Thị giá cổ phiếu HPG lên cao nhất trong vòng 2 năm, vốn hóa đứng thứ 5 toàn sàn
Việc cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát tiếp đà đi lên đưa vốn hóa Hòa Phát vượt Vingroup, vươn lên vị trí vốn hóa lớn thứ 5 toàn sàn, xếp sau 4 doanh nghiệp có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV, Viettel Global và ACV.
Thị trường chứng khoán ngày 15/5 chứng kiến giao dịch bùng nổ trên cổ phiếu HPG. Cổ phiếu này khớp lệnh hơn 45 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch gần 1.400 tỷ đồng, đứng cao nhất toàn sàn về thanh khoản thị trường. Khối lượng lẫn giá trị giao dịch cũng cao gấp 2-3 lần so với những phiên gần đây. Đây cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng lớn thứ 2 trên HoSE với giá trị 176 tỷ đồng, sau MWG của Thế giới Di động.
Dòng tiền vào mạnh mẽ đưa thị giá HPG tăng 3,3% lên 31.200 đồng/cp, giá đóng cửa cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt 181.400 tỷ đồng (7,5 tỷ USD), tăng gần 53.000 tỷ (2,2 tỷ USD) so với thời điểm một năm trước.
Với mức vốn hóa này, Hòa Phát đã vượt qua Vingroup để trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Giá trị của Hòa Phát hiện chỉ kém đúng 4 "ông lớn" do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, Viettel Global và ACV. Nếu tính cả các doanh nghiệp, tập đoàn vốn Nhà nước, hiện vốn hóa của Hòa Phát xếp thứ 3 trên sàn HoSE, sau Vietcombank (trên 500.800 tỷ đồng) và BIDV (277.000 tỷ đồng).
Tài sản của gia đình tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát cũng tăng mạnh theo đà tăng cổ phiếu. Với tổng lượng sở hữu hơn 2 tỷ cổ phiếu, chiếm 35% vốn tại Hòa Phát, khối tài sản trên sàn chứng khoán của gia đình ông Long ước tính lên đến gần 63.500 tỷ đồng (2,6 tỷ USD).
Trong đó, riêng số cổ phiếu HPG do ông Long trực tiếp nắm giữ đã có giá trị 46.800 tỷ đồng (1,9 tỷ USD), tăng gần 14.000 tỷ sau một năm. Theo cập nhật từ Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long tính đến ngày 15/5/2024 lên đến 2,6 tỷ USD, xếp thứ 1.337 trong danh sách các tỷ phú thế giới. Con số này cao hơn đáng kể so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh cao mà vị tỷ phú này từng chạm đến.
Thông tin mới nhất, ngày 25/5 tới đây, Hòa Phát sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 10%.
Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỷ. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng thêm gần 6.000 tỷ lên gần 64.000 tỷ đồng, tương ứng gần 6,4 tỷ cổ phiếu HPG lưu hành. Con số này đưa Hòa Phát trở thành cái tên có số cổ phiếu lưu hành lớn thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau VPBank.
Được biết, năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023. 3 tháng đầu năm, “anh cả” ngành thép ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 2.900 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ 2023. Với kết quả này, Hòa Phát đã thực hiện 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Trong báo cáo phân tích triển vọng Tập đoàn Hòa Phát mới cập nhật, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 nhờ sản lượng thép nội địa tăng và diễn biến giá thép khả quan hơn. Sản lượng thép tiêu thụ tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025 nhờ thị trường bất động sản quay trở lại.
Năm 2024, BSC dự báo Hòa Phát mang về doanh thu thuần 146.136 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), lợi nhuận sau thuế 13.806 tỷ đồng (tăng 102%), tương đương EPS FWD 2024 là 2.374 đồng/cp, P/E 2024 là 12,9, P/B 2024 là 1,5x.
Với sự đóng góp của Dung Quất 2, trong năm 2025, BSC dự báo Hòa Phát sẽ ghi nhận doanh thu 190.000 tỷ đồng, lãi ròng 22.000 – 23.000 tỷ đồng.
Trong năm 2026, BSC dự báo Hòa Phát sẽ ghi nhận doanh thu đạt 230.000 tỷ đồng, lãi ròng 32.000 tỷ đồng. Theo đó, quy mô doanh thu tăng 60% và lợi nhuận tăng gấp 2,46 lần so với năm 2024.
Với kịch bản cơ sở, lợi nhuận sau thuế năm 2025 đạt 22.732 tỷ đồng, năm 2026 đạt 32.919 tỷ đồng, cổ phiếu HPG đang giao dịch với mức P/E FWD 2025 là 7,8x, P/B FWD 2025 là 1,3x; P/E FWD 2026 là 5,4x, P/B FWD 2026 là 1,0x.
Các chỉ số trên đều thấp hơn so với chỉ số định giá của HPG trong 1 chu kỳ thép: P/E trung bình là 7-8x, P/B trung bình là 1,5- 1,7x. Theo BSC, đây là mức rẻ để đầu tư HPG khi thời điểm đáy của chu kỳ thép đã qua trong năm 2023.