguyễn Ngọc Trâm, vì thế, được vinh dự nhận thay tấm HCV chính thức đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội. Bộ ba võ sĩ karatedo này cũng rất thành công tại kỳ SEA Games 32 và ít ai biết, họ có chung đến 9 lần tham dự SEA Games (Phương 4 lần, Uyên 3 và Trâm 2) và cùng nhau giành đến 9 HCV cho karatedo kể từ năm 2017.
"Chiến binh thép" Nguyễn Linh Na bảo vệ thành công HCV nội dung 7 môn phối hợp vô cùng khắc nghiệt; cặp chị em song sinh Việt kiều Trương Thảo My - Trương Thảo Vy là một phần quan trọng trong chiến công của bóng rổ 3x3 Việt Nam lần đầu tiên có HCV SEA Games nhưng hành trình dài gắn bó với bóng rổ của 2 chiến binh kỳ cựu Tiểu Duy, Huỳnh Thị Ngoan đã khiến mọi người phải nhớ mãi.
Không thể không nhắc đến những thành tích của các nữ tuyển thủ môn vật tự do xuất sắc giành 6/10 HCV; dàn nữ võ sĩ kun Khmer mang về 5/7 bộ HCV; nữ võ sĩ taekwondo Châu Tuyết Vân có mặt trong đội quyền taekwondo giành HCV ở kỳ SEA Games thứ 6 liên tiếp.
Không chỉ kiên trì khổ luyện, nỗ lực không ngừng để vượt qua mọi khó khăn, rất nhiều mồ hôi và nước mắt của các nữ VĐV đã rơi xuống vì nỗi đau thể chất do chấn thương trong tập luyện lẫn nỗi đau tinh thần vì xa cách người thân trong chuỗi ngày tập huấn xa nhà. Những tấm huy chương có lẽ chỉ có thể xoa dịu phần nào nỗi đau ấy, có thể nói các nữ VĐV Việt xứng đáng được nhắc đến vì những đóng góp cho thể thao nước nhà.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-5