Theo đuổi phát triển bền vững

Chính phủ khẳng định phải kiên trì theo đuổi phát triển bền vững và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong quá trình này.

Chính phủ khẳng định phải kiên trì theo đuổi phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Trung Âu

Phát triển bền vững không còn là trào lưu hoa mỹ cho một nền kinh tế đã đạt đến một mức độ tiên tiến nhất định mà là vấn đề sống còn đối với một quốc gia. Nếu được áp dụng đúng cách, phát triển bền vững sẽ đảm bảo công bằng xã hội và tạo ra một môi trường lành mạnh, bình đẳng cho các bên liên quan, gia tăng sức chống chịu cho nền kinh tế và cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào các chương trình hành động của mình. Một trong những cột mốc lịch sử là Việt Nam cam kết đạt mức phát thải bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 tại Glasgow từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 12 tháng 11 năm 2021. Trước cột mốc quan trọng này, Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.

Vào tháng 9 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững, đặt ra 17 mục tiêu về bền vững cần đạt được cho đến năm 2030. Trong đó, các mục tiêu nổi bật bao gồm quản lý bền vững các nguồn tài nguyên nước, bảo vệ đại dương và tài nguyên biển, phát triển và sử dụng bền vững các tài nguyên rừng, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên thông qua quy trình tái chế, đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, và ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai.

Chính phủ cũng đề ra mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phát triển nông thôn, xóa đói và đảm bảo an ninh lương thực. Mặc dù những mục tiêu này đã được giao cho các đơn vị liên quan, từ Chính phủ trung ương đến các cơ quan địa phương nhưng cộng đồng doanh nghiệp mới là những người mang trọng trách theo đuổi phát triển bền vững thông qua các hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Trong nhiều năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đã mở lòng và dang rộng vòng tay để hỗ trợ cộng đồng trong việc tài trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho đến giảm nghèo và nâng cao vị thế của phụ nữ.

Trong nhiều năm qua, nhiều cá nhân trong các doanh nghiệp đã nỗ lực mang đến nguồn nước sạch cho các vùng xa xôi, xây dựng các sân chơi cho trẻ em, làm sạch môi trường và quyên góp số tiền lớn cho những người chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc áp dụng 3R, tức là Giảm thiểu (Reduce), Tái sử dụng (Recycle) và Tái chế (Recycle) tài nguyên và vật liệu tự nhiên để bảo vệ Trái Đất. Ngoài ra, các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để phát triển đất nước, bảo vệ chính họ và thế hệ tương lai.

Tất cả những hành động cao cả như vậy phù hợp với các mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc, của Chính phủ, và đóng góp xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững mà Chính phủ đã cam kết xây dựng.

Ấn bản online tiếng Anh The Saigon Times thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững vì lợi ích của nền kinh tế và cộng đồng. Với chương trình Saigon Times CSR 2023 – Phát triển bền vững và xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình đầy ý nghĩa này.

Các doanh nghiệp có hoạt động và thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) có thể gửi câu chuyện của mình về The Saigon Times (saigontimes-csr@thesaigontimes.vn) và các tờ báo khác của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn để có thể phổ biến thông tin rộng rãi đến độc giả và tạo ra sự cộng hưởng tốt hơn trong xã hội.

The Saigon Times

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/theo-duoi-phat-trien-ben-vung/